Tại họp báo Chính phủ chiều tối nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT và Công Thương nêu hàng loạt khó khăn trong hoạt động xuất, nhập khẩu do tác động của dịch virus corona.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, trước tình hình 362 xe nông sản đang tồn đọng ở Lạng Sơn, Bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, ngay chiều 3/2 đã họp bàn giải pháp tổng thể.
“Trưa nay đã được thông quan và thực hiện tuân thủ đúng quy định người sang Trung Quốc về cách ly 14 ngày”, ông Tiến nói.
Cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với các thị trường
Về giải pháp, Thứ trưởng NN&PTNT cho biết, trước mắt thống nhất chủ trương không chuyển hàng lên biên giới, tập trung vào tiêu thụ nội địa, tăng cường chế biến và tạm trữ ở hệ thống kho lạnh.
Ông đề nghị các DN, hiệp hội ngành hàng các tỉnh tập trung vào chế biến và chế biến sâu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại ra các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Mỹ một cách tối đa.
“Trong tình thế chúng ta còn khó khăn lâu dài, chúng tôi đã chuẩn bị kế hoạch cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với các thị trường”, ông Tiến nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Dệt may xuất khẩu sang EU, Hoa Kỳ nhưng phần lớn nguyên, vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dịch do virus corona có tác động toàn diện các mặt trên toàn cầu, từ y tế, giao thông, du lịch, đặc biệt là thương mại.
Hiện mới nói nhiều việc ảnh hưởng của dịch đến thương mại, tác động về xuất nhập khẩu của Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc nhưng thực tế dịch ảnh hưởng rất nhiều đến cả thị trường thứ 3.
Ví dụ, sản phẩm dệt may xuất khẩu rất nhiều sang EU, Hoa Kỳ nhưng phần lớn nguyên, vật liệu dệt may lại nhập khẩu từ Trung Quốc. Dịch tác động cả trực tiếp và gián tiếp, kể cả xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới, thậm chí cả thương mại nội địa.
Bộ Công Thương đã đưa ra chỉ thị về các giải pháp đối phó với dịch từ ngày 31/1, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể trong việc xuất, nhập khẩu, thị trường nội địa và các mặt liên quan đến ngành công thương.
Riêng với tình hình tiêu thụ nông sản, ông Hải cho hay, chúng ta còn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc, do vậy, khi thị trường này có biến động sẽ tác động rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của ta.
Hôm nay, Thủ tướng đã có công văn chỉ đạo cho phép vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới tiếp tục thực hiện theo quy định, bảo đảm công tác phòng, chống dịch và không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN.
“Chính phủ rất cương quyết. Một mặt cố gắng có các biện pháp phù hợp để đối phó với dịch, mặt khác vẫn phải tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh”, ông Đỗ Thắng Hải nói.
Về lâu dài, cần có giải pháp căn cơ về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo tín hiệu của thị trường, liên kết sản xuất, đẩy mạnh chế biến và tăng cường kết nối với các hệ thống siêu thị và trung tâm phân phối nội địa, không quá phụ thuộc vào 1 thị trường.
Với nhiều mặt hàng khác, không phải hàng nông sản, đã yêu cầu hệ thống Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phối hợp với các DN, bộ, ngành liên quan, hiệp hội ngành hàng mở rộng thêm hệ thống tiêu thụ hàng hóa ở các thị trường khác ngoài thị trường Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, đối với khẩu trang y tế, nguyên liệu sản xuất khẩu trang, nước khử trùng đang thiếu và khan hiếm so với nhu cầu.
Vì vậy, Bộ Tài chính có văn bản trình Thủ tướng và báo cáo Chính phủ. Tại phiên họp Chính phủ hôm nay, Chính phủ đã quyết cho Bộ Tài chính phối hợp với các bộ trình miễn thuế với khẩu trang y tế nhập khẩu để sử dụng cho phòng, chống dịch, thuế nhập khẩu với nguyên liệu sản xuất khẩu trang và nước khử trùng.
Bộ Tài chính sẽ làm việc các cơ quan liên quan để cụ thể hóa các mã hàng hóa và mặt hàng, trong ngày mai sẽ xin ý kiến các Bộ Công Thương, Tư pháp, Y tế để khẩn trương trình Thủ tướng quyết định sớm.
19 công dân từ Vũ Hán muốn trở về Việt Nam
Liên quan đến việc đưa công dân Việt Nam từ tâm dịch về nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, vấn đề bảo hộ công dân là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.
Tại Vũ Hán có 24 công dân Việt Nam, trong đó có 21 học sinh và 3 người nhà; hiện có 19 công dân muốn trở về Việt Nam.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng |
“Thủ tướng giao các cơ quan chức năng đón công dân Việt Nam tại vùng dịch về nước với điều kiện phải cách ly tập trung 14 ngày, giao Bộ Quốc phòng đảm bảo các điều kiện về ăn, ngủ, thậm chí bố trí truyền hình cho bà con xem thời sự… Sẽ bố trí sân bay Vân Đồn, 1 sân bay ở miền Trung, 1 sân bay ở miền Nam để cách ly”, ông Dũng thông tin.
Theo Bộ trưởng, cách ly tập trung là giải pháp tốt nhất để tránh lây lan. Bộ Quốc phòng đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện. Các công dân của Việt Nam sang nước bạn làm việc, nếu có nguyện vọng về thì giao cho 7 tỉnh biên giới, với sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng, phối hợp với Bộ Y tế, Công an và các bộ.
Khi cách ly tập trung, Bộ Quốc phòng chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, nhưng theo dõi cách ly, xét nghiệm là do Bộ Y tế đảm nhiệm, phối hợp với Bộ Công an để người bị cách ly không tự do ra khỏi khu cách ly, ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh.
“Chúng ta không đặt vấn đề đưa công dân về nước nhưng nếu là vùng dịch thì phải tập trung giải quyết và phải theo nguyện vọng công dân”, Bộ trưởng nói.
Nguồn: vietnamnet