Lee Joungduk – ông chủ hãng đồ lót Young Inner Foam từng có một nhà máy tại Triều Tiên với hàng trăm công nhân.

Thi thoảng, Lee vẫn lái xe đến một ngọn núi sát biên giới, nhìn chằm chằm sang phía Triều Tiên. Ông từng có nhà máy tại Khu công nghiệp chung Kaesong, trước khi nơi này bị đóng cửa năm 2016.

Ngày nay, khu vực đó chỉ là một thị trấn bỏ hoang. Thương mại hai miền đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi Hàn Quốc trừng phạt Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa. “Ở kia từng có cả đoàn xe tải đi lại, mọi người ra vào tấp nập. Nhưng giờ, chỗ này yên lặng quá”, Lee cho biết, “Dĩ nhiên, tôi khóc chứ. Tôi rất buồn vì mất việc kinh doanh”.

Lee Joungduk tại nhà máy ở Triều Tiên trước đây. Ảnh: Lee Joungduk
Lee Joungduk tại nhà máy ở Triều Tiên trước đây. Ảnh: Lee Joungduk

Vì vậy, khi cuộc gặp thượng đỉnh Hàn Quốc – Triều Tiên diễn ra, Lee rất kỳ vọng hai nước sẽ nối lại quan hệ kinh tế và Khu công nghiệp Kaesong sẽ tái khởi động. Đây là khu kinh tế đặc biệt của Triều Tiên, cho phép nhà đầu tư như ông kiếm lời từ lao động giá rẻ Triều Tiên. Bên cạnh đó, khi các yếu tố kinh tế thị trường đang ngày càng thâm nhập vào Triều Tiên, cơ hội thương mại hấp dẫn sẽ còn nhiều hơn nữa.

Tuần tới, Lee và nhiều chủ nhà máy khác sẽ chính thức làm đơn kiến nghị gửi Chính phủ Hàn Quốc, đề nghị được quay lại Kaesong vào tháng 5. Lee nói: “Tôi muốn biết mình phải làm những gì để chuẩn bị cho việc mở cửa lại”.

Lee không phải người duy nhất hào hứng với cuộc họp liên Triều. Từ đầu tuần này, nhà đầu tư đã tăng mua cổ phiếu các công ty từng có hoạt động tại Kaesong. Các học giả cho rằng việc Triều Tiên chuyển biến quan điểm về kinh tế có thể mở màn cho làn sóng đầu tư nước ngoài vào đây.

Nhà đầu tư bất động sản đã đổ đến sát vùng phi quân sự này, với kỳ vọng kinh tế mở cửa sẽ biến vùng biên giới Hàn Quốc thành khu vực thương mại mới. Giá đất tại đây đã lên cao nhất kể từ đầu năm 2000 – khi khu công nghiệp Kaesong được xây dựng.

“Khu vực này thực sự đang nóng lên”, Yun Eun Suk – nhân viên môi giới bất động sản tại Paju – gần Kaesong cho biết, “Khi quan hệ giữa hai miền cải thiện, nhiều người kỳ vọng các hoạt động tại khu vực này sẽ sôi nổi”.

Dù vậy, việc mở cửa kinh tế sẽ khó xảy ra nếu không có vài thay đổi bắt buộc khác. “Triều Tiên sẽ phải cho thấy quá trình phi hạt nhân hóa có bước tiến và có các cuộc nói chuyện tích cực với Mỹ. Khi đó, Mỹ có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, hay ít nhất là điều chỉnh việc thực thi chúng, để Hàn Quốc có thể làm điều họ muốn”, Christopher Green – một chuyên gia về Triều Tiên tại International Crisis Group nhận xét.

Nhiều học giả Hàn Quốc cho biết Triều Tiên sẽ thay đổi hướng tiếp cận với thương mại và đầu tư liên Triều, nếu cho mở lại hoạt động kinh doanh giữa hai miền. Hai thập kỷ qua, Triều Tiên chỉ mở cửa cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tại những lĩnh vực bị kiểm soát chặt, như du lịch hay khu kinh tế đặc biệt như Kaesong.

Xe của Hàn Quốc chờ thủ tục qua cổng ở Khu công nghiệp Kaesong. Ảnh: Reuters
Xe của Hàn Quốc chờ thủ tục qua cổng ở Khu công nghiệp Kaesong. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, “tình hình tại Triều Tiên đã thay đổi đáng kể trong vài năm qua”, Lim Kang-taeg – nhà nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Thống nhất Quốc gia tại Seoul cho biết, “Hệ thống của Triều Tiên đã thay đổi và tư tưởng của các chuyên gia nước này về chính sách kinh tế cũng vậy. Họ đang tận dụng các quy tắc thị trường để tăng sức mạnh và tạo ra lợi ích kinh tế”.

Triều Tiên giờ đã có hoạt động sản xuất vì lợi nhuận, giao dịch bất động sản và xây dựng tư nhân. “Việc xây dựng và bán nhà ở đang được tư nhân hóa. Trên thực tế, họ còn sẽ công nhận quyền sở hữu cá nhân nữa”, Lim cho biết.

Các công ty Triều Tiên cũng được quyền sản xuất, định giá và thậm chí xuất khẩu hàng hóa. “Điều này có nghĩa trong tương lai, khi hợp tác kinh tế với Hàn Quốc mở rộng, đó sẽ không còn là vấn đề giữa hai nước mà là giữa hai công ty. Khi đó, họ sẽ có thể kinh doanh trong nhiều lĩnh vực hơn nữa”, ông dự báo.

Viễn cảnh này dĩ nhiên khiến Lee rất hào hứng. Ông cho biết sau khi Hàn Quốc đột ngột đóng cửa Kaesong năm 2016 để trả đũa việc Triều Tiên thử tên lửa, doanh thu công ty ông đã giảm một nửa. Khi đó, Lee có 350 nhân công Triều Tiên, trả lương 280-310 USD một tháng.

Những chi phí này còn cao hơn nhà máy của họ ở Campuchia. Tuy nhiên, ở Kaesong, chung ngôn ngữ giúp ông dễ dàng giao tiếp với công nhân hơn và sự gần gũi về địa lý cũng giúp hàng hóa di chuyển nhanh hơn. Lee đã đầu tư vào đây từ năm 2007, có nhiều kinh nghiệm và quen biết nhiều công nhân tay nghề cao. Sản phẩm có mác Triều Tiên cũng giúp ông xây dựng được thương hiệu riêng, có chỗ đứng tại các cửa hàng ở Hàn Quốc.

Hơn 2 năm sau khi nhà máy đóng cửa, ông vẫn giữ các danh thiếp địa chỉ liên lạc ở Kaesong. “Kaesong là tất cả với tôi. Nó như con cái của tôi vậy. Tôi không thể quên được”, ông nói. Hiện tại, ông cảm thấy sắp tới, mình không những có thể sản xuất ở Triều Tiên, mà còn bán được đồ ở đó nữa. “Cứ như là chúng ta đã thoát khỏi một căn hầm dài và tăm tối vậy”, ông kết luận.

Theo VnExpress

Từ khóa : Hàn quốcKaesongkinh doanhTriều Tiên

Các tin liên quan đến bài viết