Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân 89 tuổi, sống tại TP.HCM nhập viện vào khoảng đầu tháng 8.
Tình trạng khi đó rất nghiêm trọng, bệnh nhân Covid-19 suy hô hấp nặng, có bệnh nền đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Các bác sĩ thực hiện hồi sức cấp cứu tích cực, sau một thời gian điều trị, xét nghiệm SARS-CoV-2 cũng chuyển sang âm tính. Tuy nhiên, do nhập viện muộn, kết hợp với bệnh lý nền nặng, bà cụ kiệt quệ dần rồi tử vong sau đó trong tình trạng phổi xơ nát.
Bác sĩ Lê Quốc Hùng cho biết, bà cụ chưa hề tiêm một mũi vắc xin Covid-19 nào dù thuộc nhóm nguy cơ cao (lớn tuổi, bệnh nền). “Bệnh nhân nói nhiều người tiêm vắc xin bị biến chứng nên nhất định không tiêm”, ông chia sẻ.
Một bệnh nhân Covid-19 khác, sinh năm 1965, ngụ TP.HCM cũng đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Trường hợp này có nền đái tháo đường nhưng không điều trị, chưa tiêm vắc xin Covid-19.
Thời điểm nhập viện, người phụ nữ đã khó thở nặng, rơi vào cơn bão cytokine, tổn thương phổi, tổn thương thận. Bệnh nhân được thở máy, lọc máu nhiều lần. Đến nay, qua 7 ngày điều trị tích cực, tình trạng có cải thiện, người bệnh tạm thời cai được máy thở và qua cơn nguy kịch.
“Mặc dù thế, vì phổi đã xơ nên bệnh nhân sẽ chịu những di chứng lâu dài. Bệnh nhân nói nhiều người tiêm vắc xin xong mà mắc bệnh cũng tử vong. Thế nên bà ấy cũng không tiêm”, bác sĩ Lê Quốc Hùng nói. Điều này vô cùng nguy hiểm vì bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền, khi mắc Covid-19 sẽ chuyển nặng, dễ tử vong nếu không được chủng ngừa đầy đủ.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, cho biết, hiện có 41 ca Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 21 trường hợp nặng và nguy kịch. Trong đó, đến 60% bệnh nhân được chuyển lên từ các tỉnh lân cận với bệnh nền nặng.
“Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 hiện nay là 30%, đặc điểm chung là người trên 70 tuổi, 100% có bệnh nền, chưa tiêm hoặc tiêm vắc xin chưa đủ liều”, bác sĩ Hùng nói.
Bên cạnh đó, khi trẻ nhỏ đi học trở lại, lo ngại về việc lây nhiễm Covid-19 cũng khiến ngành y tế lo lắng. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, hai tháng qua, trung bình mỗi tháng có khoảng 30 bệnh nhi mắc Covid-19 đến khám và điều trị. Theo bác sĩ Võ Thành Luân, Phó khoa Hồi sức Covid-19 – Nhiễm, F0 cần phải nhập viện theo dõi cũng tăng lên 5-8 ca/ngày.
Đa số trẻ F0 bị viêm đường hô hấp trên, có bệnh nền, phát hiện từ khoa khám bệnh và những khoa khác chuyển đến. Một số ít bị viêm phổi phải thở oxy tuy nhiên không có trẻ thở máy hay chạy ECMO.
Bác sĩ Võ Thành Luân cho hay, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, cứ 5 trẻ nhập viện vì Covid-19 lại có 1 trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng ngừa. Ngoài lý do trẻ chưa đến tuổi tiêm, nhiều bà mẹ còn lo lắng về tính an toàn của vắc xin.
Bác sĩ nhấn mạnh, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhờ có vắc xin ngừa Covid-19 mà dịch bệnh được kiểm soát. Với trẻ nhỏ, gần như không có trẻ nào trên 10 tuổi diễn tiến phức tạp, trong khi trước đó nhóm bệnh nhi này thường chuyển biến nặng.
“Đây là hiệu quả rất rõ rệt của vắc xin Covid-19. Do đó, cha mẹ nên tranh thủ đưa con đến các địa điểm tiêm vắc xin càng sớm càng tốt, chuẩn bị cho trẻ đến trường an toàn”, bác sĩ Luân nói.
Nguồn: vietnamnet