Người đàn ông 39 tuổi bị hoại tử nặng cả 2 chân, nhập viện trong tình trạng vỡ loét, chảy mù và có mùi hôi.
Khoa Chấn thương – Chỉnh hình & Bỏng, BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh đang điều trị cho một trường hợp bị biến chứng nặng do tắc động mạch chi dưới.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thanh Tâm cho biết, bệnh nhân Vũ Văn H. 39 tuổi trú tại huyện Đông Triều, Quảng Ninh từng thấy bàn chân sưng, đau nhức từ lâu nhưng chủ quan không đi khám. Gần đây, tình trạng sưng đau dữ dội kèm theo hiện tượng vỡ loét, chảy mủ, bốc mùi hôi thối mới đến BV kiểm tra.
Hai bàn chân bệnh nhân bị hoại tử nặng nề, vỡ loét và bốc mùi do tắc động mạch chi dưới không được điều trị
Kết quả siêu âm Doppler động mạch, tĩnh mạch, chụp CT- Scanner cho thấy, bệnh nhân bị xơ vữa động mạch chân, hội chứng mạch tận.
Theo BS Tâm, sở dĩ bàn chân của người bệnh bị tổn thương nặng dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử là do trên nền bị xơ vữa động mạch chi dưới nhưng không được điều trị kịp thời gây viêm tắc mạch tận nuôi chi thể, hoại tử phần mềm vùng ngọn chi, sưng to đến mức vỡ, loét và bội nhiễm do vi khuẩn tấn công.
Do tổn thương quá nặng, bác sĩ buộc phải cắt bỏ phần bàn chân phải bị hoại tử và một phần cẳng chân bị ảnh hưởng. Chân bên trái đang có hiện tượng nhiễm trùng nhưng ở giai đoạn sớm vì vậy sẽ được điều trị bảo tồn.
Xơ vữa động mạch chi dưới là bệnh mạn tính, trong đó lòng động mạch bị hẹp gây giảm tưới máu cơ và các bộ phận liên quan phía hạ lưu.
Thiếu máu cơ sẽ dẫn đến chuyển hóa yếm khí, tăng acid lactic gây ra đau, lúc đầu xuất hiện khi gắng sức, về sau, đau cả khi nghỉ ngơi, kèm theo là các biểu hiện thiếu máu cục bộ như loạn dưỡng, loét, hoại tử.
Tỉ lệ bệnh nhân xơ vữa động mạch chân bị cắt chi sau 5 năm từ 2-7%, và sẽ tăng lên 12% sau 10 năm. Riêng với những trường hợp bị loét chân, đau chân ngay cả khi nghỉ, tỉ lệ phải đoạn chi sau 3 tháng là 12,2%.
Các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch gồm tuổi tác, thường gặp ở tuổi 55-60, do hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tăng homocystein máu.
Với bệnh lý xơ vữa động mạch, nếu không được điều trị sớm, bệnh nhân có thể tử vong vì các biến chứng ở tim như nhồi máu cơ tim, đột tử hay biến chứng tai biến mạch máu não.
Để tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra, BS khuyến cáo, khi mắc bệnh người bệnh không nên chủ quan, giấu bệnh hay tự điều trị khi không có sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.
Nguồn: vietnamnet