Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khiến nhiều nước phải tăng cường khẩn cấp biện pháp đối phó và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối mặt nhiều chỉ trích vì hàng loạt ca nhiễm ở Nhà Trắng.
Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 7/10 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới đã có gần 39 triệu người mắc Covid-19, hơn 1 triệu trường hợp tử vong. Tuy nhiên, hơn 27,1 triệu ca bệnh khắp toàn cầu đã được chữa khỏi.
Các nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại một trạm kiểm dịch ở Warsaw, Ba Lan. |
Đại dịch tấn công Nhà Trắng
Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 7,7 triệu ca nhiễm và 215.984 bệnh nhân tử vong. Đáng nói, đại dịch đã lây lan đến cấp cao nhất trong chính phủ nước này.
Tổng thống Trump đang phải điều trị cách ly tại Nhà Trắng sau 3 đêm nằm viện vì mắc Covid-19. Vợ, nhiều trợ lý và đồng minh thân cận của ông, ước tính tổng cộng hơn 10 người nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus trong vòng một tuần trở lại đây.
Theo AP, Stephen Miller, trợ lý cấp cao của tổng thống là thành viên mới nhất thuộc Nhà Trắng được chẩn đoán dương tính với Covid-19.
Những người chỉ trích cáo buộc chính quyền Trump không truy vết các trường hợp phơi nhiễm do tiếp xúc với tổng thống và các trợ lý đang mang mầm bệnh nguy hiểm, dẫn đến tình trạng gia tăng các trường hợp lây nhiễm theo chùm ở Nhà Trắng.
Hiện nhiều nhân sự Nhà Trắng được lệnh làm việc tại nhà, ngay cả khi ông Trump hôm 5/10 kêu gọi người dân Mỹ “không sợ Covid” hay để dịch bệnh thống trị cuộc sống của họ.
Ba Lan có số ca tử vong cao kỷ lục
Bộ Y tế Ba Lan thông báo, số trường hợp tử vong vì dịch ở nước này hôm 5/10 đã lên tới mức kỷ lục là 58 người. Số ca nhiễm mới trong ngày là 2.236 trường hợp, gần mức kỷ lục 2.367 người hôm 3/10.
Trong 24 giờ qua, Ba Lan cũng chứng kiến tình trạng tăng mạnh số máy thở và giường bệnh dành cho các bệnh nhân dương tính với virus corona chủng mới. Để ứng phó, nhà chức trách tuyên bố sẽ áp các biện pháp giới hạn nhằm phòng chống dịch nghiêm khắc hơn.
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski cho biết, chỉ những người có chứng nhận bệnh lý mới được phép không đeo khẩu trang ở các địa điểm bắt buộc điều này. Bất kỳ ai vi phạm quy định sẽ bị xử phạt nặng nhất.
Nhà chức trách dự kiến ban hành các quy định giãn cách mới cũng như cấm sử dụng một số nơi để khiêu vũ nhằm ngăn chặn việc vụ tập đông người.
Tính đến hết ngày 6/10, Ba Lan ghi nhận hơn 104.000 ca nhiễm và 2.717 trường hợp tử vong vì Covid-19, thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia châu Âu khác.
Brazil nhận tin buồn
Theo Bộ Y tế Brazil, nước này hôm 6/10 có thêm 41.906 ca nhiễm mới, mức cao nhất trong một ngày kể từ giữa tháng 9, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên gần 5 triệu người. Số trường hợp tử vong cũng tăng thêm 819 người, lên tới 147.494 người, mức cao thứ hai trên thế giới.
Brazil hiện là ổ dịch lớn thứ 3 toàn cầu, với số ca dương tính với virus ghi nhận hàng ngày lên tới hàng chục nghìn người suốt nhiều tháng qua.
WHO hy vọng có vắc-xin vào cuối năm
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ hy vọng sẽ có một loại vắc-xin ngừa virus corona chủng mới hiệu quả vào cuối năm nay. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo, chế phẩm như vậy sẽ không lập tức đưa cuộc sống trở lại bình thường, do phải mất hàng tháng mới có thể sản xuất, phân phát và cho sử dụng vắc-xin trên diện rộng.
Phát biểu tại phiên bế mạc cuộc họp kéo dài trong 2 ngày của ban lãnh đạo WHO hôm 6/10, ông Ghebreyesus nhấn mạnh, thế giới cần dùng “mọi công cụ trong tay” để chấm dứt đại dịch, kể cả vắc-xin. Có khoảng 40 loại vắc-xin khác nhau hiện trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, nhưng ông Ghebreyesus không tiết lộ đang đặt niềm tin vào loại nào.
WHO hiện theo đuổi một sáng kiến nhằm trao cho mọi quốc gia trên toàn cầu quyền tiếp cận như nhau tới 9 loại vắc-xin sau khi chúng được phê duyệt và cấp phép lưu hành.
Nguồn: vietnamnet