Từ chỗ xem COVID-19 là một ‘căn bệnh không có thật’, nhiều người Nga bị khủng hoảng tâm lý khi bản thân và những người thân xung quanh ngã gục hoặc chết vì bệnh, nhiều người tuổi còn rất trẻ.
Đại dịch COVID-19 kéo dài đã hơn 9 tháng, cứ mỗi ngày trôi qua lại có thêm nhiều người tận mắt chứng kiến hoặc trải qua sự giày vò của căn bệnh. Không còn nghi ngờ, không còn thuyết âm mưu, chỉ còn lại một căn bệnh nguy hiểm bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân.
Hồi tháng 6, thăm dò của Trường Kinh tế Maxtcơva ghi nhận 23,2% người Nga tin rằng COVID-19 do ai đó bịa ra, 9,6% cho rằng nó đã bị thổi phồng. Nhưng chỉ vài tháng trôi qua, đến khi bản thân nằm trong bi kịch, nhiều người mới nhận ra họ đã sai.
Dưới đây là một số câu chuyện “người thật, việc thật” qua phóng sự của báo Gazeta.ru.
“Làm gì có con virus nào…”
Anh Kirill sống ở thành phố Bryansk không tin virus corona có thật.
“Chạy đâu cũng không khỏi mớ tin tức đó! Tôi không tin có cái gì đó mới và nguy hiểm – sốt và đau họng là triệu chứng của rất nhiều bệnh. Tôi không hiểu nổi người ta hoảng lên làm gì.
Mọi thứ thật đáng ngờ, tôi càng lúc càng tin không có con virus nào, đây chỉ là trò gây ồn ào để thu hút sự chú ý của dư luận”, chàng trai 27 tuổi kể.
Ngược lại, người bạn thân của anh Kirill tin virus corona là chuyện nghiêm túc. Những tháng đầu anh không ra khỏi nhà, tuân thủ mọi biện pháp an toàn. “Tôi cũng thông cảm với thằng bạn, mặc dù đôi lúc chúng tôi tranh cãi về chủ đề này”, Kirill cho biết.
Dần dần thì người bạn kia cũng trở nên bớt cảnh giác.
“Nó không còn ngồi nhà nữa, hiếm lắm mới thấy nó đeo khẩu trang. Nhưng đến tháng 9 nó bất ngờ đổ bệnh, sốt dữ dội. Không ai nghĩ đến chuyện xấu, mọi người tưởng đó chỉ là cúm mùa.
Sau 3 ngày nó trở nặng hơn đến mức phải nhập viện. Xét nghiệm COVID-19 cho kết quả dương tính. Tất cả bạn bè đều bị sốc, cả tôi nữa. Căn bệnh tiến triển quá nhanh, sau 2 ngày thì bạn tôi qua đời.
Cảm giác lúc đó rất khó chấp nhận, càng khó thừa nhận đây là con virus tôi không tin có thật chỉ vài tháng trước”, Kirill kể lại đầy hối tiếc.
Khoẻ mạnh, qua đời ở tuổi 38
Cô Mariya, 28 tuổi, sống ở thành phố Krasnogorsk. Cô từ chối dùng các biện pháp phòng dịch ngay từ đầu. “Chúng làm tôi có cảm giác bị kiểm soát. Tôi trở nên hoài nghi và tìm mọi cách phản kháng lại các quy định”, cô nói.
Cô gái thừa nhận đôi lúc có nghĩ COVID-19 có thể tồn tại, nhưng tự trấn an căn bệnh chỉ nguy hiểm với người lớn tuổi hoặc có bệnh nền.
Mariya là cô giáo trong một trường dạy thể thao cho trẻ em. Cuối tháng 9 bỗng một giáo viên trong trường bị nhiễm COVID-19.
“Người phụ nữ 36 tuổi được cách ly ngay, còn những người tiếp xúc gần với cô được xét nghiệm. Mọi người khác đều âm tính chỉ trừ các thành viên trong gia đình cô, bao gồm chồng, đứa con và mẹ.
Các thành viên chỉ bị nhẹ trừ người chồng, anh mới 38 tuổi. Căn bệnh gần như nuốt chửng anh, cái chết đến rất nhanh. Điều này thật khó hiểu vì anh sống lành mạnh, chưa bao giờ cảm thấy không khỏe, không mắc bất cứ bệnh nền nào”, Mariya kể.
Kể từ lúc đó, Mariya chỉ ra khỏi nhà để đi làm; thay vì đi metro như trước, cô chọn taxi và tuân thủ mọi biện pháp phòng dịch được khuyến cáo.
“Khâm liệm gần như cả gia đình”
Yulia, 26 tuổi, sống ở thành phố Omsk, cô cũng không tin vào COVID-19. “Tôi dửng dưng và thật sự tin vào các thuyết âm mưu, rằng hoảng loạn chỉ là giả tạo”, cô kể. Đến mẹ cô – một y tá – cũng không thể thuyết phục con gái.
Mọi thứ đến rất nhanh, ngay đợt dịch đầu Yulia đã nhiễm bệnh.
“Có vẻ mẹ tôi nhiễm ở bệnh viện rồi lây cho cả nhà, em gái tôi cũng bị. Nó rất lạ và đáng sợ. Một buổi sáng nọ mẹ tôi bị mất vị giác, đến chiều thì tôi bị, còn em gái bị ngày hôm sau. Chúng tôi xét nghiệm dương tính với COVID-19. Chúng tôi tự cách ly và không dám đi đâu”, Yulia chia sẻ.
Trong suốt tháng rưỡi, cô gái không thể cảm nhận được bất cứ mùi vị gì, thậm chí đến bây giờ cũng không ngửi được những mùi nhẹ. Đến mùa hè, Yulia lại tái phát COVID-19 dù không có triệu chứng.
“Một cô bạn của tôi đã phải khâm liệm gần như toàn bộ gia đình vì COVID-19: con gái, mẹ, và người cô… Cảm giác thật ghê rợn. Bây giờ tôi mới thấy con virus này nguy hiểm và khó lường ra sao. Tôi không biết phải sống tiếp kiểu gì, ra đường thì sợ, nhất là sau khi bản thân tôi bị nhiễm 2 lần.
Thái độ dửng dưng của tôi giờ đã biến thành nỗi sợ hãi, không chỉ cho bản thân mà còn người thân xung quanh. Ông bà tôi sống ở nước ngoài, lớn tuổi rồi nên tôi rất lo”, Yulia tâm sự.
Các nhà tâm lý học Nga giải thích thái độ phủ nhận của mọi người trước COVID-19 là một cơ chế bảo vệ của cơ thể (bộ não) trước thay đổi kịch tính của môi trường xung quanh.
“Hành vi đó là một biện pháp bảo vệ sức khỏe tâm thần, thông thường nó giúp chúng ta giảm bớt mức độ stress trong cuộc sống, không để chịu đựng cảm giác khổ sở. Tuy nhiên trong một số trường hợp cơ chế này lại khiến chúng ta không nhận diện được mối đe doạ”, nhà tâm lý học Olga Markina, thành viên Hiệp hội Tâm lý học Nga, lý giải.
Nguồn: tuoitre.vn