Hai bệnh nhi đậu mùa khỉ đầu tiên ở Mỹ là một trẻ nhỏ ở bang California và một trẻ sơ sinh không phải công dân Mỹ. Hai bé đang được điều trị, có sức khỏe tốt. Nguyên nhân mắc bệnh đang được làm rõ. Tuy nhiên, CDC Mỹ nhận định có khả năng trẻ lây nhiễm từ gia đình.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã đưa ra những phương án ứng phó với nguy cơ đậu bệnh mùa khỉ xâm nhập. Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định, đậu mùa khỉ không lây lan nhanh qua đường hô hấp như Covid-19.
Đậu mùa khỉ ở người lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Bệnh có thể lây truyền qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch được xác định là nhóm nguy cơ cao, dễ chuyển nặng khi mắc bệnh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM cho biết, số trẻ nhỏ mắc đậu mùa khỉ trên thế giới hiện nay rất hiếm. Người ta vẫn chưa xác định được nguồn lây, cách thức lây ở những ca này.
Ban đầu, một số trẻ nhỏ ở châu Phi mắc bệnh đậu mùa khỉ là do tiếp xúc gần với động vật nhiễm bệnh, chủ yếu là loài gặm nhấm. Tuy nhiên, hiện nay, khi bệnh đã lây lan ra hơn 70 quốc gia với hơn 16.000 ca, số ca mắc ở trẻ nhỏ lại quá ít, giới khoa học vẫn chưa phân tích được các đặc điểm của độ tuổi mắc bệnh này.
Tuy nhiên, bác sĩ Khanh cho hay, dù ở trẻ nhỏ hay người lớn, triệu chứng mắc đậu mùa khỉ cũng tương tự nhau, đặc trưng là sốt và nổi bóng nước. “Trẻ em mắc bệnh đậu mùa khỉ vô cùng hiếm, nên chưa cần lo quá xa”.
Theo bác sĩ Đỗ Hồng Hiên, Chuyên gia dịch tễ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, thống kê triệu chứng trên bệnh nhân đậu mùa khỉ hiện nay như sau: 88% bệnh nhân có phát ban, 44% sốt, 33% phát ban ở bộ phận sinh dục; 27% có sưng nổi hạch ngoại biên. Các triệu chứng không điển hình khác là ho, đau họng, nôn, đỏ mắt…
Theo Bộ Y tế, đậu mùa khỉ phần lớn tự khỏi sau 2-3 tuần mắc bệnh, tuy nhiên cũng có 1 tỷ lệ biến chứng. Nếu các nốt phát ban nhiễm trùng có thể dẫn đến hoại tử, ảnh hưởng đến phổi, nhiễm trùng máu, mất nước, viêm não.
Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, Việt Nam hiện mở cửa sau hơn 2 năm đại dịch để du lịch quay trở lại, kinh tế xã hội phát triển. Nguy cơ đậu mùa khỉ sẽ xâm nhập từ người nhập cảnh hoặc khách du lịch đến từ vùng dịch. Hệ thống y tế cần giám sát thường trực để phát hiện sớm ca bệnh.
Bộ Y tế khuyến cáo, khi người dân đi từ vùng dịch về và có dấu hiệu sốt, đau đầu, đau cơ, phát ban, nổi hạch… cần đến các cơ sở y tế để khám, theo dõi và điều trị kịp thời.
Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
Nguồn: vietnamnet