Ngoài Iran là điểm nóng với các ca nhiễm và tử vong tăng mạnh, đã có ít nhất 8 quốc gia khác trong khu vực xuất hiện bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.

Nguy cơ Trung Đông thành ổ dịch - Ảnh 1.

Người dân Iran mang khẩu trang tại một trạm xe buýt ở thủ đô Tehran hôm 24-2 

Corona bắt đầu gợi cho người Trung Đông những ký ức không đẹp về dịch MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông), từng hoành hành ở 27 quốc gia thuộc khu vực Trung Đông, Bắc Phi, châu Âu, châu Á và Mỹ.

Iran trong tâm bão

Số liệu chính thức tính tới tối 24-2 cho thấy Iran đã có 12 trường hợp tử vong trong tổng số 66 ca nhiễm COVID-19, theo AFP. Nhưng điều đáng lo ngại nhất đã và đang xảy ra: COVID-19 bắt đầu xuất hiện ở nhiều nước Trung Đông, tạo mối lo bùng phát.

Sau khi Iran xác nhận ca nhiễm đầu tiên ngày 19-2, Israel và Libăng cũng có ca nhiễm vào ngày 21-2. Đến 24-2, tới lượt Bahrain, Kuwait, Afghanistan và Oman thông báo có người nhiễm. Chiều cùng ngày, Iraq lần đầu tiên thông báo có trường hợp nhiễm bệnh.

Chính quyền Iraq trước đó đã thực hiện rất nhiều biện pháp ngăn dịch lây lan sang nước này và nó cũng thể hiện tình hình rối loạn tại Trung Đông khi các nước đóng cửa biên giới lẫn nhau.

Ngay sau khi Kuwait và Bahrain xác nhận những trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên, chính quyền khu vực cửa khẩu Safwan tại biên giới Iraq – Kuwait đã xác nhận đóng cửa với những du khách và giao lưu thương mại từ Kuwait. Ngoài ra, Iraq cũng thông báo kéo dài thời gian cấm du lịch đối với Iran thêm 15 ngày nữa.

Với số trường hợp tử vong và nhiễm bệnh cao nhất Trung Đông, Iran nghiễm nhiên bị các nước láng giềng… cách ly. Trong ngày 23-2, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Afghanistan, Gruzia (Georgia) và Armenia đã đóng cửa biên giới đường bộ với Iran. Đa phần các nước đóng cửa với Iran vì số trường hợp nhiễm bệnh đều được biết là người trở về từ Iran.

Trong thông báo về ca nhiễm đầu tiên ngày 24-2 đã nêu, quan chức y tế tại TP Najaf của Iraq cho biết trường hợp nhiễm COVID-19 là một sinh viên người Iran đang học ở chủng viện. Trong khi đó, hôm 23-2, Afghanistan cũng cho biết 3 trường hợp nghi nhiễm của nước này là những người trở về từ TP Qom của Iran.

Ở Lebanon hiện nay có một số luồng ý kiến đang hướng về phía đổ lỗi cho Iran, sau khi nước này xác nhận ca nhiễm là người trở về từ TP Qom. Theo đó, nhiều người Lebanon ủng hộ liên minh do nhóm vũ trang Hezbollah (được Iran ủng hộ) hiện vẫn giữ im lặng về vấn đề COVID-19. Trong khi đó, một số người ủng hộ các nhóm đối lập theo phương Tây đang tìm cách đổ cho Iran, khẳng định Iran đã mang virus vào Lebanon.

Nguy cơ Trung Đông thành ổ dịch - Ảnh 2.

Bí ẩn thành phố Qom

Iran chưa công bố những thông tin chính thức về nguồn lây bệnh, nhưng manh mối có thể nằm ở TP Qom, một địa điểm bùng phát và gây tranh cãi hiện nay.

Chính quyền Iran chiều 24-2 đã bác bỏ cáo buộc che giấu thông tin về đợt bùng phát COVID-19 sau khi báo chí nước này đưa tin số ca tử vong vì dịch thực tế cao gấp 4 lần những gì chính phủ công bố.

Phát biểu tại một cuộc họp báo phát trực tiếp trên truyền hình, Thứ trưởng Y tế Iran Iraj Harirchi khẳng định: “Tôi tuyệt đối bác bỏ thông tin này. Đây không phải là lúc đấu đá chính trị. Virus corona là một vấn đề quốc gia”.

Theo AFP, Chính phủ Iran cam kết sẽ minh bạch về số liệu liên quan đến bùng phát dịch COVID-19. “Chúng tôi sẽ thông báo bất kỳ số liệu nào chúng tôi có về con số người chết trên khắp đất nước này. Chúng tôi cam kết về thông tin những số liệu này” – người phát ngôn Chính phủ Iran, ông Ali Rabiei, nhấn mạnh

Hãng tin AFP dẫn thông tin từ Hãng thông tấn bán chính thức ISNA cho biết ông Ahmad Amirabadi Farahani, một nhà lập pháp ở TP Qom, cáo buộc Chính phủ Iran “giấu nhẹm” quy mô đầy đủ của đợt bùng phát dịch bệnh ở Qom.

Trong khi đó, ILNA – một hãng thông tấn bán chính thức khác của Iran, vốn thân cận với phe cải cách – dẫn lời nhà lập pháp Ahmad Amirabadi Farahani nói rằng chỉ riêng ở Qom đã có 50 người chết vì COVID-19 và hiện nay ở Qom có hơn 250 người bị cách ly.

Hãng thông tấn IRNA dẫn lời quan chức Bộ Y tế Iran Minoo Mohraz đoán rằng dịch COVID-19 có thể do “những lao động Trung Quốc làm việc ở TP Qom đi lại giữa nơi đây và Trung Quốc”.

Có thể thấy TP Qom xuất hiện trong rất nhiều các bản tin về ca nhiễm COVID-19 mới ở Trung Đông. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc Qom là một TP linh thiêng, có chủng viện người đạo Hồi theo dòng Shiite. Các học viên tại chủng viện ở Qom có khả năng mang bệnh và lây cho người khác.

Theo báo Guardian, dù Qom đang là tâm điểm dịch COVID-19 ở Iran và Trung Đông nói chung, mọi thứ có thể càng tệ hơn nếu Chính phủ Iran không kịp thời ngăn chặn. Thậm chí vào cuối tuần qua, Iran đã tổ chức cuộc bầu cử nghị viện và đây lại có thể là một kênh lây lan khác cho toàn quốc.

Nếu không tính Ai Cập (tạm xác định ở Bắc Phi), hiện đã có 9 nước tại Trung Đông xác nhận có trường hợp nhiễm virus chủng corona mới, theo số liệu cập nhật tới ngày 24-2. Những nước này gồm: UAE, Iran, Israel, Lebanon, Kuwait, Bahrain, Afghanistan, Iraq và Oman.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : ca nhiễmcoronaIranổ dịchTrung Đôngtử vong

Các tin liên quan đến bài viết