Đã có lúc, PGS Nguyễn Huy Thắng bị xem là “người điên” khi bán đất để lấy tiền đi học ở Mỹ và từ chối mức lương hàng trăm triệu đồng để làm việc tại 1 bệnh viện công lập.

Người Việt Nam đầu tiên được vinh danh tại Hội đột quỵ thế giới

PGS TS BS Nguyễn Huy Thắng là một trong 6 bác sĩ trên thế giới vừa được Hội đột quỵ thế giới vinh danh với giải cống hiến, dành cho cá nhân hoạt động xuất sắc.

“Để đạt giải thưởng cống hiến đó, không phải vì điều trị được nhiều bệnh nhân đột quỵ. Chính việc góp phần hình thành mạng lưới đột quỵ tại Việt Nam với hơn 100 đơn vị đột quỵ tại các tỉnh thành trong cả nước là yếu tố quyết định. Đó là một quá trình rất dài, với rất nhiều đồng nghiệp cùng tham gia”, PGS Thắng chia sẻ.

Người đặt tên Việt Nam vào bản đồ đột quỵ thế giới
PGS Nguyễn Huy Thắng – Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115.

Anh hiện là Phó chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 tại TP.HCM. Đây cũng là trung tâm đột quỵ chuyên sâu của TP.HCM và khu vực phía Nam, tiếp nhận khoảng 20.000 bệnh nhân đột quỵ mỗi năm.

Năm 2006, sau 1 năm tu nghiệp tại trường Đại học quốc gia Singapore, bác sĩ Thắng xây dựng đơn vị đột quỵ hoàn chỉnh tại bệnh viện. Tại đây, anh áp dụng những kỹ thuật điều trị tiên tiến, lần đầu tiên tiếp cận cho bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam.

“Nhìn những bệnh nhân đang liệt, mất ý thức nhưng sau đó có thể đi lại được, nói chuyện được gần như bình thường, cảm giác của mình khó tả lắm!”.

Thế nhưng, cảm thấy vẫn chưa đủ! Năm 2007, anh đưa ra 1 quyết định vừa “điên” nhưng sáng suốt nhất trong sự nghiệp của mình: bán đất của gia đình để tham gia khóa học 2 năm về chuyên ngành đột quỵ tại Mỹ.

“Lãnh đạo bệnh viện ủng hộ đi học là mừng rồi. Về kinh phí, tôi quyết định rất nhanh, bán đất lấy tiền đi học, đưa cả gia đình sang Mỹ. Các cháu khi đó còn nhỏ, thích nghi với môi trường mới rất nhanh. Vợ tôi đã hy sinh rất lớn, là bác sĩ tim mạch, nhưng cô ấy đã nghỉ việc đi theo chồng”, anh chia sẻ.

Thời gian học tập tại Mỹ, anh đi theo các giáo sư đầu ngành đột quỵ, tham gia nhiều dự án và dần tạo được những mối quan hệ quốc tế. Đây là cơ hội không chỉ của PGS Thắng mà còn là cơ hội của y học Việt Nam.

Tại sao không ở lại Mỹ? “Nếu ở lại thì vô nghĩa lắm, vì chắc họ không cần thêm mình! Nhưng trở về, mình hy vọng sẽ tạo được những thay đổi rất lớn cho ngành đột quỵ và bệnh nhân ở quê nhà”, anh chia sẻ.

Người đặt tên Việt Nam vào bản đồ đột quỵ thế giới
PGS TS BS Nguyễn Huy Thắng là bác sĩ Việt Nam đầu tiên được Hội đột quỵ thế giới vinh danh.

Anh tự hào nhìn nhận những đóng góp của mình và đồng nghiệp tại Bệnh viện Nhân dân 115 đã giúp cho rất nhiều bệnh nhân phục hồi ngoài kỳ vọng. Đặc biệt, 2 kỹ thuật tiên tiến là thuốc tiêu sợi huyết và sử dụng dụng cụ can thiệp lấy huyết khối đã đóng vai trò quan trọng trong điều trị đột quỵ cấp tại Việt Nam.

Tính riêng 2 kỹ thuật trên, mỗi tháng có khoảng 130 bệnh nhân tại Bệnh viện Nhân dân 115 được chỉ định. Trung bình mỗi năm khoảng 1.500 ca được can thiệp, chiếm tỷ lệ khoảng 40% tổng số ca trên cả nước.

Đáng mừng, thời gian từ khi bệnh nhân đột quỵ nhập viện đến khi được tiêm thuốc tiêu sợi huyết chỉ còn 40 phút, so với khuyến cáo của Hội đột quỵ Hoa Kỳ là 60 phút. Chỉ số này tiệm cận với thời gian trung bình của các trung tâm Đột quỵ lớn trên thế giới là 30 phút.

Quan sát xu hướng trên thế giới, PGS Thắng nhận thấy, muốn can thiệp nhanh và hiệu quả, phải có trung tâm chuyên sâu và hệ thống mạng lưới. Nếu không, việc di chuyển với khoảng cách quá xa có thể làm chậm trễ việc điều trị và bệnh nhân là người thiệt thòi nhất.

“Chìa khóa quan trọng nhất để làm giảm gánh nặng tàn phế và tử vong của đột quỵ chính là việc tổ chức các đơn vị đột quỵ”. Từ đó, anh tập trung phát triển mạng lưới đơn vị đột quỵ tại Việt Nam.

Kỳ vọng bệnh nhân đột quỵ được can thiệp sớm và đúng

Năm 2006, Bệnh viện Nhân dân 115 là nơi duy nhất có đơn vị đột quỵ độc lập. Hiện nay, trên cả nước đã hình thành hơn 100 đơn vị, tốc độ phát triển mỗi năm từ 10-20 cơ sở. Bác sĩ Thắng và đồng nghiệp nhận trách nhiệm chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân sự.

Từ năm 2016, Hội đột quỵ Việt Nam đã đề xuất Cục Quản lý Khám chữa bệnh đưa đơn vị Đột quỵ thành một tiêu chí phân loại bệnh viện.

Cuối năm 2016, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 47, quy định việc tổ chức khám chữa bệnh đột quỵ trong các cơ sở y tế. Đây là cột mốc mang tính bước ngoặt để phát triển mạng lưới.

Năm 2017, Chương trình Angels đã hỗ trợ Hội đột quỵ TPHCM trong mở rộng mạng lưới, tổ chức nhiều hội thảo với sự tham gia của chuyên gia trong nước và quốc tế, cung cấp tài liệu chuẩn của Hội đột quỵ thế giới.

Nhờ đó, trong 5 năm gần đây, tốc độ hình thành các đơn vị nhanh hơn hẳn so với thời gian trước đó. Đồng thời, những đóng góp và nỗ lực của anh cũng được Angels ghi nhận.

“Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bình Định, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An… đều đã có Trung tâm đột quỵ. Các trung tâm này có thể điều trị tốt cho bệnh nhân trong và ngoài tỉnh, đảm bảo người bệnh được can thiệp sớm, đúng kỹ thuật.

Nếu vượt quá chuyên môn, các đơn vị vệ tinh sẽ liên hệ để chuyển lên các trung tâm lớn xử lý, theo mô hình “Mothership”, rất hiệu quả!”, PGS Nguyễn Huy Thắng tâm đắc.

Người đặt tên Việt Nam vào bản đồ đột quỵ thế giới
PGS Nguyễn Huy Thắng trong một hội thảo quốc tế. 

Anh chia sẻ một tín hiệu tích cực, khi hiện nay bệnh nhân đột quỵ đến cấp cứu trong giờ vàng đạt 20%.Con số này thấp hơn nhiều so với những nước phát triển, nhưng đã tăng gấp đôi so với 10 năm trước.

Là một trưởng khoa tại Bệnh viện Nhân dân 115, chủ nhiệm bộ môn Thần Kinh tại Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đồng thời là Phó chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, quỹ thời gian của anh gần như kín đặc. Thế nhưng hàng tuần, anh vẫn đến nhiều bệnh viện, chủ trì các hội thảo, mời các chuyên gia quốc tế đến chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.

Đó cũng là 1 phần trong bước phát triển mạng lưới hơn 100 đơn vị đột quỵ cả chiều rộng và chiều sâu, mà anh và các đồng nghiệp đang cống hiến từng ngày.

Từ chối mức lương hàng trăm triệu, anh tập trung tối đa cho bệnh nhân tại bệnh viện công lập. Đồng thời, mở ra cơ hội phục hồi cho người bệnh đột quỵ trên khắp cả nước. PGS TS Nguyễn Huy Thắng khẳng định. “Mình đã đúng khi trở về Việt Nam.”

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Bệnh viện 115đột quỵĐột quỵ nãoTP HCM

Các tin liên quan đến bài viết