Là loại hình âm nhạc truyền thống, nhạc ngũ âm được xem là linh hồn của đồng bào Khơme ở các lễ, hội. Tuy nhiên, nhạc cụ này đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc bảo tồn, duy trì và phát triển nếu không có sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng.
NÉT VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO
Chỉ xuất hiện trong các dịp lễ, hội của đồng bào Khơme nhưng nhạc ngũ âm vẫn thu hút, quyến rũ không ít người nghe và nhiều người quyết tâm theo đuổi loại nhạc cụ này. Nhạc ngũ âm gắn bó với người Khơme trong mọi niềm vui, nỗi buồn. Vào những ngày lễ hội, cưới hỏi, nhạc ngũ âm làm cho không khí trong sóc, trong làng tươi vui, rộn ràng; còn khi có chuyện buồn âm nhạc lại mang nỗi tiếc thương. Đó chính là nét độc đáo không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Khơme.
Những nghệ nhân nhí của chùa Sóc Lớn trình diễn tiết mục nhạc ngũ âm tại triển lãm “Di sản văn hóa Bình Phước” năm 2016
Hiện toàn tỉnh chỉ có 1 dàn nhạc ngũ âm tập trung ở chùa Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh. Và nghệ nhân chơi dàn nhạc này lại là các em độ tuổi từ 10-18. 5 chất liệu tạo nên dàn nhạc ngũ âm gồm da, đồng, sắt, gỗ và hơi. Dàn nhạc của chùa Sóc Lớn có 8 nhạc khí, mỗi nhạc khí như Rô – Niết – Ek; Rô – Niết – Đek; Rô – Niết – Thung; Sakhô – Thum, Chhưng và bộ trống Sadam; Pét – Kuông – Thôn; Pét – Kuông – Tích có âm thanh hoàn toàn khác nhau, nhưng sẽ hòa vào tạo nên một cung bậc vừa trầm vừa cao thu hút người nghe.
Trong lễ hội, mặc dù quy tụ được nhiều nhạc cụ khác nhau nhưng âm thanh của nhạc ngũ âm từ trầm thấp đến cao vút, ngọt ngào vang lên luôn chiếm vai trò chủ đạo, lôi cuốn mời gọi mọi người nắm tay nhau, thể hiện các điệu múa duyên dáng. Âm thanh cứ thế đi vào lòng người. Đồng bào Khơme thường hát những bài có nội dung gắn liền với cuộc sống hằng ngày, như bài Skakeoơi nói về sự vui mừng của con chim sáo khi được ăn trái cây hoặc được ăn no; Sôrida hát về ánh bình minh…
NGUY CƠ MAI MỘT
Tuy là loại hình nghệ thuật độc đáo, có bề dày lịch sử, nhưng nhạc ngũ âm trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là số lượng các bài hát mà đội nghệ nhân nhí ở chùa Sóc Lớn biết vẫn còn rất khiêm tốn, trong khi nghệ nhân có khả năng truyền lại cho các em phải thuê từ các tỉnh miền Tây lên.
Già làng Lâm Pooc, ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh cho biết: “Từ nhỏ, tôi đã được nghe âm thanh của dàn nhạc ngũ âm, nhưng sau này âm thanh ấy thưa thớt dần… Đến năm 2012, khi sư cả (Thượng tọa Thạch Nê – trụ trì chùa Sóc Lớn) mang dàn nhạc về thì người dân trong xã ai cũng vui mừng. Do trong ấp không có người biết chơi dàn nhạc ngũ âm nên sư thầy đã mời nghệ nhân Lý Sa Thươl ở tận Trà Vinh đến truyền dạy cho các em thiếu niên trong ấp. Đến nay, các em đã đánh được một số bài nhạc như “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” và một số bài hát của đồng bào Khơme… Tuy nhiên, sau lần học ấy, đám trẻ vẫn chỉ chơi được bấy nhiêu bài, còn rất nhiều bài hát, đặc sắc của đồng bào tụi nhỏ không gõ được”.
Thầy Lâm Ngọc Thành, giáo viên dạy tiếng Việt – Khơme ở chùa Sóc Lớn trăn trở: Để sử dụng dàn nhạc ngũ âm đang có, sư cả và các sãi trong chùa đã tập trung các em từ 10 tuổi trở lên đến học. Khoảng 7 giờ tối, các em đến chùa vừa học kinh vừa học chữ. Cứ 2 hoặc 4 ngày các em tập trung cùng nhau học gõ nhạc ngũ âm. Hiện nay, các em có thể sử dụng cơ bản các nhạc khí của dàn nhạc ngũ âm. Tuy nhiên không có giáo viên dạy khí cho ra âm thanh trầm hay bổng như thế nào. Vì vậy, nhạc ngũ âm chẳng khác nào đang “đóng băng”, chính người Khơme cũng không hiểu được giá trị của nó thì làm sao các dân tộc khác cảm nhận được cái hay của dàn nhạc này.
Tại xã Lộc Khánh hiện duy trì một đội nghệ nhân nhí là người Khơme tuổi từ 10 trở lên chuyên hát và múa các thể loại văn hóa dân gian lẫn văn hóa cung đình. Có khi 1 tuần/lần các em tụ tập tại chùa Sóc Lớn để cùng nhau ôn lại những bài nhạc ngũ âm đã được học, đồng thời tự mày mò thêm các bản nhạc mới. Toàn tỉnh có 3 chùa Khơme thì chỉ chùa Sóc Lớn có nhạc ngũ âm. Điều đó cho thấy, dàn nhạc ngũ âm vẫn là sân chơi còn khá khiêm tốn cho đồng bào Khơme tỉnh nhà. Đông đảo học sinh, người dân Khơme trong tỉnh mong các cơ quan chức năng tìm hiểu thêm về nét văn hóa đặc sắc này và mở rộng hơn cho đồng bào Khơme toàn tỉnh.
Nguồn Báo Bình Phước