Nữ bệnh nhân người Đài Loan thường xuyên dùng bông ngoáy tai nên bị ngứa và ù tai. Sau đó, bà tự nhỏ thuốc khiến thính lực suy giảm nặng.
Gần đây, các bệnh viện ở Đài Loan ghi nhận nhiều trường hợp bị nấm tai. Các bệnh nhân có thói quen sử dụng tăm bông ngoáy tai và đến khám khi xuất hiện những triệu chứng như ngứa và ù tai.
Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng, Li Ruiwen, cho rằng không nhất thiết phải làm sạch lỗ tai quá mức, vì lớp biểu bì ống tai ngoài có chức năng tự làm sạch. Dùng tăm bông ngoáy tai hoặc có thói quen vệ sinh tai không đúng cách sẽ gây viêm nhiễm và tổn thương tai. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị suy giảm thính lực và nhiễm trùng nội sọ.
Bác sĩ Li Ruiwen
Việc sử dụng thuốc nhỏ tai cũng phải được bác sĩ chỉ định sử dụng. Lạm dụng thuốc có thể làm ảnh hưởng đến chức năng bình thường của tai.
Bác sĩ Li Ruiwen cho biết vào giữa tháng 3 năm nay, một phụ nữ 56 tuổi đã đến bệnh viện với những triệu chứng ho, đau tai và tiết dịch trong thời gian dài. Tuy nhiên, vì tình hình dịch Covid-19, bà đã không dám đến bệnh viện khám.
Người này tự ra hiệu thuốc mua thuốc uống và nước nhỏ tai. Sau một tháng, tình trạng nghẹt mũi ngày càng nghiêm trọng, chứng ù tai và giảm thính lực trở nên tồi tệ hơn nên bà đã quyết định đến gặp bác sĩ.
Bệnh nhân chia sẻ, bà có thói quen dùng tăm bông ngoáy tai hàng ngày. Bác sĩ Li Ruiwen chỉ định nội soi tai và kết quả cho thấy trong tai của người bệnh phủ đầy nấm mốc trắng như bông tuyết.
Bác sĩ Li tiến hành lau sạch phần nấm mốc và đã bị sốc khi thấy còn lớp mủ dày phía bên trong và màng nhĩ đã xuất hiện lỗ thủng. Sau 2 tháng điều trị bằng kháng sinh và thuốc chống nấm, tình trạng của bệnh nhân đã được cải thiện rõ rệt.
Lỗ thủng màng nhĩ ở tai bệnh nhân 56 tuổi
Một trường hợp khác là nữ sinh 14 tuổi đến khám vì bị ngứa tai. Cô bé chia sẻ, ở trường có tiết học bơi, do tai bị ướt, em thường sử dụng bông ngoáy tai để thấm khô.
Bệnh nhân còn có thói quen đeo tai nghe nhạc. Bác sĩ Li chia sẻ, tai nghe chính là môi trường thuận lợi cho nấm mốc phát triển. Hình ảnh nội soi cho thấy tai của nữ sinh trên đã bị bao phủ bởi những lớp nấm dày đặc.
Bác sĩ Li chỉ ra rằng sau khi bị nhiễm trùng tai, hầu hết mọi người sẽ bị ngứa, chảy nước và ù tai. Nhiều bệnh nhân thường mua thuốc nhỏ tai để điều trị. Tuy nhiên, lạm dụng thuốc có thể gây phản tác dụng.
Cách chữa trị hiệu quả nhất là bệnh nhân đến thăm khám tại các cơ sở y tế, tránh để quá lâu dẫn đến các triệu chứng nặng như ù đặc, điếc, nghiêm trọng hơn nhiễm trùng nội sọ.
Bác sĩ Li cho biết, nhiều bệnh nhân có thói quen làm sạch tai bằng tăm bông nhưng tăm bông sẽ mang theo nấm mốc từ không khí vào trong tai.
“Ráy tai thực chất được tạo ra từ các tuyến ráy tai ngoài, có tính kháng khuẩn, bảo vệ lỗ tai khỏi sự xâm nhập của vật thể lạ. Thông thường, khi bạn nói chuyện, nhai, đi lại, ráy tai sẽ tự rơi ra, vì vậy không cần phải cố gắng làm sạch chúng”, bác sĩ Li nhấn mạnh.
Nguồn: vietnamnet