Những sản phẩm điện tử lỗi hoặc đã qua sử dụng như màn hình, CPU, máy tính… được các bạn thu gom tận nơi và đưa vào quy trình tái chế hoàn toàn miễn phí.

Người trẻ đến tận nhà thu gom rác thải điện tử - Ảnh 1.

Bạn trẻ đến các hộ gia đình để thu gom rác thải điện tử miễn phí 

Trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM những ngày qua, nhiều bạn trẻ mặc đồng phục xanh “Việt Nam Tái Chế” đã bắt tay vào công việc thu gom của mình tại các hộ gia đình. Trong vòng chỉ hơn một tuần phát động, hoạt động đã thu hút được hơn 10 hộ gia đình tham gia với khoảng 30 thiết bị thu hồi đạt tiêu chuẩn.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, cô Miriam Lassernig, phát ngôn viên của tổ chức Việt Nam Tái Chế, cho biết hoạt động thu gom nhằm tạo sự thuận tiện cho người dân có thể thải bỏ lượng lớn rác thải điện tử, đồng thời nâng cao ý thức về tầm quan trọng của quy trình tái chế rác thải điện tử chuyên nghiệp. Trong đó, rác thải điện tử là những sản phẩm điện tử lỗi hoặc đã qua sử dụng, gồm CPU, màn hình, máy in…

Với mục tiêu bảo vệ môi trường, các thành viên của Việt Nam Tái Chế hiểu rằng rác thải điện tử là một mối đe dọa cho môi trường và con người.

Cô Miriam chia sẻ: “Một số thành phần trong các thiết bị điện – điện tử có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường. Trong quá trình sử dụng, những thiết bị này có thể không gây nguy hiểm. Nhưng khi bị tháo dỡ một cách không chuyên nghiệp, các thành phần này sẽ trở nên độc hại, gây ảnh hưởng đến cả môi trường và đời sống người dân”.

Sau khi được thu gom từ các hộ gia đình, các sản phẩm điện tử sẽ được xử lý theo một quy trình chuyên nghiệp và thân thiện với môi trường, nhằm đảm bảo tối đa hoá lượng tài nguyên thiên nhiên thu hồi được sau tái chế.

Theo những tiêu chí dành cho rác thải điện tử được thu gom của tổ chức Việt Nam Tái Chế, các hộ gia đình có ít nhất một thiết bị điện tử to như TV, màn hình, máy tính, máy in…, hoặc có ít nhất 10 thiết bị điện tử nhỏ khác đều có thể liên hệ đường dây nóng của tổ chức để đăng kí dịch vụ thu gom.

Nguyễn Đình Trọng, một tình nguyện viên của Việt Nam Tái Chế, cho biết bạn thấy được những hoạt động thiết thực mà tổ chức mang lại cho môi trường và cuộc sống con người.

Đình Trọng nói: “Tham gia chiến dịch thu gom rác thải điện tử tận nhà còn là cơ hội để tôi có thể lan tỏa thông điệp xanh một cách rộng rãi hơn, cũng như biết thêm về tầm quan trọng của các hoạt động tái chế chuyên nghiệp, giúp bảo vệ môi trường thiên nhiên”.

Đình Trọng cũng cho biết trong quá trình thu gom rác tại các hộ gia đình và tiếp xúc với họ, nhiều gia đình có kiến thức rất tốt về các loại rác thải và mong muốn những hoạt động thu gom và tái chế sẽ được tổ chức và nhân rộng hơn cho cộng đồng.

“Tôi còn nhớ có một gia đình ở quận Bình Thạnh (TP.HCM). Sau khi tôi thu gom TV xong, gia đình họ đã mời tôi ở lại dùng cơm trưa. Trong bữa trưa đó, họ đã hỏi tôi nhiều câu hỏi về rác thải điện tử cũng như Việt Nam Tái Chế. Họ nói rằng người thân của họ cũng có nhiều thiết bị điện tử không còn sử dụng, và còn khuyên người thân liên lạc với chúng tôi”.

Việt Nam Tái Chế (Vietnam Recycles) do Nền tảng Tái chế Việt Nam (VRP) điều phối. Đây là liên minh gồm các nhà sản xuất thiết bị điện – điện tử hàng đầu, được thành lập nhằm giảm thiểu rác thải điện tử, tăng cường tái chế và kiểm soát tác động đến môi trường, sức khỏe và an toàn cho sản phẩm vào cuối vòng đời sử dụng.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 2015, Việt Nam Tái Chế đã tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường như Ngày hội tái chế, đặt thùng rác tái chế tại một số nơi trong khu vực Hà Nội và TP.HCM…

Sau hơn 2 năm hoạt động, các bạn trẻ thuộc tổ chức Việt Nam Tái Chế đã thu gom được khoảng 15 tấn rác thải điện tử.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bảo vệ môi trườngrác thảithu gom tác thảitình nguyện viên

Các tin liên quan đến bài viết