Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, người đồng sự gắn bó mật thiết với cố Thủ tướng Phan Văn Khải hơn hai thập kỷ, chia sẻ cố thủ tướng đã để lại nhiều di sản ấn tượng về đối nội và đối ngoại lẫn nhân cách sống và những trăn trở.

Người đốc công và lò lửa âm ỉ cháy - Ảnh 1.

Thủ tướng Phan Văn Khải (giữa) cùng các vị khách tham quan các nhà máy điện tại Trung tâm điện lực Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (ngày 11-4-2005) 

 

Anh rất yêu quý bà cụ thân sinh. Có lần khi tôi đến thăm anh Khải ở TP.HCM, tôi thấy bà cụ lúc đó đã rất lớn tuổi ngồi trong lòng anh. Anh Khải cũng rất yêu thương vợ là chị Sáu. Chị Sáu chưa bao giờ hoạt động với tư cách phu nhân thủ tướng. Chị ấy sống rất khiêm tốn, tránh những chuyện ồn ào, phô trương

Nguyên Phó thủ tướng VŨ KHOAN

Tin đồng chí Phan Văn Khải ra đi đã để lại nhiều niềm tiếc thương đối với đồng bào cả nước và với những người đồng sự từng làm việc cùng ông, trong đó có tôi.

Cá nhân tôi có dịp được tiếp xúc với anh Sáu Khải từ đầu những năm 1990, khi anh ra Hà Nội công tác trên nhiều cương vị khác nhau.

 Gánh trên vai những trọng trách kinh tế – xã hội – chính trị trong nước lẫn các hoạt động đối ngoại, anh Sáu Khải đã để lại rất nhiều di sản.

Nhà thiết kế và người đốc công

 Về đối nội, anh Khải là một nhà thiết kế, một người đốc công cho công cuộc đổi mới và mở cửa với thế giới bên ngoài.

Ngay từ khi tham gia lãnh đạo TP.HCM, cái nôi của ý tưởng đổi mới, anh và nhiều đồng sự đã đề ra nhiều chủ trương táo bạo. Khi ra công tác ở trung ương, anh Khải trực tiếp cùng với các anh em Ủy ban Kế hoạch nhà nước và sau đó là Chính phủ thiết kế ra những chủ trương, chính sách cụ thể phát triển đất nước.

Đồng chí Phan Văn Khải được đào tạo cơ bản về kiến thức kinh tế, đó là điều rất hiếm thấy trong đội ngũ lãnh đạo Việt Nam. Dù được đào tạo trong lò kinh tế kế hoạch tập trung, nhưng anh lại có tư duy đổi mới mạnh mẽ.

Anh Khải luôn bám sát thực tế của Việt Nam, đối chiếu những kiến thức có được và kinh nghiệm thế giới, đề ra chính sách hiệu quả và cụ thể mà không phải theo sách vở, lý thuyết.

Cũng nhờ vậy anh Khải có công rất lớn trong việc giữ cho con thuyền kinh tế Việt Nam không bị chòng chành trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Việc thứ hai anh Khải làm được chính là đã chỉ đạo soạn thảo Luật doanh nghiệp, sửa đổi Luật đầu tư nước ngoài, qua đó giúp thúc đẩy hai thành phần kinh tế quan trọng của Việt Nam chính là kinh tế tư nhân và kinh tế đầu tư nước ngoài.

Anh Khải cũng đề ra chủ trương và thực hiện đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Những đóng góp đó đã giúp Việt Nam vượt qua sóng gió để duy trì ổn định vĩ mô và tăng trưởng khá cao.

Ngoài ra, anh Khải cũng luôn trăn trở và day dứt về công cuộc xóa đói giảm nghèo. Dưới thời anh Khải, rất nhiều sáng kiến về xóa đói giảm nghèo ra đời, ví dụ như xây nhà cho bà con nghèo, xây trường, vùng chống lũ ở Nam Bộ…

Khi cần chi tiêu cho xóa đói giảm nghèo là anh Khải không ngại ngần “mở hầu bao”.

Đi đầu về hội nhập quốc tế

Anh Khải nhận nhiệm vụ lãnh đạo Chính phủ đúng lúc đất nước ta triển khai mạnh mẽ chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện.

Mở cửa hội nhập với thế giới là tư tưởng anh Khải quán triệt và anh không do dự gì trong việc thực hiện chủ trương này. Có hai câu chuyện về đối ngoại mà tôi nhớ nhất về anh Sáu Khải.

Đầu tiên là anh Khải xử lý khéo léo chuyện kết nạp Campuchia vào ASEAN. Năm 1998, khi nước ta là chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEAN, ta ưu tiên đặt mục tiêu kết nạp Campuchia vào ASEAN cho đủ 10 nước.

Đây là một câu chuyện phức tạp vì chỉ một năm trước đó, Campuchia nổ ra khủng hoảng chính trị khiến các nước ASEAN đắn đo về việc kết nạp Campuchia.

Việt Nam và các nước ASEAN đã trao đổi rất khẩn trương về chuyện này. Sau đó, anh Khải dung hòa hai bên bằng cách đưa ra sáng kiến đồng ý về mặt nguyên tắc kết nạp Campuchia, rồi tổ chức lễ kết nạp sau.

Sáng kiến này rất linh hoạt, góp phần tháo gỡ bế tắc và mở đường cho Campuchia gia nhập ASEAN năm 1999.

Về Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ (BTA), dù nội dung hiệp định về cơ bản đã hoàn tất, nhưng đến giờ chót có một vài ý kiến chưa yên tâm về nội dung, phía ta đã đề nghị trao đổi thêm và ký vào một thời gian thích hợp.

Khi tôi được điều qua Bộ Thương mại, điều đầu tiên anh Khải nói với tôi là: “Vũ Khoan làm sao để kết thúc đàm phán BTA đi rồi ký kết”. Sau đó, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh Khải, điểm khác biệt đã được giải quyết và BTA được ký kết vào tháng 7-2000.

Tương tự như vậy về đàm phán gia nhập WTO, anh Khải cũng chỉ đạo trực tiếp và đi đến thỏa thuận cuối cùng vào năm 2006.

Sự kiện Việt Nam gia nhập WTO liên quan đến một hoạt động đối ngoại rất lớn một năm trước đó – chuyến thăm Mỹ lịch sử của Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005.

Về bối cảnh chuyến đi, phải hiểu rằng quan hệ Việt – Mỹ thời điểm đó cực kỳ phức tạp khi Mỹ là cựu thù của Việt Nam và nhiều thế lực phản đối chuyến đi, biểu tình liên tục.

Tôi còn nhớ khi anh Khải hội đàm với Tổng thống George Bush trong Nhà Trắng thì bên ngoài diễn ra cuộc biểu tình phản đối quy mô lớn, tạo sức ép rất mạnh.

Tuy vậy, anh Khải vẫn tỏ ra thái độ kiên định và khôn khéo để vượt qua khúc mắc, mở ra trang mới cho quan hệ Việt – Mỹ cũng như điều kiện thuận lợi tổ chức Hội nghị APEC lần 14 ở Việt Nam năm 2006, và chuyến thăm Mỹ cũng là bước quyết định để Việt Nam gia nhập WTO.

Chuyến đi này thể hiện anh Khải rất chăm lo lợi ích dân tộc, rất kỹ càng và chuẩn mực trong việc thực hiện sứ mệnh phức tạp như vậy.

“Ngay ngắn” và “đứng đắn”

Tôi ví đồng chí Phan Văn Khải không phải là một ngọn đuốc cháy bùng bùng, mà là một lò lửa cháy âm ỉ. Anh xử lý công việc rất thận trọng, không phô trương, ồn ào và luôn đưa ra quyết định đúng mực.

Đối với cán bộ cấp dưới – trong đó có cá nhân tôi, anh rất tin cậy giao việc. Ví dụ khi đàm phán với Mỹ và các nước về gia nhập WTO, anh Khải nêu rõ Bộ Chính trị ra chủ trương lớn, “còn thực hiện thế nào thì các anh làm”.

Anh giao toàn quyền cho tôi với tư cách là phó thủ tướng phụ trách và anh Trương Đình Tuyển khi đó là bộ trưởng Bộ Thương mại. Về vấn đề giải quyết biên giới lãnh thổ, anh Khải cho tôi các chủ trương lớn và hỗ trợ bằng các chính sách liên quan của Chính phủ.

Về cá nhân, nói theo phương ngữ Nam Bộ, anh Khải là người rất “ngay ngắn” và “đứng đắn”, chân tình đối với anh em, bạn bè xung quanh, không có khoảng cách và bộc trực. Ngoài ra, anh Khải rất chăm chú cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Trong anh không chỉ ẩn chứa những phẩm chất của người Nam Bộ, mà còn của người dân Bắc Bộ vì anh Khải có thời gian tập kết ở miền Bắc.

Những dấu ấn hội nhậpphan van khai

Thủ tướng Phan Văn Khải hội đàm với Tổng thống Mỹ George W. Bush tại Nhà Trắng – Ảnh: TT

Việt Nam gia nhập ASEAN 1995, Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) năm 1996 và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 1998.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải là lãnh đạo cấp cao đầu tiên đại diện Việt Nam tham dự APEC. Ông cũng là người chỉ đạo ký Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ (BTA) năm 2000 và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2006.

Theo Tuoitre.vn

Từ khóa : Bác sáu KhảiCố thủ tướngGeorge W. BushLuật doanh nghiệpNguyên Thủ tướng Phan Văn KhảiPhan Văn Khảiquan hệ Việt - Mỹ

Các tin liên quan đến bài viết