Nhiều cán bộ giảng viên, trong đó có cả những cán bộ lão thành, có học hàm, học vị cao của Học viện Cảnh sát nhân dân đều chung nhận xét rằng, thầy giáo, GS, Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm luôn làm họ cảm phục, bởi lối ứng xử luôn coi trọng chữ tình và lễ nghĩa ở thầy. Thầy ấm áp và độ lượng. Thầy giản dị và sâu sắc.

Trong hệ thống các trường CAND hiện nay, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) đang dẫn đầu với nhiều cái nhất: Nhất về qui mô đào tạo; nhất về đội ngũ giảng viên chất lượng cao; nhất về điều kiện đảm bảo học tập và nhất về môi trường sư phạm mang đậm tính lịch sử văn hóa truyền thống.

Từ một trường đại học chưa có tên trong “bản đồ” các trường đại học tại Việt Nam, đến nay, Học viện CSND đã ghi tên trong hệ thống các trường đại học đào tạo an ninh, cảnh sát của khu vực châu Á. Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, Học viện CSND đã có sự bứt phá ngoạn mục, là một trong số ít các trường đại học ở Việt Nam được vinh dự hai lần nhận danh hiệu Anh hùng.

Trong những thành quả ấn tượng đó, có dấu ấn sâu sắc và đặc biệt của Trung tướng, Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm.


Nhà giáo, Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm

Nhà giáo, Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm

Những quyết định mang tính “đột phá”

Một cơ sở đào tạo chất lượng, có uy tín phải có một hiệu trưởng giỏi; giỏi cả quản lý và công tác chuyên môn. Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm có chuyên môn sâu ở lĩnh vực Quản lý Nhà nước về An ninh trật tự, Khoa học lãnh đạo chỉ huy CAND và Tội phạm học.

Ông là tác giả, là chủ biên của nhiều bộ sách đồ sộ về khoa học Công an. Nói điều này để thấy, lãnh đạo Bộ Công an khi giao cho Giáo sư Xuân Yêm nhiệm vụ Giám đốc một cơ sở đào tạo có quy mô lớn (13.000 người) là Học viện CSND, là các đồng chí lãnh đạo Bộ đã “chọn mặt gửi vàng”, kỳ vọng vào Giáo sư Xuân Yêm với trình độ chuyên môn sâu sắc và uy tín lớn trong giới khoa học sẽ giúp Học viện CSND đổi thay và vươn lên.

Gần 9 năm làm Giám đốc Học viện, Giáo sư Xuân Yêm đã tận tâm, tận lực với một khát vọng đưa cơ sở đào tạo này trở thành một cơ sở đào tạo có uy tín, xác lập “thương hiệu” trong hệ thống giáo dục đại học.

Khi chúng tôi hỏi: “Lúc đó, thầy có gì trong tay và những ngày ban đầu đó, có nhiều khó khăn thách thức?”, thì Giáo sư Xuân Yêm cho hay: “Không có việc gì là dễ cả, nhất là trong điều kiện nhà trường không có kinh phí. Chất lượng đội ngũ giảng viên thua xa các trường ngoài. Điều kiện làm việc của giáo viên, chỗ ở cho sinh viên rất chật hẹp. Tôi nhớ thời điểm đó, thư viện nhà trường vô cùng nghèo nàn, có rất ít đầu sách. Quan hệ quốc tế gần như bằng không, dù trường thành lập rất lâu. Đó là những điều tôi trăn trở, day dứt và càng thấy trách nhiệm nặng nề của mình”.

Nhưng bằng sự nhạy bén của một nhà khoa học có bề dày thực tiễn (Giáo sư Xuân Yêm đã trải qua nhiều đơn vị công tác như: Viện Khoa học hình sự, Cục Tham mưu Cảnh sát, Văn phòng Thường trực Phòng chống ma túy…), Giáo sư Xuân Yêm đã chọn khâu đột phá là “đầu tư cho đội ngũ cán bộ giảng dạy và quản lý”. Ông quan niệm, con người sẽ quyết định tất cả; cơ sở đào tạo tốt là phải có đội ngũ tốt. Đồng thời, ông đã đề cao tính gương mẫu của người đứng đầu, để ai cũng thấy được vinh dự và trách nhiệm, giác ngộ được tính đầu tàu, gương mẫu mà phấn đấu làm việc tốt nhất.

Nhưng nhiều cái mới Giáo sư Xuân Yêm đưa ra ban đầu không có sự đồng thuận của cán bộ, thậm chí sinh viên…Song qua thời gian, mọi người đã nhận ra Giáo sư Xuân Yêm đang “đầu tư đúng chỗ”.


Việc đào tạo được thầy Yêm tập trung vào 3 khâu: Đào tạo giảng viên và chuyên gia đầu đàn, đào tạo cán bộ nữ và đào tạo cán bộ trẻ

Việc đào tạo được thầy Yêm tập trung vào 3 khâu: Đào tạo giảng viên và chuyên gia đầu đàn, đào tạo cán bộ nữ và đào tạo cán bộ trẻ

Sự nhiệt thành, tận tâm với nhà trường của Giáo sư Xuân Yêm đã kết nối mọi người, tạo nên sức mạnh tập thể đoàn kết và một Đảng ủy, Ban Giám đốc đồng lòng.

“Quan điểm quản lý của tôi là phân cấp tối đa cho các đồng chí Phó Giám đốc, để mọi người phát huy hết sở trưởng của mình, nhưng làm gì cũng phải báo cáo Giám đốc. Tôi đã đặt đoàn kết nội bộ lên hàng đầu, coi trọng thầy cô giáo lão thành và người lớn tuổi. Đồng thời, tôi rất ưu tiên cán bộ trẻ, ai có nguyện vọng đi học là nhà trường đều chấp nhận và tạo điều kiện tối đa”.

Chỉ trong một thời gian ngắn, những thách thức về chất lượng đội ngũ tại Học viện CSND đã được giải quyết. Giáo sư Xuân Yêm đã vạch ra tiêu chí đào tạo đội ngũ giảng viên cả về đạo đức nhà giáo, về trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, kỹ năng nghiên cứu khoa học và kỹ năng thực hành – thực tiễn. Việc đào tạo được thầy Yêm tập trung vào 3 khâu: Đào tạo giảng viên và chuyên gia đầu đàn, đào tạo cán bộ nữ và đào tạo cán bộ trẻ.

Tính đến nay, Học viện có 18 Giáo sư, 41 Phó Giáo sư, 126 Tiến sĩ, 400 Thạc sỹ. Có đội ngũ tốt, những công việc tiếp theo của nhà trường cũng từng bước đạt thành quả ấn tượng. Đó là xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh gắn với tăng cường kỷ cương, kỷ luật.

Trong 10 năm trở lại đây, Học viện đã có những bước chuyển quan trọng về cơ sở vật chất và trở thành nhà trường có cơ sở vật chất đứng đầu các học viện, nhà trường CAND… Đặc biệt, với vị thế và uy tín ngày càng nâng cao, hiện nhiều sinh viên quốc tế cũng đã đến Học viện CSND học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Học viện CSND đi đầu trong xây dựng “đại học thông minh”, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quá trình dạy và học. Nhiều đoàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình “đại học thông minh” của nhà trường.

Một vị Tướng mang “trái tim người mẹ”

Đó là những dấu ấn sâu sắc của Trung tướng, Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm trong hoạt động đào tạo và khoa học. Nhưng còn một “vế” nữa ở thầy mà chúng tôi không thể không nhắc tới. Đó là “cái tình” của một vị Tướng.

Nhiều cán bộ giảng viên, trong đó có cả những cán bộ lão thành, có học hàm, học vị cao của Học viện đều chung nhận xét rằng, thầy Xuân Yêm luôn làm họ cảm phục, tôn trọng bởi lối ứng xử luôn coi trọng chữ tình và lễ nghĩa ở thầy. Thầy ấm áp và độ lượng. Thầy giản dị và sâu sắc.

Tôi cũng đã từng nghe một số cán bộ, những người gần gũi thầy, hiểu thầy, kể rằng: Bất kỳ ai, dù là người mới gặp lần đầu hay quen biết đã lâu, dù là người nhiều tuổi hay ít tuổi, là trí thức hay người lao động, cấp trên hay cấp dưới khi tiếp xúc với thầy, họ không thấy khoảng cách và ranh giới. Bởi thầy Xuân Yêm luôn gần gũi, thân thiện, kính trên, nhường dưới, quan tâm, chia sẻ chu đáo đến tất cả mọi người.


Thầy Xuân Yêm luôn gần gũi, thân thiện, kính trên, nhường dưới, quan tâm, chia sẻ chu đáo đến tất cả mọi người.

Thầy Xuân Yêm luôn gần gũi, thân thiện, kính trên, nhường dưới, quan tâm, chia sẻ chu đáo đến tất cả mọi người.

Vào các dịp lễ, Tết hay ngày truyền thống của lực lượng, thầy đều có sự chủ động quan tâm, chia sẻ đến những người xung quanh mình một cách chu đáo, tận tình. Trong những dịp ấy, những người được thầy quan tâm, động viên đầu tiên chính là những người lao động, bộ phận phục vụ bình thường nhất (từ anh em lái xe đến các chị lao công, dọn dẹp…).

Hàng năm, cứ đến dịp Tết cổ truyền của dân tộc, đêm 30 Tết năm nào thầy cũng trực tiếp vào trường tổ chức lễ đón giao thừa, chúc mừng năm mới số học viên trực Tết theo chế độ. Thầy đi từng bếp ăn, từng mâm cơm của học viên vì lo lắng cho cảnh học viên đi học xa nhà và đón xuân trong không khí trực chiến, không gia đình, bạn bè, người thân bên cạnh.

Còn tôi thì nhớ mãi, năm 2016, câu chuyện về Thiếu uý Đậu Thị Huyền Trâm- nguyên là học viên giỏi khoá D36 Học viện CSND đã chọn cái chết, từ chối điều trị bệnh ung thư để cứu đứa con đang mang trong mình là bé Gấu sau này.

Cảm động trước tình mẫu tử thiêng liêng và nghĩa cử đáng trân trọng tự hào về một cựu học viên Học viện, thầy là một trong những người đầu tiên đến thăm và động viên mẹ con bé Gấu. Đã có giọt nước mắt lặng rơi trên đôi má của vị Trung tướng khi nhìn thấy học sinh cũ của nhà trường.


Thầy Yêm đến thăm Thiếu uý Đậu Thị Huyền Trâm- nguyên là học viên giỏi khoá D36 Học viện CSND vào ngày 17/07/2016

Thầy Yêm đến thăm Thiếu uý Đậu Thị Huyền Trâm- nguyên là học viên giỏi khoá D36 Học viện CSND vào ngày 17/07/2016

Thầy đã mang trái tim của một người mẹ. Sau khi rời Bệnh viện trở về, ngày hôm sau chính thầy Xuân Yêm đã nêu ý tưởng thành lập “Quỹ Đậu Thị Huyền Trâm” – để giúp đỡ những học viên và cựu học viên Học viện có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần có sự chung tay, chia sẻ của cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học viên toàn Học viện. Những hình ảnh và nghĩa cử đầy tính nhân văn của thầy có sức lan toả mạnh mẽ đối với toàn ngành cũng như toàn xã hội.

Thầy luôn nói với cán bộ, những học trò của thầy rằng, trong công tác quản lý, ngoài vấn đề chuyên môn, công việc thì người lãnh đạo phải biết quan tâm, chia sẻ đến cán bộ chiến sĩ từ những điều nhỏ nhất, trong đó gia đình, người thân của họ là những điều thiêng liêng nhất với họ.


Thầy Nguyễn Xuân Yêm thăm cháu Trần Gấu (con của Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm) tại gia đình ngày 22/04/2018.

Thầy Nguyễn Xuân Yêm thăm cháu Trần Gấu (con của Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm) tại gia đình ngày 22/04/2018.

Ý tưởng về việc xây dựng một môi trường giáo dục nhân văn, coi trọng truyền thống, lịch sử của thầy đã được thể hiện rõ nét qua những công trình thế kỷ mà thầy đã tâm huyết, nung nấu và chỉ đạo quyết liệt phải làm bằng được. Đó là cụm công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cố Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Công an qua các thời kỳ; là Văn miếu Học viện CSND thờ Thầy giáo Chu Văn An; là Tượng Quốc tổ Vua Hùng để các con cháu tưởng nhớ về các bậc tiền nhân khai nước vào mỗi dịp Giỗ tổ 10/3…

Gần đây nhất, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Học viện (15/5/1968-15/5/2018), sự tâm huyết, quyết tâm và những nỗ lực không biết mệt mỏi của thầy cùng tập thể Ban Giám đốc và các đơn vị chức năng đã giúp cho Học viện có một cơ ngơi khang trang, sạch đẹp, diện tích của Học viện được mở rộng gần 20ha.

Năm 2002, thầy giáo Nguyễn Xuân Yêm trở thành Giáo sư trẻ nhất Việt Nam. Sau đó, ông được mời làm Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Luật (2004 – 2009), đồng thời là Thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Khoa học An ninh.

Hai nhiệm kỳ tiếp theo cho đến nay, Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm là Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Khoa học An ninh. Ông cũng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư đặc biệt của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

Với kinh nghiệm sâu sắc của một Chủ tịch Hội đồng ngành, Giáo sư Xuân Yêm cho rằng, Hội đồng ngành phải gắn kết rất chặt chẽ với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu; đồng thời phải cuốn hút được các nhà khoa học sau khi được phong chức danh quay lại phục vụ nghiên cứu khoa học và giảng dạy.

Những năm qua, Hội đồng Khoa học An ninh đã hướng vào việc sẽ đào tạo các chuyên gia đầu ngành, cán bộ trẻ. Đợt xét vừa rồi, nhiều PGS của lực lượng CAND thuộc thế hệ 8X, giỏi đến 2 – 3 ngoại ngữ, có bài đăng ở Tạp chí quốc tế, có nhiều công trình nghiên cứu.

Mới đây, Giáo sư Xuân Yêm đã có bản đề xuất những suy nghĩ tâm huyết của mình gửi Bộ GD&ĐT nhằm cải tiến hoạt động của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước khoa học, bài bản và đạt hiệu quả cao nhất.

Theo Dân Trí

Từ khóa : bộ công anhệ thống giáo dục đại họcHọc viện cảnh sát nhân dânTrung tướng Nguyễn Xuân Yêm

Các tin liên quan đến bài viết