Bắt đầu nghiên cứu phát triển đào tạo mở và giáo dục từ xa vào năm 1994, Trường ĐH Mở Hà Nội là ngôi trường đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách bài bản vào trong công tác dạy và học.

Cá nhân hóa việc học tới từng sinh viên

TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội nhớ lại những bước “sơ khai” khi trường bắt đầu tiếp cận với các khái niệm “đào tạo mở”, “giáo dục từ xa”.

“Là ngôi trường đầu tiên nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đào tạo, dù có nhiều bỡ ngỡ, nhưng chúng tôi nhận thấy đây là một bước ngoặt rất lớn. Ngay từ những giai đoạn đầu tiên, nhà trường đã chú trọng tới việc thực hiện cá nhân hóa học tập”.

Theo TS Tùng, trong xã hội học tập, mọi rào cản về tuổi tác phải được xóa bỏ. Tất cả mọi người đều có thể dễ dàng tiếp cận với bài giảng và tri thức mọi lúc, mọi nơi.

Vì thế, việc dùng công nghệ để “đón đầu” sẽ giúp người học dễ dàng tiếp cận với tri thức và giáo viên cũng có thể tiếp cận tới từng sinh viên.

Giáo trình của người thầy giờ đây không chỉ là một cuốn sách mà còn là những bài giảng điện tử có yếu tố đa phương tiện như video minh họa, đồ họa. Sinh viên cũng có thể dễ dàng tương tác lại với thầy cô.

Cũng do nhu cầu học tập và năng lực tiếp thu của mỗi sinh viên không giống nhau, người thầy sẽ có vai trò cung cấp một “siêu thị thông tin” – tức tài nguyên giáo dục mở, và sinh viên có thể tự xây dựng chương trình riêng cho mình.

“Rõ ràng, hệ thống công nghệ thông tin đang góp phần vào việc giúp người học không còn giới hạn việc tiếp thu tri thức trong lớp mà bắt đầu có những cách thức đưa tri thức lên điện toán đám mây. Từ đó, học trò khi cần thiết có thể lên điện toán đám mây để lấy giáo trình phù hợp về”.

Ngôi trường 'hái quả ngọt' nhờ chuyển đổi số từ 20 năm trước

TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội 

Ông Tùng cho biết, ý tưởng về việc phát triển đào tạo trực tuyến của nhà trường ban đầu nhằm mục đích hỗ trợ việc cá nhân hóa trong quá trình học tập. Tuy nhiên, sau quá trình triển khai, nhà trường nhận thấy việc đào tạo trực tuyến còn đem lại nhiều giá trị hơn nữa, đặc biệt trong việc sinh viên có thể nghe đi nghe lại ở bất kỳ đâu, trong thời gian nào.

Tuy nhiên theo ông, với hình thức này, sinh viên cần phải chủ động hơn rất nhiều.

“Trước đây, học trò có thầy cô đốc thúc; lên lớp có kiểm tra bài cũ. Bây giờ, người học phải chủ động hơn. Mỗi sinh viên khi vào trường đều được cấp một tài khoản riêng. Ở đó, sinh viên phải chủ động vào thư viện chung để tìm kiếm sách để nghiên cứu.

Tất nhiên, hiện nay, hệ thống quản lý sinh viên học từ xa của Trường ĐH Mở Hà Nội cũng đủ thông minh hơn để nhắc nhở sinh viên tham gia vào quá trình học. Nhưng để có thể lấy được tấm bằng tốt nghiệp, sinh viên vẫn cần phải có được kế hoạch học tập rõ ràng, khoa học.

Chúng tôi có một đội ngũ cố vấn học tập nhiệt tình, nhiều kinh nghiệm để hỗ trợ người học xây dựng kế hoạch này mọi lúc, mọi nơi thông qua các kết nối của hệ thống quản lý và đào tạo trực tuyến”.

Ngôi trường 'hái quả ngọt' nhờ chuyển đổi số từ 20 năm trước

Từ năm 1994, Trường Đại học Mở Hà Nội đã được giao chủ trì các Hội thảo quốc tế về Giáo dục mở và đào tạo từ xa

Môi trường học tập thay đổi, người thầy cũng cần phải tự chuyển mình. Và, muốn học được qua công nghệ, trước tiên cả người dạy lẫn người học cần cần phải biết sử dụng công nghệ. Vì thế, ngay từ những giai đoạn đầu, Trường ĐH Mở Hà Nội đã mở những lớp học miễn phí cho cán bộ, giảng viên để họ có thể sử dụng công nghệ tốt hơn.

“Gần 30 năm tiên phong trong giáo dục mở, hiện nay chúng tôi có gần 15.000 sinh viên đang theo học hệ đào tạo trực tuyến”, ông Tùng nói.

“Lớp học ảo” như “không gian thật”

Để thành công với mô hình đào tạo trực tuyến, theo ông Tùng, cần phải tạo ra một môi trường giống như lớp học truyền thống. Ở đó vẫn phải có lớp học tồn tại và dưới dạng lớp học ảo; có môi trường để sinh viên học tập ở nhà; có môi trường để học trò trao đổi với thầy giáo, làm bài tập nhóm với các bạn trong lớp và có một hệ thống quản lý để quản lý sinh viên.

Bên cạnh đó, cần phải xây dựng được hệ thống học liệu điện tử phục vụ cho quá trình học.

“Hiện nay, chúng tôi đang trong quá trình xây dựng các app học tập trên điện thoại. Trong tương lai, sinh viên hoàn toàn có thể tự học trên ứng dụng này”, ông Tùng nói.

Ngôi trường 'hái quả ngọt' nhờ chuyển đổi số từ 20 năm trước

Trường quay giảng dạy trực tuyến với học liệu mở của Trường Đại học Mở Hà Nội

Cũng theo ông Tùng, Trường ĐH Mở Hà Nội đã đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ đào tạo tiên tiến, đồng bộ phục vụ cho việc giảng dạy với 3 trường quay hiện đại phục vụ đào tạo trực tuyến, 2 phòng phát triển nội dung, 7 server với các thiết bị mạng, 18 phòng công nghệ với hơn 100 máy tính bảng, camera chuyên nghiệp và gần 500 máy tính đồng bộ cấu hình cao được trang bị tại các địa điểm học tập. Mức kinh phí đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất này lên tới 5 triệu USD.

Bên cạnh đó, tại khu vực các phòng studio phục vụ giảng dạy trực tuyến của trường cũng được kết nối với các lớp học tại địa phương rất xa như Điện Biên, Đà Nẵng.

Theo ông Tùng, việc đầu tư này tuy đắt đỏ, nhưng nếu có thể “phủ sóng” trên diện rộng, lợi ích mang lại cũng rất lớn.

“Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào công tác dạy và học sẽ giúp cho người học dễ tiếp cận bài giảng và tri thức; xóa đi những rào cản về không gian và thời gian, tạo ra sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho tất cả mọi người”, ông Tùng khẳng định.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : chuyển đổi sốĐại học mở Hà nộigiáo dục đại họcngôi trường

Các tin liên quan đến bài viết