Ông Vinh làm thợ đóng giày và sống tạm bợ nay đây mai đó tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức. Cuộc sống neo đơn, lâm bệnh nặng, không tiền chạy chữa khiến ai cũng thấy xót xa.

Gặp nạn giữa đường được người dưng cứu giúp

Ông Trần Hiển Vinh (59 tuổi, ngụ TP.HCM) mưu sinh bằng nghề đóng giày tại một cửa hàng nhỏ. Người quen thương tình cho ông một một góc nhỏ trong nhà đủ để nằm nghỉ ngơi sau ngày dài vất vả.

Ngày 10/01/2019, ông Vinh được người đi đường thương tình đưa vào bệnh viện quận Thủ Đức trong tình trạng hôn mê sâu. Tại đây, các y bác sĩ đã kịp thời cứu chữa, giúp ông thoát cơn nguy kịch.

Ông Vinh được người đi đường thương tình đưa vào bệnh viện Thủ Đức trong tình trạng hôn mê sâu – Ảnh: Bệnh viện quận Thủ Đức

Trao đổi với báo Phụ Nữ Sức Khỏe, bác sĩ Nguyễn Thành Đạt – Khoa Hồi sức chống độc A bệnh viện quận Thủ Đức cho biết: “Chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân Vinh trong tình trạng nguy kịch, vùng mông bị lở loét diện rộng. Sau khi kiểm tra, chúng tôi nhận thấy ông bị sốc nhiễm trùng ở mức độ nặng. Tình trạng sốc nhiễm trùng nặng, kéo dài dẫn đến rối loạn, suy các cơ quan khác như suy thận diễn tiến, suy tim, suy hô hấp, tụt huyết áp”.

Cảnh đời neo đơn, khi lâm bệnh đành phó mặc cho số phận

Cuộc đời không vợ, không con, sau hàng giờ ngồi đóng giày vất vả, ông Vinh trở về nghỉ ngơi tại một góc nhỏ chỉ đủ để nằm ngủ. Ông làm việc siêng năng, chăm chỉ và lầm lũi sống trong cô đơn đã lâu.

Khi còn khỏe mạnh, ông Vinh làm thợ đóng giày và sống tạm bợ nhà người quen

Anh Trần Quang Minh (cháu ruột ông Vinh) chia sẻ: “Bác tôi làm thợ đóng giày tại một cửa hàng nhỏ ở phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức. Ông không có vợ con, người thân chỉ có tôi. Tôi thường xuyên tới lui thăm để coi tình hình cuộc sống và sức khỏe cho bác”.

Dù đã qua cơn nguy kịch, ông Vinh vẫn phải được hỗ trợ thở oxy liên tục. Khi bác sĩ hỏi tên, cố gắng hết sức, ông cũng chỉ lắp bắp vài câu không nghe rõ nội dung.

Bác sĩ Nguyễn Thành Đạt cho biết, sau 5 ngày chăm sóc và điều trị, bệnh nhân đã tỉnh nhưng bị biến chứng sang suy hô hấp, suy não, rối loạn tri giác nên phải đặt ống thở liên tục để ông Vinh thở và bảo vệ đường thở.

Trước đây ông Vinh bị mụn nhọt ở mông nhưng không đi khám. Sau đó, mụn nhọt mỗi ngày một phình to lên gây nhiễm trùng. Ông đã điều trị một thời gian dài ở bệnh viện Gia Định (TP. HCM). Tuy nhiên, do phải điều trị lâu dài nên tốn nhiều chi phí, lại không có bảo hiểm nên ông xin xuất viện.

Khi về nhà, ông Vinh tiếp tục mưu sinh bằng nghề đóng giày và sống tạm bợ. Không vợ, con, tuổi già, bệnh tật ập đến, ông chỉ có người cháu ruột lui tới thăm nom.

Hàng ngày, các y tá trong khoa sẽ thay nhau chăm sóc và làm vệ sinh cho ông

“Sau khi về một thời gian ngắn, bệnh tình bác tái phát và mỗi ngày một nặng thêm. Vì cuộc sống nay đây mai đó nên bác không có bảo hiểm, sổ hộ nghèo. Tôi làm thợ hồ, ở tại một phòng trọ nhỏ, cố gắng cần kiệm cũng chỉ đủ nuôi vợ con qua ngày nên không giúp được bác nhiều. Tôi thường xuyên đến thăm nom bác và cũng chỉ giúp được vài đồng bạc lẻ. Hiện nay, chi phí điều trị cho bác là một vấn đề rất lớn, tôi không biết phải xoay sở ra sao” – anh Minh tâm sự.

Giữa cuộc đời, ông Vinh chỉ có đứa cháu ruột làm người vui vầy. Gia cảnh người cháu lại cùng cực, bữa đói bữa no nên chẳng thể giúp được gì. Cảnh đời neo đơn, không vợ con bầu bạn sớm tối, khi lâm bệnh tật, sống hay chết ông đành mặc cho số phận khiến ai cũng xót xa.

Cảnh đời neo đơn, khi lâm bệnh tật, sống hay chết ông đành mặc cho số phận khiến ai cũng xót xa

Bác sĩ Nguyễn Thành Đạt chia sẻ, đối với những ca sốc nhiễm trùng, việc điều trị rất khó khăn, kéo dài, phải dùng kháng sinh mạnh và đánh giá tình trạng bệnh liên tục. Đồng thời, phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Việc tiến triển tốt hay không sẽ tùy thuộc vào mức độ đáp ứng của người bệnh.

“Bệnh viện chúng tôi thường xuyên nhận những bệnh nhân không may gặp nạn ngoài đường. Khi tiếp nhận, chúng tôi hết lòng thực hiện tất cả các phương pháp để cứu sống và chữa trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, chi phí điều trị cho những trường hợp này rất lớn mà bệnh nhân lại không có điều kiện kinh tế nên bệnh viện hỗ trợ chi trả. Chúng tôi luôn kêu gọi sự đóng góp để giúp đỡ bệnh nhân”.

“Mọi đóng góp ủng hộ bệnh nhân Trần Hiển Vinh, Quý độc giả vui lòng gửi về:Phòng Công tác xã hội – Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM)Số tài khoản: 0381000519413, Ngân hàng Vietcombank, Chi nhánh Thủ Đức, TP. HCM.Nội dung: Ủng hộ bệnh nhân Trần Hiển Vinh (sinh năm 1960), khoa Hồi sức chống độc A bệnh viện quận Thủ ĐứcHoặc liên hệ chị Bùi Thị Nga, Phòng Công tác xã hội Bệnh viện quận Thủ Đức để được hướng dẫn.Điện thoại: 0962 534 646Địa chỉ: 29 Phú Châu, Khu phố 5, Phường Tam Phú, Quận Thủ Đức, TP. HCM.

Theo phunusuckhoe

Từ khóa : bệnh viện quận Thủ Đứcđát câu chuyện thương tâmgia cảnh thương tâmhoàn cảnh bihoàn cảnh khó khănhoàn cảnh thương tâmngười già neo đơnnhà hảo tâm

Các tin liên quan đến bài viết