Trở về Việt Nam sau hơn 24 năm, những ngày tháng bình yên có lẽ cũng đến với bà Trần Thị Huệ, sau cả một quãng đời dài đằng đẵng những biến cố, đau khổ…
Trở về nhà sau hơn 24 năm, bà Huệ vẫn nhớ được tên những người hàng xóm quanh khu vực mình sống. Nếu nói câu chuyện gia đình bà Huệ tìm lại được con gái tại khu cách ly dịch Covid-19 sau nhiều năm thất lạc là một câu chuyện cổ tích, thì chính bà Huệ cũng đã phần nào viết nên câu chuyện của mình.
Ngày 3/7, bà Huệ là một trong số những lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc bị trục xuất về Việt Nam. Qua cửa khẩu Quảng Tây (Trung Quốc), bà Huệ phải cách ly 14 ngày trong địa phận của đơn vị bộ đội biên phòng. Tuy nhiên, vì có dấu hiệu rối loạn tâm thần, thường xuyên kích động, đập phá… nên bà được chuyển về cách ly, theo dõi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn.
Tại đây, được sự chăm sóc của các bác sĩ, bà Huệ dần tỉnh táo, nhớ được tên phường và tên quận mà bà đã sinh sống từ hơn 24 năm trước. Nhờ những thông tin mơ hồ này, chị Lưu Hải Châu (40 tuổi, Điều dưỡng trưởng khoa Truyền nhiễm bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn) đã liên hệ về Hà Nội, phối hợp cùng chính quyền tìm được thân nhân của bà Huệ.
Qua thông tin trao đổi, xác minh, ông Trần Thế Nguyên (anh trai bà Huệ) đã phối hợp cùng phía bệnh viện tìm lại được em gái thất lạc từ năm 1995.
“Nếu không có những thông tin dù ít ỏi từ chị Huệ thì tôi cũng không thể nào giúp chị tìm lại được gia đình”, bác sĩ Châu nói.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyên cho biết, ngày 14/7 là ngày giỗ của bố ông thì chỉ vài ngày sau có tin của bà Huệ báo về. Khi tổ trưởng dân phố lên báo có thông tin của bà Huệ, cho số điện thoại của bác sĩ Châu, ông Nguyên còn chưa tin lắm. Tuy nhiên, nhìn ảnh ông vẫn có thể nhận ra phần nào vì Huệ có nhiều nét giống người bố đã khuất của ông.
“Dù mẹ tôi và mọi người nói Huệ đã mất nhưng thâm tâm tôi luôn tin em gái mình vẫn còn sống. Tôi đoán là Huệ bị lừa đi Trung Quốc, một phần do linh cảm và nguyên nhân quan trọng là trong giai đoạn đó có rất nhiều người bị dụ dỗ đi Trung Quốc”, ông Nguyên nói.
Ông Nguyên xót xa nhớ lại, cuộc đời của người em gái lưu lạc đã phải chịu vô vàn những đắng cay. Một lần lỡ dở hôn nhân, một lần mất con và rồi lại trao thân gửi phận cho kẻ không xứng đáng.
Theo lời ông Nguyên, ngoài 20 tuổi, bà Huệ đi làm công nhân ở nhà máy dệt. Qua mai mối, cô gái trẻ gật đầu lấy một người đàn ông ở phố Quán Thánh (quận Ba Đình). Trong cuộc sống vợ chồng, người đàn ông mà Huệ được gả cho không có công ăn việc làm, cũng không có trách nhiệm vun đắp gia đình nhỏ nên gia đình sớm tan vỡ. Khi ấy, bà Huệ vừa sinh một người con. Đứa trẻ sinh ra chưa được bao lâu thì qua đời, Huệ bị sốc nên tâm lý bị ảnh hưởng, bắt đầu có những biểu hiện bất thường.
Sau những biến cố đó, Huệ về ở với bố mẹ đẻ ở phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng), hàng ngày đi buôn bán rau, đậu ngoài chợ. Cũng có thời điểm, Huệ mang bánh mỳ ra bán tại bến xe Long Biên.
Tần tảo, chịu khó, buôn bán được bao nhiêu tiền bà Huệ mang hết về gửi mẹ. Trong thời khốn khó, nhờ số tiền tiết kiệm từ việc buôn bán, bà Huệ có vốn “giắt lưng” mấy chỉ vàng.
Không may, một thời gian sau bà Huệ bắt đầu qua lại với một đối tượng bất hảo. Theo ông Nguyên, việc bà Huệ theo người xấu đi biệt tăm biệt tích cũng bởi hoàn cảnh bí bách khi bà thường xuyên bị người này đánh đập, hành hạ. Thậm chí, vì thương em gái, có lần ông Nguyên đã báo công an bắt kẻ hành hung bà Huệ lên đồn nhưng chính bà Huệ lại xin cho người đó được tại ngoại.
“Cô Huệ yếu đuối chậm chạp, không biết bảo vệ mình. Anh chị em đều bươn chải nhưng chúng tôi lại biết cách bảo vệ mình hơn. Huệ chăm chỉ, thật thà nhưng quá hiền lành, dễ tin người nên cuộc đời truân chuyên quá…”, ông Nguyên bộc bạch.
Đến thăm bà Huệ vừa trở về sau hơn 24 năm lưu lạc nơi đất khách, bà Đàm Thị Duệ (72 tuổi), tổ trưởng tổ dân phố 12, phường Thanh Lương khen: Cô Huệ vẫn xinh như ngày xưa!. Huệ cười bẽn lẽn.
“Ngày xưa cháu nó ngoan, xinh xắn, lấy chồng xong mất tích cụ Niên (mẹ bà Huệ) cứ khóc, cụ thương lắm đấy. Cụ còn bảo chúng tôi thôi đừng cắt hộ khẩu của cháu nó đi, thế nên tôi vẫn để vì thương cụ có cô con gái mất tích. Trong sổ hộ khẩu của gia đình vẫn có tên cô Huệ. Thế nên ngày công an trên cục cảnh sát về hỏi tôi vẫn công nhận có cô Huệ ở đây. Huệ về tôi mừng cho cụ, trông cụ khỏe ra”, bà Duệ hồ hởi.
Theo bà Duệ, chuyện bà Huệ mất tích được phường ghi nhận và báo cơ quan chức năng, tuy nhiên suốt những năm qua, việc làm rõ bà Huệ ở đâu vẫn bế tắc. Cụ Nguyễn Thị Niên – mẹ bà Huệ thì đinh ninh con gái mình đã dại dột tự tử sau những biến cố. Biết chuyện bà Huệ trở về, mấy hôm nay cả tổ dân phố xôn xao bàn tán, nhiều người đến nhà thăm hỏi, chia vui với gia đình.
“Khi nghe tin Huệ trên Lạng Sơn tôi cũng lên nhà cụ Niên từ sớm để thăm hỏi. Sáng 18/7, 6h30 anh Nguyên đã đến nhà tôi báo cáo việc Huệ đã về nhà, thực lòng mà nói tôi rất vui. Tôi sẽ làm đơn kiến nghị với phường xin giúp đỡ. Tôi cũng mong muốn xã hội cùng chúng tôi chung tay hỗ trợ cho trường hợp này”, vị đại diện tổ dân phố bày tỏ.
(còn nữa)
Theo Dân việt