Đến nhà người quen chúc Tết, đang đứng ngoài cổng, anh K. bỗng bị chó hàng xóm từ đâu lao ra tấn công. Anh phải tất tả kiếm chỗ đi chích ngừa dại…

Tiêm vắc xin ngừa dại tăng đột biến - Ảnh 1.

Trẻ tiêm vắc xin phòng dại tại Đồng Nai 

Mặc dù chưa phải đỉnh điểm của nắng nóng, nhưng số người đi chích ngừa dại sau Tết tăng mạnh. Thậm chí tại nhiều khu vực miền Trung, Tây Nguyên, số lượng người đi tiêm vắc xin dại rất cao, tăng 300% so với tháng trước.

Sau Tết, anh H.K. (TP.HCM) đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để chích ngừa vắc xin dại. Theo lời kể của anh K., dịp Tết anh đến nhà người quen chúc Tết, nhưng không may khi đang đứng ngoài cổng, bỗng nhiên bị chó hàng xóm từ đâu lao ra tấn công.

Do vết cắn sâu và bị chảy máu, anh K. vội đến bệnh viện chích ngừa dại, bác sĩ yêu cầu anh phải tiêm năm mũi để phòng nguy cơ nhiễm bệnh dại.

Nhiều khu vực tăng 300% ca chích ngừa dại

Bác sĩ Bùi Hoàng Trương – phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM – cho biết trong dịp Tết vừa qua, riêng bệnh viện tiếp nhận gần 1.900 ca chích ngừa dại, trong đó có 1.365 ca tiêm nhắc và 496 ca tiêm mới.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, lượng người đến tiêm vắc xin ngừa dại trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao so với ngày thường.

Cụ thể, trong tháng 1-2023, có đến 980 lượt người đến tiêm vắc xin phòng dại do bị chó mèo cắn. Đặc biệt trong ba ngày Tết (từ mùng 1 đến mùng 3 tháng giêng), tổ tiêm chủng đã tiếp nhận đến 250 lượt người đến chích ngừa dại.

Thực tế này khá phù hợp, bởi theo bác sĩ Bạch Thị Chính – giám đốc y khoa của một đơn vị tiêm chủng tư nhân, trong tuần đầu hoạt động trở lại sau Tết Nguyên đán, 101 trung tâm trên toàn quốc của đơn vị ghi nhận số người dân đến tiêm vắc xin dại tăng hơn 300% so với tháng trước Tết.

Vì sao bệnh dại tăng đột biến?

Theo bác sĩ Hoàng Trương, số người tiêm vắc xin dại tăng là do trong dịp Tết người dân đi chúc Tết, bị chó, mèo và động vật nuôi tấn công. Thêm vào đó nhiều cơ sở tiêm chủng, phòng khám nghỉ nên người dân đều tiêm vắc xin phòng dại ở bệnh viện.

Ngoài ra, số người đi tiêm vắc xin phòng dại tăng là do nhận thức của người dân về bệnh nguy hiểm này cũng đã tăng cao.

Trước đó trong các năm dịch COVID-19, người dân ít giao lưu đi lại nên nguy cơ bị chó, mèo cắn, cào, liếm ít hơn, tỉ lệ mắc bệnh dại và tiêm vắc xin dại không có biến động mạnh.

Bác sĩ Trương cho hay, bệnh dại ủ bệnh từ 3 tuần đến hơn 3 tháng, thậm chí có trường hợp kéo dài 20 năm. Ở giai đoạn đầu triệu chứng từ 1-4 ngày với biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, tê và đau tại vết thương nơi vi rút xâm nhập.

Giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên.

Bệnh thường kéo dài từ 2-6 ngày, đôi khi lâu hơn và cuối cùng tử vong do liệt cơ hô hấp.

Bác sĩ Nguyễn Đình Trung – tổ tiêm chủng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai – cho biết bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại.

Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.

Cần làm tốt các biện pháp phòng ngừa

Để chủ động phòng, chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y, không thả rông chó, mèo, chó ra đường phải được đeo rọ mõm, không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone. Hạn chế làm giập vết thương và không được băng kín vết thương. Sau đó, đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Không thiếu vắc xin dại trên cả nước

Chiều 5-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) khẳng định hiện tại nguồn cung ứng vắc xin dại không thiếu.

“Ngay khi nhận được thông tin thiếu vắc xin phòng dại, chúng tôi đã trao đổi với hai đơn vị cung ứng vắc xin dại cho Việt Nam. Cả hai đơn vị này đều khẳng định hiện nguồn cung ứng đã đầy đủ và dồi dào. Thậm chí, trong kho dự trữ vẫn còn, khi các đơn vị yêu cầu sẽ có vắc xin cung ứng ngay.

Từ đây cho đến tháng 3 có thể mang về 6-7 lô, mỗi lô 50.000 liều, vì vậy không thiếu vắc xin để tiêm phòng, người dân có thể yên tâm”, đại diện Cục Quản lý dược thông tin.

Còn tại Viện Pasteur, khi truy cập vào website của Viện Pasteur, tại bảng danh mục các vắc xin có tại viện ngày 5-2, trong đó có 19 loại/nhóm loại vắc xin, nhưng 18 loại đã hết, trong đó có vắc xin dại. Qua số điện thoại đường dây nóng Viện Pasteur cho biết hiện tại đã hết vắc xin phòng dại và không rõ thời gian khi nào có lại.

Trước đó, tháng 6-2022, tình trạng hết tất cả các loại vắc xin tại Viện Pasteur cũng đã diễn ra, nguyên nhân là do gặp khó khăn trong đấu thầu, mua sắm.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : tiêm Vắc xinTiêm vắc xin ngừa dạiTrẻ tiêm ngừa vắc xin

Các tin liên quan đến bài viết