Với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” không ngại gian khó, nhiều thương binh trên địa bàn huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã tự vươn lên bằng chính sức lao động của mình. Họ trở thành những tấm gương tiêu biểu và có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Người thương binh hạng 3/4 Đào Đức Cường, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh là một điển hình như thế.

Năm 1978, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Đào Đức Cường, người con đất Thanh Lương, huyện Bình Long lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, rồi chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam, góp phần giải phóng đất nước Camphuchia thoát khỏi bờ vực diệt chủng do bọn Pôn Pốt gây ra.

Hoàn thành nhiệm vụ sau 4 năm chiến đấu, xuất ngũ trở về địa phương, thanh niên Đào Đức Cường đã mang trên mình những vết thương với thương tật 3/4, mất 41% sức lao động, những viết thương luôn tái phát lúc trái gió trở trời.

Thương binh Đào Đức Cường bên xưởng chế biến gỗ của công ty

Trở về cuộc sống đời thường, ông cùng gia đình bắt tay vào việc cấy cày trên mảnh ruộng quê hương. Thế nhưng với điều kiện sức khỏe hạn chế, việc làm ruộng không đủ để ông nuôi 3 người con học hành. Ông đã xoay rất nhiều nghề nhưng không mang lại hiệu quả, đời sống gia đình ông luôn trong cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề.

Với suy nghĩ cần thay đổi cách làm kinh tế, năm 1991, ông đưa gia đình đến xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh lập nghiệp với hy vọng đổi đời. Và với bản lĩnh người lính không chịu khuất phục trước những khó khăn, ngày lại ngày, ông cùng vợ con nhẫn nại vác cuốc băng đồi khai phá vùng đất khô cằn, sỏi đá để canh tác, sản xuất. Ông Đào Đức Cường chia sẻ: “Lúc đầu hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, tưởng chừng không vượt qua nổi, nhưng với bản lĩnh của người Bộ đội Cụ Hồ, tôi luôn tự nhủ phải làm sao vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, làm gương cho con, cho cháu, cho đồng đội cùng học tập, để vượt qua nghèo đói, phát triển kinh tế”.

Trong hơn 3 sào đất, bản thân ông đã kết hợp lấy ngắn nuôi dài, chăn nuôi kết hợp với trồng trọt. Sau một thời gian chăm chỉ làm lụng vất vả, gia đình ông Cường cũng đã tích cóp mua thêm được 12 ha đất trồng cao su, xây dựng một khu nhà trọ để cho công nhân thuê. Ngoài trồng cây công nghiệp, nắm bắt được nhu cầu thị trường, gia đình ông đã thành lập công ty chuyên về trồng rừng và chế biến lâm sản, tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động ở địa phương.

Với cơ ngơi nhiều năm gầy dựng trong gian khổ, hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình ông Cường thu nhập gần 1 tỷ đồng. Nhờ tích cực trong lao động sản xuất cùng với đức tính cần cù, chí thú làm ăn, luôn biết tiếp thu cái mới để áp dụng trong sản xuất, từ một hộ nghèo, ông Cường đã xây dựng được nhà ở kiên cố, mua sắm công cụ hỗ trợ phục vụ sản xuất và có điều kiện chăm lo cho các con học hành chu đáo, thành đạt trong cuộc sống.

Là người tiên phong trong thực hiện chuyển đổi cây trồng với mong muốn bà con nhân dân địa phương có đời sống ngày một ổn định, ông Cường đã vận động bà con cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó mà những năm gần đây, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh xuất hiện ngày càng nhiều khu vườn quy mô, trồng các loại cây, nuôi các loại con có giá trị kinh tế cao.

Chính từ lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế” đã tiếp thêm sức mạnh cho người thương binh Đào Đức Cường vượt lên hoàn cảnh, trở thành người sống khỏe, sống có ích cho xã hội. Trong thời chiến, ông hăng hái xông pha chiến trường, chiến đấu hết mình để bảo vệ hòa bình. Trong thời bình, trở về quê hương, ông tiếp tục phát huy phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ, hăng say lao động, làm kinh tế giỏi. Ông Cường trở thành tấm gương sáng cho mọi người noi theo học tập.

Từ khóa : bộ đội Cụ Hồthương binh

Các tin liên quan đến bài viết