Chỉ có 9% thuốc mới có mặt tại Việt Nam trên tổng 460 loại được giới thiệu trên thị trường trong 10 năm qua khiến người bệnh chịu nhiều thiệt thòi.
Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ ban hành đầu tháng 3 vừa qua đã giúp tháo gỡ vướng mắc, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động khám chữa bệnh của các bệnh viện từ trung ương đến các địa phương. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có một hành lang pháp lý đủ mạnh, sát thực tiễn cuộc sống quy định trong Luật đấu thầu sửa đổi để không chỉ giúp ngành y tế hoàn thành tốt sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn đảm bảo quyền được tiếp cận nguồn thuốc tốt nhất, nhanh nhất phục vụ nhu cầu điều trị của người dân.
Chuyển biến từ cơ chế
Có thể nói, Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua đầu năm nay và Nghị quyết số 80/2023/QH15 về gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc; Nghị quyết số 30/NQ-CP về đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế; Nghị định 07/NĐ-CP với những sửa đổi về việc gia hạn giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất… là cơ sở pháp lý quan trọng giúp ngành y tế tháo gỡ được những bất cập do tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh suốt một năm qua, các bệnh viện nhanh chóng khôi phục hoạt động khám chữa bệnh trở lại bình thường.
Người dân có quyền được tiếp cận với nhiều loại thuốc mới.
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn về thể chế cho ngnh y tế bằng các quyết sách khẩn cấp và giải pháp căn cơ, dài hạn cho thấy những điểm tích cực cũng như hạn chế của Luật đấu thầu 2013 trong việc quản lý mua sắm nói chung và thuốc chữa bệnh nói riêng. Bộ Y tế cho biết thông qua đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2022, giá thuốc giảm 17,98%, tiết kiệm 1.419 tỷ đồng so với giá kế hoạch; giá biệt dược gốc (BDG) đối với hầu hết các nhóm điều trị chính tại Việt Nam cũng đã ở mức thấp của các nước trong khu vực ASEAN. Tỷ trọng sử dụng thuốc BDG tại các cơ sở y tế của Việt Nam là 11% – mức thấp so với trung bình 27,1% tại các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, người bệnh Việt Nam lại đang chịu nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận thuốc mới so với các nước trong khu vực. Năm 2022, chỉ có 9% thuốc mới có mặt tại Việt Nam (trên tổng 460 loại thuốc mới ra thị trường trong 10 năm, từ 2012- cuối 2021). Đây là một bất hợp lý cần khắc phục, nhất là trong bối cảnh đất nước đã phát triển, cuộc sống của người dân đã khá hơn, số người có khả năng chi trả cho việc điều trị bằng thuốc đắt tiền, các loại kỹ thuật cao ngày một nhiều hơn.
Hiện, 95% giường bệnh ở nước ta thuộc các bệnh viện công lập. Vì vậy, việc từng bước tháo gỡ những nút thắt thể chế trong quản lý mua sắm thuốc, vật tư y tế, nhất là các loại thuốc mới, biệt dược gốc theo tinh thần Luật Khám – Chữa bệnh sẽ quyết định đến khả năng gia tăng cơ hội tiếp cận thuốc mới của người bệnh và phương pháp điều trị tiên tiến cho bác sĩ.
Gỡ điểm nghẽn tiếp cận thuốc mới
Hiện nay, kết quả đấu thầu thuốc được dùng chung cho cả thuốc sử dụng và không sử dụng quỹ bảo hiểm y tế. Điều này khiến người bệnh có khả năng tự chi trả không được sử dụng các loại thuốc theo nhu cầu điều trị riêng. Bên cạnh đó, (khoản 76 điều 5), Nghị định 155/2018/NĐ-CP cũng quy định “các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên bệnh viện chỉ được mua thuốc đã trúng thầu ở chính cơ sở y tế đó, hoặc trúng thầu ở bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương trong vòng 12 tháng”.
Trên thực tế, quy định này chỉ phù hợp đối với nguồn thuốc mua từ ngân sách, quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Còn đối với những bệnh nhân tự chi trả, việc giới hạn không được mua thuốc theo nhu cầu là bất hợp lý. Đặc biệt là thuốc dùng cho những ca bệnh nặng, hiểm nghèo, khi bệnh nhân đứng giữa lằn ranh sống – chết cần dùng đến.
Do đó, thay đổi cơ chế để tăng khả năng tiếp cận các loại thuốc điều trị phong phú qua kênh cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh hết sức bức thiết, cần nhanh chóng thực hiện, nhằm nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nhất là khi nguồn kinh phí của các bệnh viện công, đâu chỉ từ ngân sách và quỹ BHYT mà còn có được từ hoạt động dịch vụ và những nguồn thu khác.
Trước thực trạng này, nội dung tại khoản 2, Điều 55 dự thảo ngày 5/4 của Luật Đấu thầu (sửa đổi) về Lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế: “Đối với việc mua thuốc không thuộc danh mục thanh toán bảo hiểm y tế, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, cơ sở y tế tự quyết định về hình thức, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu”, nếu được Quốc hội thông qua, được kỳ vọng sẽ từng bước khắc phục bất cập hiện nay với mục tiêu trên hết và trước hết là vì người bệnh.
Lợi cả đôi đường
Luật Khám – Chữa bệnh sửa đổi quy định quyền của người bệnh trong việc lựa chọn điều trị bằng phương pháp chất lượng cao, hiệu quả theo nhu cầu. Nếu có cơ chế thích hợp, hành lang pháp lý rõ ràng cho việc mua sắm thuốc từ nguồn thu dịch vụ hoặc các nguồn thu khác được thực hiện, sẽ giúp nâng cao khả năng tiếp cận, quyền lựa chọn thuốc của bác sĩ điều trị và bệnh nhân, đặc biệt là đối với những bệnh nhân tự nguyện chi trả (hiện có khoảng 30% BDG được dùng cho bệnh nhân qua kênh này).
Không những thế, việc này còn giúp bác sĩ và bệnh nhân tiếp cận nhiều hơn với những nghiên cứu, thông tin lâm sàng mới của các loại biệt dược gốc, góp phần nâng cao trình độ của bác sĩ, khuyến khích các công ty dược lớn trên thế giới đẩy mạnh đầu tư và chuyển giao công nghệ cho ngành dược trong nước phát triển.
Theo ước tính của Bộ Y tế, trong năm 2018 có khoảng 60.000 lượt bệnh nhân ra nước ngoài điều trị, làm “chảy máu” nguồn ngoại tệ khoảng 2 tỷ USD. Trong đó, Singapore đã tiếp nhận hơn 30.000 lượt người Việt Nam đi du lịch kết hợp khám chữa bệnh trong tổng số 400.000 lượt khách quốc tế. Thái Lan cũng đang là “vùng đất hứa” của người Việt tìm đến với hơn 17.000 người/năm.
Vì vậy, nâng cao tỷ lệ bệnh nhân được tiếp cận những loại thuốc tốt nhất và công nghệ mới nhất, phù hợp với nhu cầu điều trị, cũng góp phần thúc đẩy các công ty dược phẩm hàng đầu trên thế giới chú tâm đầu tư phát triển thị trường ở Việt Nam, đồng thời giữ chân được nhóm bệnh nhân có thu nhập cao lựa chọn chữa bệnh trong nước, giữ được một nguồn ngoại tệ đáng kể cho quốc gia. Điều này còn giúp Việt Nam xây dựng được hình ảnh của một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ trong lĩnh vực dược phẩm mà còn các lĩnh vực khác.
Cần nhanh chóng luật hóa cơ chế mua sắm thuốc phục vụ cho đối tượng bệnh nhân tự chi trả, song song với việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng và giá thuốc thông qua cơ chế quản lý cấp phép lưu hành và quản lý giá kê khai của Bộ Y tế. Việc này sẽ giúp đảm bảo quyền được tiếp cận và chọn lựa thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất, không bị giới hạn bởi các khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc của bác sĩ và bệnh nhân tự chi trả, tạo ra khả năng đa dạng hóa nguồn thuốc điều trị hiệu quả, nâng cao chất lượng y tế, khám chữa bệnh của quốc gia.
Nguồn: vietnamnet