Ngày 3-6, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết số 10-NQ/TW đã thể hiện rõ sự đổi mới tư duy về KTTN trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Trong nghị quyết này, Đảng ta đã khẳng định rõ vai trò và vị trí của KTTN ở nước ta trong thời gian qua, đó là: KTTN ngày càng phát triển, đóng góp lớn hơn trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất – kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội. Tỷ trọng trong GDP của khu vực KTTN, bao gồm cả kinh tế cá thể duy trì ổn định khoảng 39-40%. Trong giai đoạn 2003-2015, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của KTTN là 10,2%/năm, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế.
Đồng thời, trong nghị quyết này, Đảng ta đã xác định KTTN trong mối quan hệ chặt chẽ, không tách rời với các bộ phận kinh tế khác: KTTN là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với KTTN là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để KTTN phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GDP… KTTN được phát triển ở tất cả ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn KTTN đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
Và không phải đến bây giờ, Đảng và Nhà nước ta mới thấy được vị trí của KTTN trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mà ngay từ những năm đầu khởi xướng công cuộc đổi mới, Đảng ta đã nhận thức rõ vai trò quan trọng của KTTN trong nền kinh tế quốc dân. Trải qua các kỳ đại hội và hội nghị Trung ương, Đảng đã hình thành nên quan điểm và đường lối phát triển KTTN phục vụ công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cụ thể là tại Đại hội XII, Đảng đã xác định: KTTN là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển KTTN là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao nội lực của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế. Và Nghị quyết số 10-NQ/TW là kết quả của sự tổng kết thực tiễn sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, cùng với những quy luật của nền kinh tế thị trường trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Nghị quyết Trung ương 5 cũng nêu rõ quan điểm về phát triển KTTN, đó là: Phát triển KTTN lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Thế nhưng, ngay sau khi nghị quyết này được ban hành, trên một số trang mạng xã hội đã xuất hiện những bài viết “ca ngợi, tán dương KTTN”, xem “KTTN là con đường giải thoát cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay”. Chưa hết và vô cùng thâm độc, trên các trang mạng xã hội còn có nhiều bài viết và lan truyền những tin đồn rằng, “chấp nhận KTTN, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, chuyển hướng sang con đường tư bản chủ nghĩa”.
Những tin đồn sai trái, những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt này thực chất hòng gây nên nhận thức lệch lạc trong xã hội đối với KTTN, kinh tế nhà nước nói riêng và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Thủ đoạn vô cùng tinh vi và thâm độc này còn nhắm đến việc làm lung lay tư tưởng của mọi người đối với sự kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Đảng ta. Tuy nhiên, các thế lực phản động dù có tinh vi, thâm độc và xảo quyệt đến đâu thì cũng sẽ bị vạch trần. Đây đích thực là thủ đoạn mới trong âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Song, chính vì lường trước và biết rõ bản chất của các thế lực thù địch, ngay trong nội dung của nghị quyết này, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ cho toàn Đảng, toàn dân là phải: Phòng, chống có hiệu quả các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong xây dựng và tổ chức thực hiện chủ trương, cơ chế, chính sách đối với KTTN. Chính vì vậy, tất cả những thủ đoạn bịa đặt, xuyên tạc với dụng ý xấu về Nghị quyết số 10-NQ/TW sẽ thất bại trước nhận thức đúng đắn, khoa học cùng với ý chí và quyết tâm kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta.
Diệp Viên