Hát then là loại hình văn hóa – nghệ thuật dân gian độc đáo được đông đảo đồng bào Tày, Nùng yêu thích, trân trọng và giữ gìn. Hát then từ lâu đã gắn bó với đời sống tinh thần và tâm linh của người Tày, Nùng. Có thể nói nơi nào có người Tày, Nùng cư trú thì ở nơi đó có hát then, đàn tính.
Sau ngày giải phóng đất nước, người Tày, Nùng vào Đồng Phú sinh sống khá đông, chủ yếu tại các xã Tân Phước, Tân Hòa, Tân Lợi, Thuận Lợi… và mang theo nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng núi phía Bắc, trong đó có nghệ thuật hát then. Chúng tôi tìm gặp bà Hoàng Thị Dung ngụ ấp Thuận Tân, xã Thuận Lợi. Bên tách trà nóng tại căn chòi nhỏ trong rẫy thuộc ấp Thuận Tân, bà vui vẻ kể về niềm đam mê nghệ thuật hát then. Cây đàn tính được bà lưu giữ từ hồi mới vào Bình Phước lập nghiệp và luôn được bà mang theo khi đi làm rẫy. Bà chia sẻ, đàn tính phải làm bằng quả bầu già từ Cao Bằng mới có âm vực hay. Đàn tính có 3 dây mang các âm thanh: cao, trầm và thấp, kết hợp căng dây đàn vừa phải thì tiếng đàn mới hay, mới hòa quyện với điệu hát then làm say đắm lòng người.
Bà Hòang Thị Dung đang gãy nhịp thể hiện bài hát “Bình Phước quê em”
Sinh năm 1951 tại tỉnh Cao Bằng – chiếc nôi của làn điệu then ngọt ngào, từ nhỏ bà Dung đã theo bà, mẹ và các chị trong thôn đi xem hát then. Năm 1971, bà tham gia công nhân cầu đường và rong ruổi khắp tỉnh Cao Bằng để làm đường. Tối đến, mấy chị em ngồi quây quần bên bếp lửa rồi ngân nga vài điệu hát then. Bà hát hay nên được tham gia vào đoàn văn nghệ của công ty. Trong công việc, bà luôn tích cực nên được cử đi học Trường trung cấp Giao thông vận tải tại Thái Nguyên. Bà còn được tham gia biểu diễn tại các điểm di tích lịch sử ở Lán Nà Lừa, Cây đa Tân Trào…
Năm 1992, bà cùng gia đình vào Bình Phước và chọn ấp Thuận Tân lập nghiệp. Tối nào bà cũng mang cây đàn tính ngân nga vài điệu then để vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhọc nhằn trong cuộc sống. Với bà, dù đi đâu về đâu nhưng mỗi khi nghe điệu tính, tiếng then ngọt lành thì đều trải lòng nhớ về quê hương.
Năm 2006, Ban ấp mời bà tham gia đội văn nghệ. Tuy chỉ có 3 người nhưng đội thường xuyên tham gia biểu diễn và còn là đại diện xã Thuận Lợi tham gia liên hoan văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số huyện Đồng Phú, đoạt giải khuyến khích. Khi nói việc duy trì đội văn nghệ và truyền dạy hát then, đàn tính cho thế hệ trẻ, bà cho biết: “Tuổi trẻ bây giờ không mặn mà với hát then, đàn tính nhưng trong ấp vẫn có 3 cháu học sinh đam mê. Tuy rất bận rộn nhưng tôi vẫn truyền dạy, giờ các cháu đã biết đàn, hát. Mỗi lần ấp tổ chức sự kiện, các cháu đều tham gia biểu diễn. Mong sao các cháu tiếp tục giữ niềm đam mê và phát huy nghệ thuật của dân tộc”.
Không chỉ hát hay, đàn giỏi, bà còn tự phổ thơ thành nhiều làn điệu then, như bài: Bình Phước quê em, Cao Bằng – Bình Phước… Khi tôi có nhã ý muốn nghe một làn điệu then, bà Dung không ngần ngại cầm cây đàn tính lên gảy nhịp biểu diễn bài “Bình Phước quê em”: Ai về Bình Phước quê em/Từ đường xa, phía trước trời mây/Đâu cũng là rừng cây xanh lá/Rừng cây xưa che bộ đội diệt thù… Ở tuổi 65 nhưng giọng hát của bà vẫn ngọt ngào, làm ngất ngây lòng người.
Ông Nông Hải Dương, Bí thư Chi bộ ấp Thuận Tân, cho biết: Ấp có 243 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số 238 hộ, chủ yếu là người Tày, Nùng. Vì vậy, ban ấp luôn tạo điều kiện thuận lợi cho đội văn nghệ hoạt động. Trong các dịp lễ, tết, Chi bộ luôn động viên khuyến khích bà con hát then, đàn tính. Chi bộ còn phối hợp ban ấp tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn giá trị truyền thống dân tộc, trong đó có nghệ thuật hát then, đàn tính.
Khắc Bảy