Nằm bên đường ĐT741, cơ sở cơ khí Văn Bốn, khu phố Thắng Lợi, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước do anh Phạm Sáng làm chủ đã quá quen thuộc đối với nhiều người. Đây là địa chỉ uy tín chuyên sáng chế ra nhiều loại máy hữu ích giúp người dân giảm bớt khó khăn trong sản xuất và làm giàu trên chính quê hương mình.

Sau khi sáng chế thành công máy trồng mỳ, băng tải, máy cắt rác ván lạng… phục vụ sản xuất. Những năm gần đây, tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa phát triển mạnh, nhu cầu chất đốt cho phát triển công nghiệp tăng cao. Trong khi đó, Bình Phước có nguồn nguyên liệu là phế thải gỗ từ các công ty sản xuất gỗ, ván ép, cơ sở mộc, củi từ vườn điều, cao su… rất lớn. Để tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào này, anh Phạm Sáng đã xuống TP.HCM, Bình Dương để tìm hiểu về quy trình hoạt động của hệ thống máy sản xuất viên nén mùn cưa từ chất thải gỗ phục vụ cho các khu công nghiệp.

Anh Phạm Sáng cùng hệ thống máy sấy do mình sáng chế

Theo anh Sáng, để sáng chế hệ thống máy sản xuất viên nén mùn cưa phải kết hợp sáng chế 3 hệ thống, bao gồm: máy nghiền, máy sấy và máy nén. Cái khó nhất là việc tìm chất liệu và các phụ kiện, một số thiết bị quan trọng không sử dụng sắt thông thường mà phải làm bằng sắt đặc biệt, do đó anh Sáng xuống TP.HCM tìm mua sắt thép, mô tơ và bắt đầu sáng chế. Sau 3 tháng miệt mài làm việc, chiếc máy sản xuất viên nén mùn cưa ra đời. Lúc đầu máy hoạt động chưa đạt yêu cầu, máy nghiền còn yếu, máy nén còn lỏng chưa gắn kết chặt thành viên nén nên anh Sáng tiếp tục tìm tòi cải tiến và cuối năm 2015 cỗ máy sản xuất viên nén mùn cưa đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

 Sau khi được thu gom từ các nhà máy, công xưởng chế biến các sản phẩm lâm sản, hay các lâm trường. Các nguồn nguyên liệu thô như mùn cưa, gỗ mảnh hay các loại gỗ không còn khả năng tái sử dụng, anh đưa vào máy nghiền nát thành mùn. Máy nghiền thiết kế với bộ khung máy, mô tơ, hệ thống dao và quạt hút mùn. Khi mô tơ chuyển động tác động đến hệ thống dao băm nát tạp chất từ gỗ thành mùn cưa và được hệ thống quạt hút ra ngoài. Kế đến mùn cưa được chuyển vào hệ thống sấy, máy sấy được thiết kế hình trụ có bán kính 1,6m, chiều dài 16m được đặt ngang cách mặt đất khoảng 0,5m. Một đầu gắn với lò đốt củi, đầu kia gắn với hệ thống quạt. Khi đưa mùn vào trong, hệ thống sấy quay tròn và mùn được trộn đều do tác động của 3 chiếc mô tơ cùng hoạt động. Hệ thống quạt hoạt động sẽ hút hơi nóng từ lò củi vào hệ thống sấy và hút mùn khô ra ngoài. Sau đó chúng được xử lý qua một hệ thống máy chuyên dụng với quy trình vận tốc ly tâm cao, kết hợp với nhiệt độ toả ra từ sự ma sát giữa nguyên liệu và động cơ để chúng được kết dính thành những viên gỗ nhỏ và cứng.

 Anh Chu Văn Phan, ngụ khu phố Thắng Lợi, thị trấn Tân Phú, cho biết, năm 2015, anh đặt hàng anh Phạm Sáng sáng chế máy sản xuất viên nén mùn cưa với giá 1,4 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa giá thị trường. Qua chạy thử, nhận thấy máy chạy tốt, viên nén sản xuất ra có độ dính cao, nén chặt, bề mặt bóng… Theo anh Phan, những phế thải từ gỗ anh mua với giá 300 đồng/kg, sau khi sản xuất thành viên nén anh bán với giá 2.000 đồng/kg, thu về lợi nhuận khoảng 700 đồng/kg. Cơ sở sản xuất viên nén tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động, với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Mỗi ngày sản xuất khoảng 16 tấn viên nén tạo lợi nhuận hơn 10 triệu đồng. Để mở rộng sản xuất, anh Phan đang phối hợp anh Phạm Sáng tiếp tục sáng chế hệ thống máy ép lớn hơn với công suất 4 tấn/giờ và sản xuất hệ thống sàng mùn để tận dụng mùn cưa từ các công ty sản xuất gỗ, xưởng mộc… sử dụng vào máy ép bỏ qua công đoạn nghiền giảm chi phí sản xuất.

Anh Sáng kiểm tra chất lượng của viên nén

Hiện nay, chất đốt từ nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, giá thành cao và gây ô nhiễm cho môi trường, nên việc sử dụng các loại phế phẩm để chế tạo ra các loại nhiên liệu là rất cần thiết. Viên nén mùn cưa được sản xuất từ phế phẩm gỗ có thể thay thế các loại nhiên liệu khác đang được sử dụng hiện nay trong ngành công nghiệp, như: dùng để đốt lò hơi, sấy gỗ, nhà máy chế biến bánh kẹo, chạy máy nhiệt điện, chế biến thức ăn trong công nghiệp… vừa tiện lợi an toàn lại tiết kiệm. Viên nén mùn cưa có ưu điểm vượt trội, khi cháy tạo ra lượng nhiệt năng ổn định, để cùng tạo ra một lượng nhiệt năng như nhau thì chi phí dùng viên nén mùn cưa chỉ bằng một nửa so với các loại chất đốt khác. Trong quá trình cháy, viên nén tạo ra ít khói, ít tro nên không ảnh hưởng đến độ bền của lò đốt. Tro của mùn cưa có thể tận dụng bán cho các nhà vườn vừa tiết kiệm chi phí xử lý lại có thêm thu nhập. Viên nén mùn cưa không có phụ gia, do đó trong quá trình đốt không sinh ra khí độc nên rất thân thiện với môi trường.

Chia sẻ về những thành công, anh Phạm Sáng cho rằng: “Trong cuộc sống, tôi phải tìm tòi học hỏi và sáng tạo không ngừng. Với một thợ cơ khí như tôi, khi nghiên cứu để sản xuất một loại máy nào đó phải căn cứ vào tình hình thực tế địa phương, gắn với hiệu quả công việc, đặc biệt là phải nắm rõ nguồn nguyên liệu có đủ cho máy hoạt động hay không, nhu cầu của sản phảm mình sản xuất ra như thế nào thì mới mang lại hiệu quả. Chính vì vậy tôi xác định không phải đi đâu xa, mà ngay tại Bình Phước đang cần những kiến thức khoa học ứng dụng vào thực tế cuộc sống”.

Nguồn khoahocthoidai.vn

Các tin liên quan đến bài viết