Màu áo chàm của người Nùng Phàn Slình nổi bật giữa khuôn viên tượng đài Hoàng Văn Thụ, phường Chi Lăng, TP.Lạng Sơn. Ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân từ các huyện lân cận đã có mặt tại đây để giao lưu, thưởng thức những câu sli, câu lượn mang nét đặc trưng của xứ Lạng.
Người Nùng Phàn Slình trong trang phục áo chàm dân tộc di chuyển sang bên tượng đài để tìm bạn mới giao lưu.
Tại đây năm nay có bày bán đàn tính, một nhạc cụ dân tộc gắn với tiếng hát Then của đồng bào xứ Lạng.
Tháng giêng bắt đầu cũng là lúc xứ Lạng bắt đầu mùa lễ hội. Đã từ lâu, vào ngày 22 tháng giêng hằng năm, đông đảo người dân và du khách lại kéo về tham dự lễ hội rước kiệu. Bắt đầu từ 9h sáng, khuôn viên tượng đài Hoàng Văn Thụ ngay giữa thành phố trở nên vô cùng nhộn nhịp.
Người Nùng Phàn Slình có trang phục là quần đen, áo vải chàm, có thêm khăn đội đầu.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi phía đông bắc Tổ quốc, có nhiều dân tộc anh em chung sống lâu đời như: Tày, Nùng, Dao, Hoa, Sán Chay… Mỗi dân tộc đều có những làn điệu dân ca độc đáo của mình. Trong đó, nổi bật nhất là làn điệu dân ca giao duyên sli, lượn của người Tày, Nùng.
Đây như là dịp đầu năm mới mọi người hẹn nhau gặp gỡ đầu xuân và hỏi thăm sức khỏe của nhau.
Bà Hoàng Thì Tèn, người Nùng Phàn Slình ở huyện Chi Lăng cho biết: Năm nào tôi cũng đi lên đây, nhiều người rủ nhau đi rồi thuê 1 chiếc xe chở lên nên rất đông vui. Người Nùng Phàn Slình chúng tôi, nhất là những lớp già như chúng tôi hiện vẫn biết và thuộc khá nhiều câu sli, câu lượn. Tùy vào từng người, từng không gian thì sẽ lựa chọn những câu đối đáp cho phù hợp. Nhưng về cơ bản nó mang ý nghĩa như lời hỏi thăm sức khỏe, công việc, gia đình sau thời gian dài chưa gặp lại.
Nhiều mặt hàng đặc trưng của người dân tộc được bày bán như đàn tính, áo chàm tự may có giá 300.000 đồng/chiếc, mũ, dây đeo túi…
Trong lời hát sli có sự liên tưởng, ví von, thông qua những hình ảnh cụ thể để nói lên tâm tình con người. Do đó, dù trong lời hát là cây cối, trăng sao, năm tháng… nhưng cuối cùng vẫn để nói về tình cảm, tâm trạng và khát vọng của con người.
Và hát sli không cần nhạc cụ đệm hay vũ đạo đi kèm. Người ta có thể hát bất cứ lúc nào, chỗ nào, miễn là có đối tượng hát. Trước khi hát, họ phải bắt chuyện, hỏi thăm nhau, nếu thấy hợp thì hai bên nam và nữ sẽ đối đáp nhau qua những câu sli, câu lượn. Có lẽ bởi thế, tiếng hát sli vẫn được lưu truyền mãi cho đến hôm nay.
Khuôn viên tượng đài chật kín người, màu áo chàm nổi bật nhất tại đây.
Sau khi nói chuyển cảm thấy hợp ý thì bên nam, nữ sẽ lựa chọn địa điểm nơi góc khuôn viên tượng đài để đối đáp nhau qua những câu sli, câu lượn.
Đến tầm trưa và chiều, khuôn viên tượng đài chật kín người, và góc nào tại đây cũng ngân vang những câu sli, câu lượn chúc tụng, hỏi han nhau. Nhiều người dân cũng tranh thủ mang những món đồ tự thêu thùa, may vá được đến bày bán. Những chiếc áo chàm, mũ trẻ con đầy màu sắc thu hút đông đảo người dân.
Dây quai đeo túi cũng được người dân tự làm rồi mang bán tại đây.
Một bà cụ cũng tranh thủ bày bán những sản phẩm do con cháu làm ra.
Ai có dịp lên xứ Lạng vào ngày phiên chợ, nhất là những ngày hội xuân bắt đầu từ tháng giêng, sẽ đều được chứng kiến từng tốp người Nùng cất tiếng sli rất hồn nhiên và hào hứng. Thanh niên trai gái ở các bản làng nếu có dịp gặp nhau cũng tổ chức hát sli với nhau suốt đêm cho đến sáng.
Hát lượn ở xứ Lạng là tiếng hát tâm tình của thanh niên và cũng được phổ biến rộng rãi cả trong lớp người cao tuổi. Tiếng lượn cũng mượt mà, êm ả, thường được tổ chức trong nhà, vào những dịp đầu năm mới, đám cưới, vào nhà mới và những ngày hội vui…
Xã hội thay đổi, cuộc sống hiện đại, giới trẻ không nhiều người còn biết đến hát sli, lượn. Chính vì vậy, lễ hội hàng năm thu hút đông người lớn tuổi mà vắng bóng thanh niên.
Đây như là một “sân chơi” dành cho những người biết và yêu thích những câu sli, câu lượn đối đáp trầm bổng.
Chợ càng về chiều càng đông, tiếng hát sli càng bay cao, bay xa vang vọng khắp nơi, từ đầu chợ Kỳ Lừa đến vườn hoa tượng đài Hoàng Văn Thụ, bên bờ sông Kỳ Cùng lan tỏa đến chân dốc Sài Hồ.
Theo Dân việt