Mấy ngày qua, nhiều ý kiến ở Huế rất bất bình với sự việc đang diễn ra ở khu ‘Nhà di sản’ 117 Lê Thánh Tôn, phường Thuận Lộc.

Nhà di sản ở Huế đang... phá sản - Ảnh 1.

Nhà tập gym án ngữ ngay trước “Nhà di sản” ở Huế

Trên thực tế, “Nhà di sản” là một thành quả trong hoạt động ngoại giao kêu gọi bảo vệ di sản văn hóa không chỉ ở cố đô Huế, mà còn của Việt Nam nói chung.

Điều này, theo nhận xét của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa: “Có được thành quả do người khác tạo dựng đã không tìm cách phát huy, mà lại xóa đi một cách nhẹ nhàng…

Sự việc trên làm đánh mất lòng tin với đối tác nước ngoài, làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác kêu gọi tài trợ từ bên ngoài!”…

1. Có mặt tại hiện trường, chúng tôi cũng hết sức bất ngờ và tiếc nuối trước cảnh: một khối nhà sắt hai tầng rộng khoảng 400m2 đã được dựng lên chiếm toàn bộ phần sân trước của ngôi nhà di sản quý giá, biến ngôi nhà trong tình trạng “mất mặt”.

Cả khu nhà mà sân vườn là thành phần không thể thiếu đã bị phá vỡ hoàn toàn tính toàn vẹn. Người dân sống cạnh cho biết đây là công trình tập gym do một chủ tư nhân thuê lại của phường, được thi công từ khoảng hai tháng nay.

Năm 1996, nằm trong chương trình giao lưu văn hóa Việt – Pháp, vùng Nord Pas de Calais đã chọn khu nhà nói trên và đầu tư khoảng 50.000 euro để cải tạo, trùng tu, đặt tên là “Nhà di sản”.

 Ngôi nhà được lựa chọn trùng tu bởi đây là ngôi nhà rường Việt tuyệt đẹp, phối hợp hài hòa với lối kiến trúc thuộc địa (Pháp) đầu thế kỷ 20, điển hình dạng tư gia quan lại triều Nguyễn trong khu vực kinh thành Huế.

Chủ nhân nguyên xưa của nó là quan đại thần Trương Như Cương (1850-1926, người đứng đầu Viện Cơ mật, tương đương chức vụ thủ tướng hiện nay) và về sau truyền lại cho con trai là Trương Như Đính (1892-1970, thượng thư Bộ Kinh tế cuối triều Nguyễn).

2. Nhiều người ở Huế vẫn còn nhớ lễ khởi công trùng tu công trình trở thành một sự kiện văn hóa lớn ở cố đô, có sự tham gia của một vị đại diện cấp cao của Pháp và nhiều quan chức phía Việt Nam.

Lúc ấy, khu nhà được đầu tư trong một tổng thể: không chỉ bản thân kiến trúc, mà toàn bộ sân vườn cũng được chỉnh trang gồm tường rào, hàng chè tàu, bể nước và hệ thống cây xanh.

Một thời gian dài, khu nhà trở thành một địa chỉ văn hóa của Huế, là một điển hình cho sự phục hồi nhà cổ xuống cấp và là một trong những điểm đến của du khách khi tham quan kinh thành Huế.

3. Bà Phan Thị Cúc – chủ tịch UBND phường Thuận Lộc – cho biết chỉ cho thuê phần sân, chứ ngôi nhà cổ hoàn toàn giữ nguyên.

Cho thuê là bởi ngôi nhà không liên quan gì đến di sản. Bà trưng ra giấy tờ chứng minh phường mua lại ngôi nhà từ con cháu họ Trương vào năm 1988.

Đồng thời cho biết đến năm 1996, UBND TP Huế đã mượn ngôi nhà này giao cho vùng Nord Pas de Calais thuê làm văn phòng đại diện.

 Bà nói: “Họ mượn ngôi nhà đó của phường, 10 năm sau họ đi. Họ đặt tên “Nhà di sản” để thu hút các nơi về tham quan mô hình của họ làm bảo tồn các nhà rường của Huế, chứ ngôi nhà không liên quan gì đến di sản hết!”…

Việc cho thuê toàn bộ phần sân “Nhà di sản” làm nơi tập gym, bà Cúc cho biết UBND TP Huế đồng ý bằng văn bản “cho đầu tư xã hội hóa Trung tâm TDTT phường Thuận Lộc”.

4. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa – thông tin Thừa Thiên – Huế, cho rằng việc cho thuê làm phá vỡ khu nhà di sản nói trên thể hiện sự thiếu nhất quán trong bảo vệ di sản văn hóa Huế.

Bởi nó nằm trong một nghịch lý: sự việc trên diễn ra đồng thời với việc Quỹ hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng thuộc UBND TP Huế đã và đang đầu tư rất nhiều tiền để trùng tu nhiều khu nhà cổ khác.

Trong đó đang đầu tư 750 triệu đồng trùng tu khu nhà cổ của công chúa Ngọc Sơn và đầu tư 600 triệu đồng trùng tu ngôi nhà 145 Vạn Xuân…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : hiện trườngHuếngôi nhànhà di sảnUBND

Các tin liên quan đến bài viết