Người dân đang điêu đứng, đói khổ vì COVID-19. Do đó, phải rà soát, cắt bỏ 60% các thủ tục rườm rà, không cần thiết. Phải chấp nhận rủi ro, cắt giảm mạnh thủ tục để tiền hỗ trợ đến được tay người dân một cách nhanh nhất.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo như vậy tại buổi họp với lãnh đạo bộ và các cơ quan chuyên môn của Bộ vào trưa 2-7 để bàn giải pháp nhằm sớm triển khai nghị quyết 68 của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Bộ cũng lập ban chỉ đạo, giao việc cho từng người để triển khai gói hỗ trợ này trong thực tế với hiệu quả cao nhất.
Cắt giảm thủ tục, sớm đưa tiền hỗ trợ đến người dân
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đào Ngọc Dung khẳng định sẽ giản lược tối đa thủ tục, điều kiện làm sao cho đơn giản, thông thoáng nhất. Chẳng hạn, với gói hỗ trợ trước, thủ tục tiếp nhận, xem xét và giải quyết các hồ sơ là 4 ngày, nay cần rút xuống chỉ 1 ngày, cùng lắm là 2 ngày phải giải quyết, trả lời.
Nếu như trước đây cho tạm dừng đóng bảo hiểm phải có 4 thủ tục, nhưng tinh thần hiện nay là cái gì luật không bắt buộc thì không cần. Thậm chí, để đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ này, trung ương sẽ ứng trước một phần kinh phí cho các địa phương.
Đặc biệt, mỗi thứ trưởng được giao phụ trách một lĩnh vực, phải “đeo bám” và có trách nhiệm đến cùng.
“Tôi đã phát biểu trước Chính phủ rằng sẽ cắt giảm 2/3 thủ tục, vì vậy tinh thần là phải rà soát, mạnh dạn cắt bỏ 60% thủ tục rườm rà, không cần thiết. Chấp nhận rủi ro, cứ mạnh cắt giảm đi, làm sao tiền hỗ trợ nhanh nhất đến được người dân. Người dân đang điêu đứng, đói khổ vì COVID-19. Nếu có sai cũng là để cho người dân nhanh được hỗ trợ, đừng vì thủ tục chặt chẽ, rườm rà mà kéo dài thời gian nữa…” – ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Cũng theo chỉ đạo của Bộ trưởng Dung, các báo ngành, cổng thông tin của bộ cần mở ngay chuyên mục để giới thiệu chi tiết về nghị quyết, các chính sách mới cũng như tiếp nhận giải đáp các thắc mắc.
“Cần thiết lập ngay 3 số điện thoại đường dây nóng tại văn phòng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Thanh tra bộ để tiếp nhận, giải quyết các vấn đề liên quan đến gói hỗ trợ lần này. Văn phòng bộ cần tổng hợp kết quả hằng ngày, hằng tuần để báo cáo bộ trưởng, nếu có vướng mắc gì sẽ giải quyết ngay”, Bộ trưởng Dung yêu cầu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết quyết định của Thủ tướng lên tới 50 trang, nên cần khẩn trương bàn thảo, xây dựng trong 2 – 3 ngày tới, bất kể là ngày nghỉ.
“Làm đến đâu, chúng tôi sẽ gửi ngay sang Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp thẩm định luôn. Hy vọng đến cuối tuần sau sẽ xong để trình Thủ tướng ký ban hành quyết định triển khai gói hỗ trợ này…”, ông Thanh nói.
Ai được hỗ trợ, mức tối thiểu là bao nhiêu?
Thông tin tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng lần này (nghị quyết 68) có nhiều điểm mới so với gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng năm trước (nghị quyết 42).
Cụ thể, một “điểm nghẽn” của gói hỗ trợ lần trước là tiêu chí và mức hỗ trợ nhóm lao động không có hợp đồng (lao động tự do) và một số nhóm đặc thù khác nay đã được tháo gỡ. Chính phủ cũng đưa ra mức hỗ trợ tối thiểu, phân quyền về cho địa phương tự xây dựng.
Lao động tự do không còn nhận hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách với mức tối đa 1 triệu đồng/người/tháng kéo dài tối đa không quá 3 tháng như trước đây. Thay vào đó, các địa phương căn cứ điều kiện cụ thể, khả năng ngân sách địa phương để xác định người được hưởng và mức hỗ trợ cụ thể song không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người hoặc 50.000 đồng mỗi ngày. Chính phủ rất hoan nghênh các địa phương hỗ trợ cao hơn “mức sàn” quy định.
Nghị quyết mới cũng bổ sung nhiều nhóm thụ hưởng. Chẳng hạn, các F0 được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày tính từ thời điểm bùng phát dịch lần thứ tư (27-4) đến cuối năm 2021 song không quá 45 ngày (tương đương 3,6 triệu đồng), các F1 nhận hỗ trợ như F0 song không quá 21 ngày (1,68 triệu đồng).
Trẻ em bị COVID-19 hoặc cách ly y tế cũng được Nhà nước chi trả phí điều trị và tiền ăn, chưa kể mức hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/cháu trong thời gian điều trị, cách ly.
Giáo viên mầm non (kể cả trường công và tư thục), nghệ sĩ trong đơn vị nhà nước và hướng dẫn viên du lịch đều được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt.
Lao động nữ phải hoãn, ngừng, nghỉ việc không lương hoặc mất việc đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi hoặc mang thai còn được nhận thêm 1 triệu đồng ngoài các chính sách đã được hỗ trợ theo quy định.
Thay vì được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng như gói hỗ trợ trước, người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương sẽ được hỗ trợ một lần với mức 1,855 triệu đồng/người nếu nghỉ việc từ 15 ngày đến dưới 1 tháng, hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người nếu nghỉ việc từ 1 tháng trở lên.
Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hợp đồng lao động được hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người/lần duy nhất…
Nới lỏng điều kiện cho vay trả lương ngừng việc
Cũng theo nghị quyết 68, điều kiện cho doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đã được nới lỏng hơn. Theo đó, nguồn vốn vay vẫn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, doanh nghiệp không phải bảo đảm tiền vay nhưng giữ nguyên điều kiện không có nợ xấu. Gói hỗ trợ lần này cũng là lần đầu áp dụng chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Đã có 13,2 triệu người nhận tiền hỗ trợ
Người tàn tật đi bán vé số cần sự hỗ trợ của chính quyền và xã hội trong mùa dịch COVID-19. Trong ảnh: tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ P.5 (Q.Tân Bình, TP.HCM) tặng cơm chay cho người nghèo, người tàn tật đi bán vé số (ảnh chụp trên đường Hoàng Sa)
Sau hơn một năm triển khai nghị quyết 42 (gói 62.000 tỉ đồng), tính đến cuối tháng 5-2021 đã có gần 13,2 triệu người nhận được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt trích từ ngân sách nhà nước. Trong đó hơn 11,9 triệu người có công, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách nhận hỗ trợ gần 11.800 tỉ đồng.
Với nhóm lao động có hợp đồng phải hoãn, nghỉ việc không lương, bị chấm dứt hợp đồng hoặc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, chính sách đã hỗ trợ gần 229.000 người với tổng kinh phí trên 258 tỉ đồng. Với nhóm lao động tự do như người bán hàng rong, xe ôm không có hợp đồng lao động bị mất việc làm, đã hỗ trợ được hơn 1 triệu người với kinh phí trên 1.000 tỉ đồng; hơn 37.000 hộ kinh doanh tạm đóng cửa đã hỗ trợ hơn 37 tỉ đồng.
Giải thích lý do việc giải ngân toàn gói 62.000 tỉ đồng thấp, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng do gói hỗ trợ “chưa từng có tiền lệ”, nhóm hỗ trợ rộng, thuộc mọi thành phần kinh tế, trong khi chỉ có 2 – 3 tuần để nghiên cứu, ban hành chính sách ngay, khiến quá trình đánh giá tác động và lấy ý kiến góp ý chưa thực sự đầy đủ, chưa sát thực tiễn khiến người lao động khó tiếp cận. Bên cạnh đó, việc VN nhanh chóng khống chế được dịch bệnh cũng khiến gói hỗ trợ không phải giải ngân hỗ trợ…
Nguồn: vietnamnet