ĐB Vũ Trọng Kim cho rằng, người đứng đầu mà không quản lý được, để xảy ra tham nhũng thì phải chịu trách nhiệm, phải từ chức.
Phiên họp toàn thể của UB Tư pháp chiều qua thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng 2018.
Nhiều đại biểu nêu hàng loạt băn khoăn về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng cũng như việc kê khai tài sản.
Quản lý không được thì phải chịu trách nhiệm
Ủy viên thường trực UB Tư pháp Lê Thị Thuỷ nhắc lại báo cáo của Chính phủ cho thấy có 29 người đứng đầu bị xử lý do để xảy ra hành vi tham nhũng, thuộc 16 tỉnh.
Ủy viên thường trực UB Tư pháp Lê Thị Thuỷ |
“Vậy ngoài ra, còn bao nhiêu trường hợp nữa, đã bị xử lý hành chính hoặc hình sự nhưng người đứng đầu không bị sao? Có phải do họ đã làm tốt công tác phòng ngừa tham nhũng nhưng vẫn để xảy ra, tức là nằm ngoài trách nhiệm nên không bị xử lý?”, bà Thuỷ hỏi Tổng thanh tra Chính phủ (TTCP).
ĐB Vũ Trọng Kim cũng cho rằng, các vụ việc liên quan đến người đứng đầu rất nhiều, nhưng không được xử lý.
“Quản lý không được thì phải chịu trách nhiệm. Đúng ra, anh phải từ chức mới đúng, vì cơ quan anh sinh ra quá nhiều vấn đề phức tạp, phiền toái cho nhân dân”, ông Kim nói.
Theo ông, những trường hợp này “phải từ chức đi chứ, nhưng lại không từ chức”.
ĐBQH Vũ Trọng Kim |
Về trách nhiệm, ông nhận xét không thấy rõ ràng biện pháp nào hành chính, biện pháp nào hình sự, biện pháp nào kinh tế.
Giải đáp, Tổng TTCP Lê Minh Khái dẫn điều 54 luật Phòng chống tham nhũng, điểm 5 có quy định miễn trừ trách nhiệm nếu người đứng đầu không thể biết được có hành vi tham nhũng và những người đứng đầu để xảy ra tham nhũng thì trực tiếp chịu trách nhiệm.
“Trong phần thống kê đánh giá, xử lý những vụ tham nhũng, trách nhiệm của chúng tôi là thống kê có 29 trường hợp. Về đánh giá tình hình, trong báo cáo TTCP tham mưu cho Thủ tướng ký thì cũng lác đác có đánh giá”, ông Khái giải thích.
Kê khai tài sản mà không xác minh thì vô nghĩa
Bà Thuỷ băn khoăn về con số hơn 1,1 triệu cán bộ công chức và có 44 người được xác minh kê khai tài sản, trong đó có 6 người vi phạm.
“Chúng tôi thấy số vi phạm khá lớn trong tổng số xác minh. Nhưng chúng tôi băn khoăn vì sao chỉ có 44/1,1 triệu người kê khai được xác minh”, bà Thuỷ nói.
Ông Nguyễn Bá Sơn, ủy viên UB Tư pháp cho rằng, lẩn khuất đằng sau các bản kê khai tài sản có rất nhiều vấn đề mà công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng cần quan tâm.
“Nếu cứ 10 vụ xác minh mà có 4 vụ sai phạm thì sẽ có bao nhiêu sai phạm trên tổng số hơn 1,1 triệu bản kê khai?”, ông Sơn đặt vấn đề và cho rằng, việc xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập phải chủ động hơn.
Ông Nguyễn Bá Sơn, ủy viên UB Tư pháp |
ĐB Trương Trọng Nghĩa, ủy viên UB Tư pháp thì cho rằng, công tác xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập cần phải coi như việc làm tự nhiên và cần phải phân loại, phân cấp.
“Chẳng hạn, giám đốc sở phải là người xác minh cán bộ, thuộc cấp của mình, còn giám đốc sở thì UBND xác minh… Như thế, việc xác minh sẽ là một quy trình tự động và chỉ coi đây như là một việc bình thường”, ông Nghĩa đề xuất.
Theo ông, nếu kê khai tài sản mà không xác minh thì vô nghĩa còn nếu để thanh tra làm hết thì không có lực lượng.
Tổng TTCP Lê Minh Khái |
Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho biết, điều 47 luật Phòng chống tham nhũng hiện hành quy định có 4 căn cứ.
“Trong hơn 1 triệu bản kê khai, khi có căn cứ thì xác minh 44 trường hợp, xử lý được 6 trường hợp. Nếu hiểu rằng, 6 trường hợp trong 44 bản kê khai, trong tổng thể để đánh đồng thì không đúng.
Vì khi có căn cứ như tố cáo, hay có dấu hiệu thì mới làm, còn không thì các cơ quan không làm”, Tổng thanh tra giải thích.
Nguồn: vietnamnet