Kỷ niệm 93 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2018), Báo Bình Phước đã mời những cộng tác viên (CTV) tiêu biểu, xuất sắc dự họp mặt thân mật. Trong số 30 CTV dự họp mặt, rất nhiều anh, chị em phóng viên ở đài truyền thanh – truyền hình các huyện, thị xã không quản đường xa đến chung vui. Tuy chưa được cấp thẻ nhà báo nhưng họ luôn gắn bó, say nghề và trách nhiệm cao với Báo Bình Phước.
>>Dấu ấn làm báo trên quê hương Bình Phước
CỘNG TÁC VIÊN ĐA NĂNG
Gắn bó với Báo Bình Phước trên 15 năm, CTV Châu Anh Thắng, bút danh Anh Thắng, Đài Truyền thanh – Truyền hình (đài) huyện Bù Đăng luôn gửi tin, bài về tòa soạn đều đặn, phản ánh sinh động tình hình hoạt động của lãnh đạo địa phương, tai nạn giao thông, tin phát hiện tại cơ sở… Anh Thắng cho biết, đài huyện có số lượng biên chế rất ít, đội ngũ phóng biên, biên tập viên còn ít hơn. Riêng Đài Bù Đăng hiện không có biên chế phóng viên, anh là nhân viên hợp đồng, nhiệm vụ chính là phát thanh viên nhưng do đài không đủ người nên anh phải kiêm từ việc quay phim, viết tin, bài, đọc phát thanh, xử lý kỹ thuật âm thanh và cả mở máy phát sóng. Anh Thắng tốt nghiệp ngành học Báo chí, đam mê quay phim và thích làm công việc của một kỹ thuật viên truyền hình hơn. Do yêu cầu thi đua của ngành phát thanh – truyền hình tỉnh (mỗi tháng, mỗi đài huyện, thị phải có ít nhất 12 tin và 2 bài, phóng sự gửi phát trên đài tỉnh) nên khó mấy cũng phải làm. “Do quen viết cho phát thanh – truyền hình nên những tin, bài gửi báo in tôi đều phải sửa hoặc viết lại nhiều. Khó nhất vẫn lỗi câu, lặp từ khi diễn đạt. Báo in thì độ chính xác của số liệu đòi hỏi cao hơn, ít được làm tròn như phát thanh – truyền hình. Lượng thông tin cũng phải nhiều, trong khi yêu cầu viết ngắn, gọn, súc tích là điều không đơn giản” – Anh Thắng chia sẻ.
Cộng tác viên Anh Thắng (bìa phải) cùng đồng nghiệp Đài Truyền thanh – Truyền hình Bù Đăng
Nhưng rồi lòng đam mê đã giúp anh vượt qua mọi khó khăn để mỗi ngày tác phẩm được nâng lên cả về chất và lượng. Ngoài gửi về tòa soạn thể loại báo in, Anh Thắng cũng có một số clip truyền hình cộng tác trên báo điện tử Bình Phước.
DẤN THÂN VÌ NGHIỆP BÁO
Được đánh giá là một trong những CTV xuất sắc nhiều năm của báo, tác giả Kim Phụng, Đài Truyền thanh thị xã Đồng Xoài thường có nhiều bài viết chất lượng. Thời gian qua, tác giả Kim Phụng đã có nhiều tác phẩm hay trong lĩnh vực giáo dục, kinh tế, bên cạnh đó còn có một số tác phẩm mang tính chuyên sâu như phóng sự điều tra, phản biện xã hội…
Anh cho biết: “Hằng ngày, chúng tôi phải đưa tin hội nghị nhiều, đặc biệt là dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, hội nghị sơ kết 6 tháng hoặc tổng kết năm của các cơ quan, đơn vị thì hầu như chỉ viết tin. Tuy nhiên, vì sự đam mê nghề, chúng tôi đầu tư viết bài, phóng sự về những vấn đề xã hội quan tâm. Để có những tác phẩm được người đọc chú ý, phải tìm kiếm thông tin, dữ liệu chính xác, nhiều khi cần đến cả sự dấn thân”.
Là một trong những CTV nữ nổi bật, tác giả Minh Hiền, Đài Đồng Phú thường xuyên có những bài viết cả về lĩnh vực kinh tế và xã hội, được Ban biên tập đánh giá cao. Hiền có sức viết khỏe, tin, bài cộng tác thường xuyên, câu từ chỉn chu và có tố chất làm báo. Hiền chia sẻ: “Để đạt được kết quả tốt trong công việc, nữ phóng viên vất vả hơn nam giới nhiều, nhất là chuyện nội trợ, chăm con nhỏ. Nhiều khi phải vừa viết vừa trông con, làm nội trợ, vừa lo lắng công việc cơ quan… Tôi thường viết bài vào lúc khuya, khi chồng con đã ngủ, dù vất vả nhưng tôi rất yêu công việc này”.
Là người hằng ngày biên tập, xử lý tin, bài, nhà báo Hoàng Thu, Trưởng phòng Thư ký tòa soạn cho biết: “Ngày càng có nhiều CTV viết chất lượng. Trước đây, CTV chủ yếu viết tin thì nay số lượng bài đã tăng lên đáng kể, trong đó nhiều bài được chọn làm bài “đinh”. Tuy nhiên, hạn chế của hầu hết CTV là viết còn dài dòng, ít có những so sánh, đánh giá, bình luận sâu làm nổi bật vấn đề. Do hầu hết CTV “nằm vùng” nên phát hiện được nhiều đề tài rất hay nhưng lại hạn chế trong khai thác để thể hiện tác phẩm chất lượng hoặc có những đề tài nhạy cảm, sợ “đụng chạm” nên không dám viết”.
Nhà báo Trịnh Thị Tâm, Phó tổng biên tập chia sẻ: “Tôi luôn đánh giá cao vai trò của CTV đối với sự phát triển của báo. Lực lượng này không chỉ cung cấp số lượng tin, bài rất nhiều từ cơ sở mà còn làm phong phú thêm cho tờ báo, bởi những giọng điệu riêng biệt của từng CTV. Một số CTV thể hiện tốt kinh nghiệm, xông xáo và nhạy bén đã có những tin, bài kịp thời phản ánh vấn đề mang hơi thở cuộc sống hoặc sự kiện như thiên tai, hỏa hoạn… Đặc biệt là những CTV ở huyện xa như Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập đã kịp thời gửi tin, bài về tòa soạn, họ là “cánh tay nối dài” của báo”.
Đánh giá cao và luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với đội ngũ CTV, mỗi lần họp mặt, Tổng biên tập Đoàn Như Viên đều hỏi thăm từng người và gợi ý những đề tài cần tập trung tuyên truyền trong thời gian tới. Nhiều CTV bày tỏ xúc động, khi biết nhà báo Đoàn Như Viên luôn dành một phòng nghỉ cho CTV ở xa và căn dặn anh em hãy coi Báo Bình Phước là nhà của mình để ngày càng gần gũi, gắn bó hơn. Các chế độ nhuận bút, khen thưởng, báo biếu của CTV luôn được quan tâm, nhắc nhở để không bị nhầm lẫn, thiếu sót. Với nhiều CTV, Báo Bình Phước đã thực sự là ngôi nhà chung của những người đam mê nghiệp báo.
Theo Báo Bình Phước