Nhiều địa phương chưa công bố danh mục SGK lớp 4, 8, 11 lựa chọn cho năm học mới 2023-2024 khiến Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khó xác định số lượng sách cần in.
PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, nhà xuất bản đang gặp khó trong việc in và phát hành sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 chương trình mới. Hiện mới một số ít địa phương công bố danh mục lựa chọn sách lớp 4, 8, 11, hầu hết chưa có số lượng đăng ký sách cần cung ứng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Theo quy định, các địa phương phải hoàn thành lựa chọn sách lớp 4, 8, 11 chương trình giáo dục phổ thông mới trước 4 tháng bắt đầu năm học mới 2023 – 2024. “Việc các địa phương chậm công bố danh mục sách giáo khoa được lựa chọn khiến nhà xuất bản khó khăn trong việc xác định số lượng, thời điểm và phương thức triển khai công tác in, phát hành sách”, ông Tùng nêu.
Sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Theo ông, năm học 2022 – 2023 sắp kết thúc, thời điểm này, nhiều trường phổ thông đã hoàn thành kiểm tra đánh giá cuối năm học. Cùng với đó nhu cầu mua sắm sách giáo khoa năm học mới 2023 – 2024 cũng tăng lên.
Do vậy, nhà xuất bản đang nỗ lực triển khai in gấp, nhập nhanh để có đủ sách giáo khoa tái bản các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 chương trình giáo dục phổ mới và các lớp 5, 9, 12 chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, phát hành từ ngày 1/5/2023. Tại các cửa hàng thuộc hệ thống phát hành của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các công ty sách ở địa phương hiện đã có đầy đủ các đầu sách giáo khoa thuộc các lớp trên.
Đồng thời nhà xuất bản cũng tiếp tục được in, nhập kho sách giáo khoa, sách bổ trợ để cung ứng đầy đủ tới các cửa hàng bán lẻ và tới các trường học phục vụ nhu cầu của giáo viên, học sinh.
Tránh rơi vào thế bị động, nhà xuất bản tiếp tục duy trì đường dây nóng 034.418.1018 để kịp thời hỗ trợ phụ huynh, học sinh mua sách giáo khoa nhanh chóng, thuận tiện, đặc biệt trong thời gian cao điểm từ tháng 5 đến hết tháng 9.
Nếu phụ huynh, học sinh, nhà trường muốn phản ánh các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa cũng có thể liên hệ đường dây nóng trên, Phó tổng biên tập nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh.
Theo Vtc.vn