Một nữ sinh ở Nghệ An ngoan ngoãn, học giỏi nhất nhì lớp tìm đến cái chết khi video hôn bạn trai lan truyền trên các trang mạng, khiến thầy cô, bạn bè bất ngờ, đau đớn.

 

Người trẻ trước những cơn lăng nhục khổng lồ trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Xin hãy cẩn trọng, cân nhắc trước khi đăng thông tin lên mạng

Đây không phải là trường hợp đầu tiên. Tháng 6-2015, một nữ sinh ở Đồng Nai đã uống thuốc cỏ tự tử vì không chịu nổi trước những lời bình luận ác ý của cư dân mạng khi cảnh nhạy cảm với bạn trai bị lan truyền trên mạng xã hội.

Trước đó, vào tháng 6-2013, nữ sinh ở Thạch Thất, Hà Nội vừa tốt nghiệp lớp 12 cũng uống thuốc cỏ tự tử vì bị ghép ảnh chân dung vào tấm ảnh quảng cáo một cô gái mặc áo rộng cổ rồi tung lên Facebook.

Một cái chết đau lòng khác, cũng từng tốn giấy mực của báo chí vào tháng 9-2016 là nam sinh ở Yên Bái thắt cổ tự tử vì xấu hổ, khi clip mình bị nhóm thanh niên đánh, bắt quỳ lan truyền trên mạng xã hội.

Trong buổi chất vấn Quốc hội vào giữa tháng 11 năm ngoái, Bộ Trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng thông tin: “Trong 3 năm qua, đã có 5-6 trường hợp tự tử vì bị “bôi nhọ”, bị “ném đá tập thể” trên mạng xã hội”.

 Quyền riêng tư là bất khả xâm phạm

Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, quyền bảo vệ danh dự, uy tín của một người được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 (điều 21).

Đó là quyền con người được pháp luật đảm bảo. Không một ai, không một tổ chức nào được quyền xâm phạm.

Điều 38 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định cụ thể: việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.

Có nghĩa là nếu chưa có sự đồng ý của người nào đó thì hình ảnh, thông tin cá nhân của họ không được phép sử dụng, công khai.

Hiện nay, hình ảnh, clip được đăng tải tràn lan khi việc sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều, càng phổ biến ở nhiều độ tuổi, trình độ khác nhau.

“Dưới góc độ pháp lý, đây là hành vi xâm phạm hình ảnh, đời tư cá nhân của người khác được Hiến pháp và Bộ luật dân sự bảo vệ.

Nếu có yêu cầu và xác định ai là người đăng clip, người đại diện pháp lý cho nữ sinh này có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại và yêu cầu công khai, xin lỗi.

Đây là lời cảnh tỉnh, gióng lên hồi chuông với tất cả người dùng mạng xã hội để có ý thức, cẩn trọng, cân nhắc trước khi đăng tải, chia sẻ trên các trang mạng xã hội phù hợp với pháp luật và đạo lý”, luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ.

“Cơn bão lăng nhục” trên mạng xã hội

Người đăng tải clip, hình ảnh cá nhân của người khác lên các trang mạng xã hội sai đã đành.

Những clip, hình ảnh đăng lên thì nhận ngay những cú “ném đá” không thương tiếc của cộng đồng mạng.

Không cần đọc kỹ, không kiểm chứng – ném đá. Xem ảnh thấy ghét – ném đá. Những bình luận ác ý bỗng chốc hóa thành cơn thịnh nộ chà đạp nhân phẩm, danh dự một con người.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang – phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng – từng chia sẻ với Tuổi Trẻ về những “cơn bão lăng nhục” khổng lồ trên mạng xã hội. Ông đã từng viết trong một cuốn sách: “Sức hấp dẫn của mạng xã hội tới từ chỗ nó cho người ta một không gian để trình diễn”.

Đám đông dễ dàng coi người khác là ma quỷ, bởi họ luôn đứng ngoài để phán xét mà không đặt mình vào vị trí của người bị lăng nhục để nhìn nhận sự việc.

Sự vô danh ở trên mạng lại làm cho người ta không ý thức được rằng người kia bị đau đớn.

Cũng theo tiến sĩ Giang, những nạn nhân của sự lăng nhục bị tổn thương rất lâu sau khi đám đông đã kéo đi chỗ khác.

Nạn nhân bị chấn thương tinh thần, tới mức họ đánh mất tiếng nói của mình, chọn sự im lặng hoàn toàn, lẩn tránh, không dám tham gia mạng xã hội nữa, thay đổi công việc.

Đặng Hoàng Giang viết: “Quyền riêng tư, đó không những là quyền “được để yên”, mà còn là quyền được quên. Nó là quyền được phủ tấm màn của sự im lặng lên trên quá khứ.”

Công lý không thể được thúc đẩy bởi cảm xúc đám đông. Đám đông cuồng nộ chỉ có thể tạo ra một thứ độc tài, chứ không tạo ra sự công minh, thượng tôn pháp luật.

Dạy trẻ kỹ năng tự vệ từ nhỏ

“Để thỏa mãn sở thích, vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân, lòng ganh ghét mà nhiều người hành động mà không nghĩ đến cảm xúc, lòng tự trọng của người khác”, là đánh giá của ông Đậu Xuân Thoan – Giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học Tâm lý Giáo dục

“Việc giáo dục một đứa trẻ, một người quan tâm, giữ gìn nhân phẩm, danh dự cho bạn bè, người khác là vô cùng quan trọng.

Còn trẻ, tâm sinh lý chưa vững vàng nên không đủ bình tâm, bản lĩnh và kỹ năng, kiến thức để đối đầu với những sóng gió từ mạng xã hội, cũng như cách để vượt qua áp lực. Họ cảm thấy không còn lối thoát rồi dại dột tìm đến cái chết.

Vì vậy, ngoài việc dạy về kiến thức sách vở còn phải dạy cho các em kỹ năng tự vệ bản thân, biết bảo vệ bản thân trước những thương tổn, sang chấn tâm lý.

Vì nếu lòng tự trọng bị vượt quá mức thì lòng tự trọng sẽ chuyển hóa theo hướng cực đoan, tiêu cực”, ông Thoan nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bình luận ác ýfacebookMạng xã hộiquyền riêng tưtự tử

Các tin liên quan đến bài viết