Từ thế thiểu số, dân châu Á được dự báo sẽ trở thành nhóm dân nhập cư lớn nhất tại Mỹ vào năm 2055, vượt qua nhóm dân nói tiếng Tây Ban Nha.
Trong một nghiên cứu mới, Trung tâm nghiên cứu Pew dự báo người châu Á sẽ chiếm 38% tổng số người nhập cư tại Mỹ trong 50 năm tới, trong khi nhóm dân nói tiếng Tây Ban Nha (chủ yếu từ Mỹ Latin) chỉ còn chiếm 31%.
Từ năm 2010, người châu Á nhập cư vào Mỹ nhiều hơn bất cứ nhóm nào khác. Trong giai đoạn 2000-2015, dân số châu Á tại Mỹ tăng 72%, từ 11,9 triệu người lên 20,4 triệu người; đây là tỉ lệ tăng trưởng nhanh nhất đối với một sắc dân chính, theo Pew.
Để so sánh, nhóm dân số nói tiếng Tây Ban Nha tăng 60% trong cùng giai đoạn, đứng thứ 2.
Một thời điểm cột mốc đối với Mỹ sẽ đến vào năm 2044, khi đó sẽ không có chủng tộc nào chiếm đa số. Hiện tại, có 20 triệu người Mỹ gốc Á – trên tổng số 323 triệu dân Mỹ – có cội nguồn từ hơn 20 quốc gia Đông, Đông Nam Á và Nam Á.
Một số sắc dân tăng nhanh nhất là người Bhutan, Neal, Myanmar; chậm nhất là Lào và Nhật Bản. Người gốc Hoa chiếm gần 1/4 dân số gốc Á, ở mức 4,9 triệu người.
Riêng người Mỹ gốc Việt đứng thứ 4 (sau người Hoa, Ấn Độ, Philippines), ở mức 1.980.000 người, theo số liệu năm 2015.
Cũng theo nghiên cứu của Trung tâm Pew, người Mỹ gốc Á được giáo dục tốt hơn các sắc dân khác, nên còn được mệnh danh là “nhóm thiểu số hình mẫu”. Hơn 50% người gốc Á tuổi 25 có bằng đại học hoặc cao hơn, so với chỉ 30% của những người Mỹ còn lại trong độ tuổi này.
Người Mỹ gốc Á đã trở thành một bộ phận của nền văn hóa và sự nghiệp của Mỹ, nhiều người thậm chí thăng tiến rất cao trong chính trị. Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao là người phụ nữ gốc Á đầu tiên được chỉ định một vị trí trong nội các chính phủ.
Bà Nimrata Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, là con của những người nhập cư từ Ấn Độ.
Có một điều đáng chú ý là nghiên cứu của Trung tâm Pew được công bố vào thời điểm chính quyền Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn làn sóng nhập cư. Tuần trước, Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter: “Nhập cư dây chuyền không thể được chấp nhận trong bất cứ dự luật nào!”.
Ý ông Trump nói đến người nhập cư bảo lãnh cho các thành viên gia đình đến Mỹ sau họ.
Rất tiếc là nền chính trị Mỹ luôn có mặt xấu của nó, nhưng tôi nghĩ bản chất tích cực hơn sẽ vượt lên về lâu dài”
Nghị sĩ Ro Khanna, một người Mỹ gốc Ấn thuộc Đảng Dân chủ
“Tôi nói với mọi người bố mẹ tôi nhập cư từ Ấn Độ, tôi được sinh ra ở Philadelphia, tôi 41 tuổi, và tôi đại diện cho một khu vực kinh tế hùng mạnh nhất nước Mỹ” – nghị sĩ Ro Khanna, đại biểu của khu vực Thung lũng Sillicon, tự hào.
“Nếu tôi sinh ra ở Ấn Độ, tôi không nghĩ tôi sẽ vào được nghị viện Ấn Độ. Vậy nên, về mặt nào đó hệ thống của Mỹ cực kỳ thoải mái với người nhập cư. Chúng ta là nền dân chủ cởi mở nhất trên thế giới” – nghị sĩ Khanna giãi bày.
Nguồn: tuoitre.vn