Dân nhậu thường lấy lý do uống rượu không cần ăn cơm vì rượu được nấu từ gạo và rượu cũng sinh năng lượng… Thực tế năng lượng từ rượu không sinh ra năng lượng cho cơ thể hoạt động mà chuyển thành chất gây hại cho gan và các bộ phận khác của cơ thể.
Uống rượu không cần ăn cơm dễ hại gan, sinh mỡ
Có thể tử vong
Nhiều người có thói quen uống rượu mà không ăn cơm đã phải trả giá bằng tính mạng của mình tại các khoa cấp cứu.
Giải thích điều này, TS Nguyễn Trung Nguyên – giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết mỗi năm trung tâm tiếp nhận hàng chục ca ngộ độc rượu, có ca tử vong do uống quá nhiều rượu mà không ăn cơm.
Đáng tiếc, hầu hết các trường hợp này đều là thanh niên hoặc đang trong độ tuổi lao động.
Có 2 nguyên nhân khiến người khỏe mạnh tử vong sau khi uống rượu mà không ăn là:
– Do hạ đường huyết. Ethanol trong rượu gây hạ đường huyết, nếu cơ thể gầy yếu, đường huyết có thể xuống 0 sau khi uống rượu. Thêm vào đó uống rượu gây hiện tượng no giả khiến bệnh nhân không muốn ăn, là nguyên nhân khiến đường huyết tiếp tục tụt.
– Uống quá nhiều rượu khiến bệnh nhân rơi vào hôn mê, ngừng thở, não thiếu oxy, gây tổn thương não, thậm chí ngừng tim.
Bác sĩ Cao Hồng Phúc, Bệnh viện Quân y 103, cho biết rượu mà người ta vẫn dùng để uống có tên gọi là rượu etylic.
Rượu etylic là một hợp chất hữu cơ, có chứa nguyên tử carbon và hydro, mang năng lượng. Khi đốt cháy 1ml rượu có thể thu được 7kcal. Nếu uống 100ml rượu (độ 2 chén) thì sẽ tạo ra khoảng 700kcal (tương đương với 4 hộp sữa loại 180ml). Người uống rượu cũng có suy nghĩ rượu mang lại một giá trị năng lượng nhất định do chế biến từ gạo.
Nhưng thực tế điều này hoàn toàn không thể xảy ra. “Nếu chỉ uống rượu không mà không ngó ngàng gì tới cơm thì rượu không bao giờ được chuyển hóa thành sản phẩm cuối cùng này cả. Chúng chỉ chuyển hóa thành các sản phẩm trung gian và đương nhiên, năng lượng không thể thu được” – bác sĩ Phúc nhấn mạnh.
Rượu nào cũng có hại
Khi uống rượu không ăn cơm, năng lượng thì không thu được, cơ thể bị bỏ đói và điều này dẫn tới 2 hệ lụy. Chất trung gian từ chuyển hóa rượu bao gồm acetaldehyt, các gốc tự do ào ạt tạo ra. Các sản phẩm này ra sức phá hủy cơ thể. Nặng nhất là phá hủy gan vì rượu được tụ tập ở gan để xử lý.
Hoặc thay vì chuyển hóa tinh bột, cơ thể chuyển sang chuyển hóa mỡ. Chuyển hóa mỡ sinh ra nhiều axit béo tự do, sinh ra nhiều thể ceton dẫn đến toan chuyển hóa. Rất có hại cho hệ thống cơ quan.
Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, khi uống rượu thì phải ăn cơm hoặc các thực phẩm tinh bột khác như bún, miến, mì, phở, bánh mì…
Hơn nữa, rượu rất hại cơ thể nên đừng lạm dụng. Dù là rượu thuốc, rượu vang, rượu ngoại, rượu nào đi chăng nữa thì bản chất chúng đều có chứa etylic. Chúng chỉ khác nhau ở một số hoạt chất sinh học đi kèm, nồng độ etylic trong đó và các tạp chất.
Một ngày, với nam giới, chỉ nên uống 1-2 ly rượu vang. Nữ giới chỉ 1 ly trong 1 ngày. Đừng uống quá liều mà dễ bị ngộ độc. Và nhớ, uống ngay trước hoặc ngay sau bữa ăn cơm.
“Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng nồng độ một số chất béo trong máu được gọi là triglyceride. Nồng độ triglyceride cao kết hợp với cholesterol H-LDL (xấu) hoặc cholesterol L-HDL (tốt) có liên quan đến sự tích tụ chất béo trong thành động mạch. Do đó, có thể làm tăng nguy cơ bị cơn đau tim và đột quỵ.
Uống rượu quá mức còn có thể dẫn đến cao huyết áp, bệnh lý cơ tim, rối loạn nhịp tim và thậm chí tử vong do ngộ độc rượu. Và nó có thể gây rối loạn ngôn ngữ, mất kiểm soát ngôn từ, mất kiểm soát hành vi, ảnh hưởng xấu đến hoạt động của não…” – bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo.
Nguồn: tuoitre.vn