Ngành nông, lâm, thủy sản mặc dù có kim ngạch xuất khẩu tích cực trong 8 tháng đầu năm nhưng tác động của dịch COVID-19 đang đặt ra nhiều thách thức để đảm bảo nguồn cung ứng cuối năm và đáp ứng nhu cầu đơn hàng.

Nguy cơ thiếu hụt lương thực vào cuối năm, kiến nghị gỡ khó cho nông, thủy sản - Ảnh 1.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn thực phẩm vào cuối năm do tác động của dịch COVID-19 

Ngày 13-9, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 với sự chủ trì của Phó thủ tướng Lê Văn Thành.

Báo cáo về việc đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong điều kiện dịch COVID-19, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho hay dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở hầu hết các địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, gây ùn ứ nông sản ở nhiều nơi, khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu.

Bộ NN&PTNT nhận định nguy cơ thiếu hụt lương thực những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán.

Theo bộ này, sản xuất nông nghiệp 8 tháng đầu năm 2021 cơ bản chủ động được nhu cầu song vẫn còn rất nhiều khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là trong khâu lưu thông, vận chuyển sản phẩm nông sản và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp để chuẩn bị cho vụ sản xuất tiếp theo, đảm bảo cung ứng đủ cho tiêu dùng…

Trong khi đó, Bộ Công thương cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 15,88 tỉ USD, tăng 15,2%, dù gặp nhiều khó khăn.

Bộ Công thương dự báo, nhu cầu tiêu dùng nông sản trên thế giới tăng bình quân 1,5-3,0%/năm trong giai đoạn 2019 – 2028, mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam, kiến nghị cần sớm tháo gỡ những nút thắt mà doanh nghiệp phải đối mặt như tiếp cận tín dụng, chính sách thuế, kiểm tra chuyên ngành, chi phí tăng cao…

Báo cáo của nhiều địa phương, hiệp hội cũng cho hay, tác động của dịch COVID-19 đã khiến sản xuất, tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, dịch bệnh khiến giá bán nhiều trái cây ở mức thấp, nhất là thanh long, khóm (dứa), chanh… Dù không xảy ra tình trạng tồn đọng nông sản nhưng các sản phẩm đều có giá thấp hơn so với cùng kỳ từ 5.000-10.000 đồng/kg các loại, do sức mua giảm mạnh, đặc biệt từ TP.HCM.

Đại diện của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết việc thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương trong vùng khi áp dụng chỉ thị 16 làm tiến độ thu hoạch bị chậm trễ, gây tổn thất lớn cho nông dân, đặc biệt là khó khăn trong khâu vận chuyển, dẫn đến nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng lúa gạo hàng hóa.

Các địa phương và hiệp hội kiến nghị cần tìm hướng giải quyết ùn ứ nhằm thông suốt hàng hóa, đồng thời cần hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, không bị mất đơn hàng và hạn chế thấp nhất tình trạng doanh nghiệp phải phá sản do dịch bệnh, bớt gánh nặng cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhưng vẫn phải đóng BHXH, BHYT, phí công đoàn và có chính sách hỗ trợ về thuế và phí…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : hội nghị trực tuyếnnông sảnNông thủy sảntiêu thụ nông sản

Các tin liên quan đến bài viết