Hình ảnh thợ điện kiểm tra đường dây cao thế sẽ ít dần hay những cuộc gọi đến ngân hàng được trí tuệ nhân tạo trả lời.

Kiểm tra sự cố đường dây 500kv bằng thiết bị bay

Một thiết bị bay tự động trang bị camera trí tuệ nhân tạo (AI) di chuyển tới điểm gặp sự cố trên cao tại đường dây 500kV. Trong thời gian ngắn, thiết bị tiếp cận kết cấu điện ở khoảng cách gần, AI đánh giá chi tiết tình trạng thực tế. Hình ảnh ghi nhận có chất lượng tốt, góc quan sát rộng, tầm nhìn không bị hạn chế giúp việc phân tích được chính xác, thay thế hoàn toàn kiểm tra thủ công. Đồng thời, quá trình kiểm tra sự cố mạng lưới điện được thực hiện trong cả điều kiện thời tiết bất lợi, lũ lụt, hay đường dây ở địa hình hiểm trở.

Viễn cảnh không còn thấy những thợ điện trèo lên kiểm tra các cột điện cao thế không phải ở thì tương lai mà đã diễn ra trong hiện tại.

Ông Lưu Việt Tiến – Phó Tổng Giám đốc Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) thông tin, đơn vị này đã triển khai gắn nhãn, huấn luyện AI với mục tiêu nhận biết được 20 loại thiết bị, phụ kiện trên đường dây và các hư hỏng cơ bản của lưới truyền tải điện quốc gia. Đến nay, tổng lũy kế AI đã chụp hơn 59.000 ảnh với 92.000 mã được gắn nhãn trong kho dữ liệu.

Kết quả thu được, mẫu kiểm tra có độ chính xác cao nhất đạt 98%; thấp nhất là 44%, kết quả phụ thuộc vào từng mô hình. AI còn đang hỗ trợ phát hiện nhanh chóng nguy cơ cháy rừng có thể gây sự cố đường dây từ xa, bao quát quy mô đám cháy, phân tích bình địa địa hình, nguồn nước, độ ẩm từ đó bố trí nhân lực, phương tiện chữa cháy và chống cháy, bảo vệ lưới điện quốc gia.

Cùng với thời gian, số lượng ảnh thu thập tăng dần sẽ được dùng để huấn luyện AI và nâng độ chính xác của việc phân tích hình. Đơn vị này đang tiến dần tới việc thay thế người vận hành trong công tác kiểm tra hình ảnh thủ công. Phương thức tổ chức sản xuất của khoảng 2.200 công nhân điện sẽ thay đổi.

Đại diện Tổng Công ty Điện lực TP.HCM cho biết, DN đang triển khai trạm 110kV không người trực đầu tiên của cả nước (trạm 110kV Tân Sơn Nhất) cũng như các dự án tự động hoá lưới điện trung thế ngầm, nổi tại Khu Công nghệ cao (quận 9) và khu dân cư (quận 7).

Đơn vị vận hành điều khiển từ xa 56/56 (100%) trạm 110kV. Trong đó có 48/56 trạm vận hành hoàn toàn không người trực. Đối với lưới điện trung áp 22kV, vận hành điều khiển xa 64 trạm ngắt và hơn 1.000 tuyến dây, 60% các tuyến dây nói trên tự động hóa hoàn toàn, có khả năng tự cô lập khu vực sự cố và cung cấp điện lại cho các khu vực khác trong khoảng thời gian 1-2 phút.

Máy bay gắn camera AI kiểm tra đường dây điện thay công nhân 

Trí tuệ nhân tạo nhận điện thoại, phân biệt giọng nói

Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng Giám đốc EVN chia sẻ, việc ứng dụng các thành tựu trong nền kinh tế số hướng đến giảm chi phí đi lại, chi phí nhân sự. Với 10 triệu cuộc gọi yêu cầu của khách hàng mỗi năm, AI trong chatbot đang đảm nhận 30% nhiệm vụ trả lời cho người dân của EVN.

Ở một bước đi xa hơn, hiện có 2 ngân hàng lớn tại Việt Nam đã áp dụng Voice Biometrics (xác thực giọng nói), công nghệ này cũng giúp các Trung tâm CSKH tiết kiệm hàng triệu phút gọi mỗi năm. Cụ thể, khách hàng gọi tới nhà băng sẽ không cần thông báo số chứng minh thư hay thông tin cơ bản nữa. Hệ thống dữ liệu tự nhận diện qua mẫu giọng nói lưu của khách hàng, chính xác đến 99,99%. Phương thức này đồng thời hỗ trợ bảo mật, gia tăng cá nhân hóa trải nghiệm dịch vụ.

Giám đốc Kinh doanh của Base Business Solutions – ông Hoàng Huy Long diễn giải, bất chấp người gọi điện có thể đang trong tình trạng ốm hoặc ho, bị ảnh hưởng tới giọng nói thì AI vẫn nhận ra.

“Đội ngũ nhân viên nghe điện thoại được thay thế và dành thời gian xử lý các vấn đề khác. Hồ sơ vay vốn cũng có thể được thẩm định lại qua hệ thống đối chiếu khớp giọng nói khách hàng, tránh gian lận hoặc giả mạo trong quá trình làm hồ sơ”, ông Long nói.

Theo Gartner (Công ty chuyên nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin), dự báo đến năm 2025, trợ lý ảo sẽ chiếm tới 50%, thị trường trợ lý ảo toàn cầu ước tính 44 tỷ USD năm 2027. Do vậy, việc phát triển trợ lý ảo mở ra cơ hội cho DN Việt chiếm thị trường trong nước, đây là một thành tố của quá trình chuyển đổi số.

Đối với đầu tàu kinh tế TP.HCM, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25% GRDP và đến năm 2030 là 40%. Đây là con số khả thi bởi theo tính toán, kinh tế số có tốc độ tăng trưởng nhanh với mức tăng trưởng trung bình khoảng 2 con số. Hiện tại, đóng góp của kinh tế số vào GRDP của TP năm 2021 đã là khoảng 14,4%, tương đương gần 192 nghìn tỷ đồng.

Bà Nguyễn Phi Vân – Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Thiên thần Đông Nam Á nhận định, qua 2 năm của đại dịch, có sự tăng tốc ghê gớm chuyển đổi số. Chúng ta thường nói lộ trình đến năm 2030 nhưng dịch Covid-19 đã ép DN vào đường cùng, thay đổi sớm hơn trong tư duy quản trị, vận hành.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : kinh tế sốTPHCMtrí tuệ nhân tạo

Các tin liên quan đến bài viết