Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên cả nước, đã khiến ngành du lịch bị tê liệt, các lễ hội lớn phải hủy bỏ, dịch vụ ăn uống đóng cửa. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới tiêu thụ đồ uống, nhất là đồ uống có cồn.
Thiệt hại nặng
Theo Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA), hơn 85% doanh nghiệp đồ uống đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, hàng tồn kho tăng, doanh thu giảm và hàng trăm ngàn lao động bị ảnh hưởng.
Tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Kinh doanh thời Covid-19, thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam tổ chức, ông Dương Như Quang, Giám đốc Công ty TNHH Hải Hà (Ninh Bình) cho biết, Ninh Bình là tỉnh phát triển du lịch rất mạnh những năm qua. Trước năm 2020, công ty luôn có tăng trưởng tốt.
Nhưng do tác động của dịch bệnh, các nhà hàng, khách sạn phải nghỉ bán hàng, điểm du lịch phải đóng cửa, nên 6 tháng đầu năm 2021 doanh thu đã giảm tới 39% so với cùng kỳ năm 2020, lợi nhuận giảm trên 10%. Hệ thống bán hàng bị đứt gãy, việc làm và thu nhập thường xuyên của người lao động không được đảm bảo.
Hàng quán đóng cửa, doanh thu từ bán rượu bia giảm mạnh |
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Habeco miền Trung (công ty con của Công ty CP Bia Hà Nội – Thanh Hóa), hàng năm Bia Thanh Hóa luôn là đơn vị có đóng góp ngân sách lớn hàng đầu cho tỉnh. Thanh Hóa là tỉnh đông dân, có lợi thế về du lịch biển, vì vậy tiêu thụ sản phẩm đồ uống rất lớn. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay phải chịu tác động kép từ Nghị định 100 và đại dịch Covid-19 khiến cho việc sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Ông Huỳnh Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Bia Sài Gòn miền Trung, than thở, đợt dịch bệnh lần thứ 4 này kéo dài trên phạm vi rộng, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh thiệt hại lớn hơn những lần trước. Doanh thu sụt giảm mạnh, nhất là từ đầu tháng 5 đến nay. Trước đó, các doanh nghiệp đồ uống đã chuẩn bị nhiều hàng hóa phục vụ cho cao điểm du lịch hè. Tuy nhiên, dịch bùng phát kéo dài, khiến tồn kho lớn, doanh số giảm thê thảm.
Áp lực lớn với doanh nghiệp bây giờ là việc làm của người lao động và giữ chuỗi phân phối. Trong hoàn cảnh này, doanh nghiệp đã tiến hành sắp xếp lại lao động theo hướng tinh gọn để giảm bớt chi phí và áp dụng phương án bán hàng online.
“Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất là chúng tôi không có nguồn tài chính, để hỗ trợ cho các điểm bán hàng (nhà hàng, quán ăn,… ). Hiện có nhiều điểm bán phải dừng hoạt động và không có thu nhập. Đa số là những hộ kinh doanh cá thể, có nguồn thu nhập chính từ việc bán đồ uống, vì vậy cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn”, ông Dũng nói.
Nhiều điểm bán đồ uống có cồn phải dừng hoạt động và không có thu nhập. |
Muốn giảm gánh nặng
Các doanh nghiệp cũng phản ánh, có hiện tượng “ngăn sông cấm chợ”, coi những đồ uống như bia, nước ngọt là mặt hàng thực phẩm không thiết yếu, vì vậy ảnh hưởng đến vận chuyển đường dài. Công văn chỉ đạo của các địa phương chỉ cho tài xế chở các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như nước uống, mỳ tôm,… đi qua, còn xe chở bia, nước ngọt bị các chốt trạm ngăn cản, khiến cho các doanh nghiệp đã gặp khó càng khó hơn.
Các doanh nghiệp cũng cho biết, dù đã bắt đầu chuyển sang bán hàng online, song hình thức này chỉ phù hợp với khu vực đô thị, còn thị trường nông thôn, miền núi không đáng kể.
Các doanh nghiệp đề xuất, Chính phủ không tăng các khoản thuế phí trong thời gian này; không tăng giá thuê đất trong các khu công nghiệp; không thu phí công đoàn đến hết năm 2021. Đồng thời, có chính sách hỗ cho lao động tại các doanh nghiệp và các hộ bán đồ uống bị dừng hoạt động mà không có nguồn thu nào khác.
Theo ông Vũ Đức Nam, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), sản xuất đồ uống là một ngành kinh tế quan trọng, có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước hàng năm. Giai đoạn 2016-2020, ngành đồ uống đã có sự phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng bình quân 5,8%/năm. Tuy nhiên, từ năm 2020 gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 và chính sách liên quan.
Hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 có sự khởi sắc, sản lượng tăng cao, nhất là trong quý 1, nhưng từ giữa quý 2 chịu ảnh hưởng rất lớn bởi những dịch vụ ăn uống, lễ hội và du lịch bị hạn chế, đóng cửa. Tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, khó lường, dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành đồ uống nửa cuối năm 2021 kém khả quan.
Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Chính phủ đề xuất chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong ngành đồ uống nói riêng, ông Nam cho hay.
Nguồn: vietnamnet