Ngoài việc dễ thu hút đông người xem bởi sự tò mò, các nội dung quảng cáo xấu độc, vi phạm bản quyền, thuần phong mỹ tục còn có chiêu giá rẻ, chiết khấu lớn… khiến nhiều người có thẩm quyền sẵn sàng chi tiền ‘tài trợ’.
Clip dàn dựng trênYouTube trẻ đánh nhau với quảng cáo của Lazada
Hiện nay để thực hiện một chiến dịch quảng cáo, các nền tảng Google, Facebook… đã cho phép người dùng thiết lập các lệnh mang tính chọn lọc.
Chẳng hạn, với Google Ads, nhà quảng cáo có thể vào mục “loại trừ nội dung”, sau đó đánh dấu tích vào từng ô của 5 mục nhỏ gồm: bi kịch và xung đột, các vấn đề xã hội nhạy cảm, ngôn ngữ tục tĩu và thô lỗ, khêu gợi tình dục, nhạy cảm và gây sốc.
Kích cầu với giá rẻ
Tuy nhiên, nếu không chọn “loại trừ nội dung” độc hại, nhãn hàng chỉ cần bỏ ra từ 20-200 đồng cho mỗi lượt xem (view). Trong khi để quảng cáo được “bắn” vào những video “sạch”, số tiền phải bỏ ra cho mỗi lượt xem có thể tăng lên tới 800 đồng (gấp đến 40 lần so với mức giá rẻ nhất ở nội dung độc hại).
Ngoài những quảng cáo hiển thị thông thường, trong nền tảng YouTube Ads, người dùng có thể chọn quảng cáo trong luồng có thể bỏ qua sau 5 giây, hoặc chi nhiều tiền hơn để quảng cáo trong luồng không thể bỏ qua (dài 15 giây và người xem không được phép bỏ qua).
Ví dụ, khi thực hiện chiến dịch quảng cáo cho sản phẩm A, dùng định dạng quảng cáo không thể bỏ qua chèn giữa video trên kênh YouTube, nếu không đánh vào mục “loại trừ nội dung” thì nhãn hàng chỉ cần trả từ 300-500 đồng/lượt xem, trong khi nếu “loại trừ nội dung” độc hại thì số tiền phải bỏ ra có thể lên tới 2.000 đồng/lượt xem.
Như vậy, cùng một chiến dịch quảng cáo với yêu cầu đặt ra là đạt 1 triệu lượt xem, nếu một nhãn hàng lựa chọn không xuất hiện trong các nội dung xấu độc (bi kịch và xung đột, các vấn đề xã hội nhạy cảm, ngôn ngữ tục tĩu và thô lỗ, khêu gợi tình dục, nhạy cảm và gây sốc), họ sẽ phải tốn chi phí đến 2 tỉ đồng.
Trong khi nếu chọn xuất hiện ở mọi thể loại, nhãn hàng chỉ mất từ 300 – 500 triệu đồng. Một sự chênh lệch quá lớn mà nhiều doanh nghiệp chấp nhận “nhắm mắt làm ngơ”.
Đó là về chi phí, còn nếu so về tính hiệu quả, những người vào kênh xấu độc như đánh bạc, khiêu dâm dễ dàng chấp nhận quảng cáo hơn, như sẵn sàng chờ để xem tiếp.
Ông T., giám đốc một mạng lưới quảng cáo trực tuyến tại TP.HCM, chia sẻ như trên và phân tích: ví dụ để đưa một banner (bảng quảng cáo) lên một báo lớn ở Việt Nam, chi phí tính theo tuần khoảng 40 triệu đồng/nhãn hàng. Giá trị bán hàng không cao bởi các trang báo rất ngại làm phiền người đọc khi hiển thị banner.
Nhưng cùng với số tiền này đẩy qua nuôi web bẩn thì nhãn hàng lại thu hút một lượng người dùng lớn. Bởi chức năng cung cấp thông tin (Cookies) được bật sẵn. Người dùng khi muốn xem một nội dung trên các web lậu, web sex… buộc phải lựa chọn tải ứng dụng hoặc đồng ý Cookies.
Clip dàn dựng trênYouTube trẻ đánh nhau với quảng cáo của Lazada
Chiết khấu tới 65%
Chưa hết, ông T. còn “bật mí” một chiêu thức giúp các web “bẩn” hay kênh nội dung xấu độc, vi phạm bản quyền, thuần phong mỹ tục thu hút quảng cáo là “họ sẵn sàng chiết khấu từ 40 – 65% giá trị cho các công ty truyền thông lớn, cũng như bộ phận marketing ở các sàn thương mại điện tử”.
Bên cạnh đó, không ít nhà quảng cáo để đáp ứng chỉ tiêu bên đặt hàng đưa ra về số lượt tiếp cận quảng cáo, cũng như giảm chi phí vốn, đã chọn con đường dễ dàng hơn là “bắn” quảng cáo của các nhãn hàng vào nhiều kênh khác nhau mà không chọn mục “loại trừ nội dung” độc hại. Hầu như họ đều biết nhãn hàng phải đối mặt với rủi ro về pháp lý và uy tín nhưng… chấp nhận.
Nguy cơ lớn, cần siết chặt
Theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), không gian mạng Việt Nam đang tồn tại các quảng cáo của nhãn hàng, thương hiệu Việt gắn tràn lan vào nhiều nội dung sai sự thật, khiêu dâm, giật gân ở rất nhiều video xấu độc trên YouTube, Facebook… Thậm chí, có cả nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.
“Ngoại trừ một số nhãn hàng lớn có yêu cầu đại lý quảng cáo áp dụng một số quy định chặt chẽ, hầu hết các thương hiệu còn lại chỉ yêu cầu số lượng view, khá dễ dãi… nên các đại lý thả lỏng. Đặc biệt, trong sáu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam, chỉ có một doanh nghiệp áp dụng cài đặt bộ chặn lọc quảng cáo có nội dung xấu độc…
Vì vậy, mặc dù cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nhiều vi phạm về quảng cáo trên mạng nhưng nhìn chung chưa có nhiều chuyển biến” – ông Lê Quang Tự Do, cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, chia sẻ tại một hội nghị đánh giá thực trạng quảng cáo trên mạng tại Việt Nam.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên, theo cơ quan chức năng, là do người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.
Trong đó có việc những “ông lớn” như YouTube, Facebook cho người sử dụng mạng xã hội đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật và bật tính năng kiếm tiền cho phép cài đặt quảng cáo trên các kênh, trang, tài khoản đó.
Nhãn hàng, doanh nghiệp có thể đối mặt nhiều rủi ro khi để quảng cáo xuất hiện ở kênh có nội dung độc hại.Về pháp lý, khi Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử phát hiện, nhãn hàng sẽ bị xử phạt hành chính, chưa kể sẽ kèm các hình thức phạt khác nếu vi phạm nhiều lần.Về uy tín, khán giả có thể thấy rằng doanh nghiệp đã làm ăn cẩu thả. Nhãn hàng cần có trách nhiệm đàm phán với bên chạy quảng cáo cho mình, đưa vào các điều khoản để tránh các rủi ro xảy ra.
Sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo trên mạng. Cơ quan quản lý sẽ tăng cường rà quét và xử lý vi phạm quảng cáo trên mạng.
Các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, nền tảng phát hành quảng cáo, trang thông tin điện tử vi phạm sẽ bị công bố công khai.
Bộ cũng sẽ xử phạt nghiêm các đại lý, nhãn hàng quảng cáo hợp tác với các nền tảng quảng cáo không thực hiện thông báo với bộ theo quy định.
Nguồn: tuoitre.vn