Nguy cơ từ trên trời rơi xuống còn cơ hội chỉ có thể từ bàn tay và khối óc. Hà Nội đang có cơ hội suy nghĩ thấu đáo, làm việc thận trọng, thông minh để khi dịch bệnh qua đi có 1 Hà Nội an toàn, mạnh mẽ hơn.
Trong giai đoạn chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất, ngày 26/3, Hà Nội công bố Kế hoạch lập Quy hoạch Thành phố giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045 với cách tiếp cận mới.
Sử dụng tài nguyên phát triển bền vững
Để phát triển mạnh mẽ và bền vững, Hà Nội cần phải dự trữ nguồn lực đủ mạnh để vượt qua những thách thức ghê gớm hơn trong tương lai mà đại dịch Covid-19 là 1 kinh nghiệm.
Theo đó, khai thác tài nguyên phải xứng đáng. Đồng thời, cần xác định tài nguyên vô giá không thể khai thác mà phải làm gia tăng giá trị lên: đó là sông Hồng, nơi cung cấp nguồn sống cho Hà Nội và cả vùng Bắc Bộ ngàn năm qua và ngàn năm sau nữa.
Vật vã trong đại dịch, cả nhân loại mới ngộ ra: chẳng có gì quý hơn sinh mạng con người. Với vai trò duy trì sự sống hàng chục triệu cư dân châu thổ, sông Hồng là tài sản vô giá, cần trân quý và làm cho nó ngày càng giàu có hơn.
Sông Hồng phải nhiều nước và nước phải sạch mới phát huy giá trị. |
Sử dụng tài nguyên hiệu quả bao gồm cả cách chia sẻ các không gian vật chất hiện có trong các tình huống khác nhau. Trong chống dịch, Hà Nội đã huy động các cơ sở cách ly, các bệnh viện chia thành nhiều tuyến linh hoạt và hiệu quả. Nhiều khu ký túc xá sinh viên, doanh trại quân đội, khách sạn tự nguyện… được bố trí để cách ly người từ vùng dịch trở về, đó là sự năng động, sáng tạo không giới hạn của việc chia sẻ các không gian đô thị cho các tình huống rủi ro.
Đại dịch cho thấy tài nguyên xã hội được sử dụng hiệu quả như thế nào khi năm 2003, Hà Nội chỉ có bệnh viện Bạch Mai với 250 giường bệnh trong tuyến đầu chống dịch SARS, năm 2015 đã đầu tư thêm bệnh viện 1.000 giường tại Kim Chung và nay đã trở thành bệnh viện tuyến đầu. Hà Nội đã kịp hoán cải bệnh viện Mê Linh bỏ hoang từ năm 2015 thành một bệnh viện dã chiến 200 giường chỉ trong 10 ngày. Các cơ sở y tế này trở nên quan trọng vô cùng khi bệnh viện Bạch Mai đã trở thành ổ dịch phức tạp.
Trong đại dịch, Việt Nam còn nghèo nhưng may đã bố trí nguồn lực, không gian tối ưu trước “rủi ro đô thị”. Đại dịch giúp chúng ta có cái nhìn tổng quát hơn: thành phố sẽ thông minh hơn, mạnh mẽ hơn khi chuẩn bị sẵn không gian dự trữ, linh hoạt đối mặt với rủi ro quy mô lớn.
Năm 2020, Việt Nam cùng lúc đối mặt với dịch bệnh và hạn hán, ngập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, liệu đồng bằng sông Hồng liệu có thoát khỏi vấn nạn này?. Dịch bệnh nguy hiểm mấy rồi cũng qua đi, nhưng biến đổi khí hậu toàn cầu không dừng lại, kéo theo hạn hán, ô nhiễm nước, nhiễm mặn mỗi năm một gay gắt hơn.
Chúng ta rất cần sự đột phá và sáng tạo ngoạn mục như các giải pháp chống dịch để chủ động đẩy lùi nguy cơ tiềm tàng này.
Bệnh viện bỏ hoang Mê Linh sau 10 ngày thi công thần tốc (ảnh trên); nếu có quyết tâm chỉ cần vài năm, 510 km sông Hồng chảy qua đất Việt bảo vệ chúng ta khỏi nạn khô hạn ô nhiễm |
Ngay trong lúc này, chúng ta cần có kế hoạch đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn của sông Hồng, không chỉ 17km qua nội thành hay 120km trong địa giới Hà Nội mà là toàn bộ 510 km chảy trên đất Việt Nam. Điều đó đảm bảo không gian phòng chống rủi ro cho cả vùng Bắc Bộ , thích ứng với những thách thức do lũ lụt, khô hạn, nhiễm mặn, ô nhiễm, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và nhiều tình huống phức tạp khác.
Phát triển các đơn vị tự chủ cân bằng sinh thái
Chúng ta đã thấy cơn hoảng loạn những ngày đầu chống dịch. Nhờ có hệ thống cung ứng đầy đủ, nhanh chóng mà dập tắt hoảng loạn rất nhanh. Các thành phố nào phụ thuộc vào bên ngoài rất dễ khủng hoảng nếu hệ thống vận chuyển toàn cầu đình trệ.
Đại dịch sẽ giúp Hà Nội nhận ra tầm quan trọng của “vành đai xanh”, đáp ứng nhu cầu thực phẩm nhu yếu phẩm cho thành phố, đồng thời cũng là không gian hấp thụ, tái dụng nước thải rác thải, vốn đã hình thành phát triển đồng bộ trong suốt thế kỷ 20. Cho dù 20 năm qua, Hà Nội đã không quan tâm, thậm chí còn hủy hoại,… nhưng vẫn còn cơ hội phục hồi và tái tạo.
Phương pháp tích hợp, đa ngành của Quy hoạch mới đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ sẽ chỉ ra mô hình tối ưu cho Hà Nội: thay vì nhập khẩu các dự án xử lý môi trường tập trung quy mô lớn, kỹ thuật tốn kém, Hà Nội cần tổ chức mạng lưới liên kết các đơn vị “tự chủ sinh thái” phân tán, quy mô vừa và nhỏ sẽ an toàn, tiết kiệm và linh hoạt – mang tính sáng tạo đặc thù Việt Nam.
Để phục hồi tái tạo “Vành đai xanh“ hay phát triển các đơn vị tự chủ sinh thái, điều cốt lõi là có đủ nguồn nước sạch. Cần hệ thống thu gom, xử lý toàn bộ nước thải, xử lý tại nguồn trước khi đổ ra các dòng chảy. Hãy bắt đầu từ sông Hồng, tại chân cầu Long Biên và dọc theo dòng sông chảy qua Thành phố. |
Trong đại dịch, nhiều quốc gia đóng cửa, nhiều thành phố cách ly… Việt Nam cũng cách ly các quy mô một xã, thôn, xóm, khu phố, vài ngôi nhà. Ta nhớ đến mô hình định cư chọn lọc qua ngàn năm lịch sử, đó là “Làng Việt” đã giúp tổ tiên ta tồn tại, vượt qua thử thách chiến tranh, dịch bệnh, loạn lạc,…
Bài học ấy cần được phát huy sáng tạo, thích ứng tốt nhất trong tiến trình phát triến mới. Tất cả các làng đều có khoảng trống đồng ruộng bao quanh, có nguồn nước sạch tại chỗ, có hệ thống giao thông nội bộ và kết nối ra bên ngoài vừa gần vừa xa, vừa khu biệt vừa hội nhập. Các ngôi làng đủ không gian vật chất lẫn tinh thần, kết cấu cộng đồng chặt chẽ “trong họ, ngoài làng” từ xa xưa, đô thị hóa đã biến thể thành các “làng trong phố” thì vẫn có thể chuyển hóa thành những tế bào “tự chủ sinh thái” mạnh mẽ trong cơ thể của Thành phố lành mạnh, đủ sức đề kháng vượt qua rủi ro, dịch bệnh
Hy vọng ngày ấy sẽ đến sớm!
Nguồn: vietnamnet