Trong cuộc hội thảo quốc gia mới đây tại Sầm Sơn, một số tác giả sau khi trình bày tham luận đã đề nghị mọi người ‘tham góp cho bài viết được hoàn thiện’.
Muốn tìm hiểu nghĩa của từ “tham góp” quá mới mẻ, chúng tôi lần giở nhiều từ điển cũng không hề tìm thấy từ ấy, sau nhờ TS ngôn ngữ học H.X.T. ở ĐH Thủ Dầu Một giải thích mới lờ mờ đoán và hiểu ra rằng: “tham góp” có lẽ là dạng rút gọn của tổ hợp từ “tham gia góp ý”, hoặc “góp ý cho tham luận” (không biết có phải không!?).
Người viết bài này từng hết sức ngạc nhiên, ngơ ngác khi nghe mấy bạn trẻ nói tiếng Bắc trò chuyện với nhau dùng từ “dư lào”, về sau suy luận mãi mới hiểu ra đó là dạng rút gọn (có trại âm) của tổ hợp “như thế nào”!
ĐỖ THÀNH DƯƠNG
Nhiều từ rút gọn tùy hứng
“Rút gọn” (hay giản lược) là hiện tượng phổ biến của mọi ngôn ngữ, không chỉ có ở tiếng Việt, là một nhu cầu trong diễn đạt và giao tiếp; nhằm giảm thiểu lượng ngôn từ, giúp việc diễn đạt gọn lại nhưng vẫn giữ được đầy đủ ý nghĩa, làm cho người nghe vẫn hiểu đúng lời của người nói, đạt hiệu quả cao trong giao tiếp.
Đồng thời rút gọn từ còn là một cách tạo từ mới. Yêu cầu đặt ra là từ mới ấy phải ổn định, nhanh chóng trở nên phổ biến, nói chung có thể nghe hiểu và đọc hiểu được mà không cần gắn với một văn cảnh cụ thể. Việc tạo từ mới kiểu này còn có trường hợp chưa được cộng đồng chấp nhận, tuy nhiên nó vẫn đang tiếp diễn và dần dần đi vào ổn định.
Nhưng cách rút gọn thành từ “tham góp” như trên, theo chúng tôi, chưa đáp ứng các yêu cầu tạo từ mới – từ rút gọn.
Tham khảo thêm các văn bản khác, chúng tôi dễ dàng nhặt ra nhiều từ rút gọn tùy hứng, lộn xộn, bất hợp lý, gây phản ứng khác nhau trong dư luận, thậm chí có trường hợp gây phản cảm.
Như các từ chăm bồi (chăm sóc và bồi dưỡng), cụ tỉ (cụ thể và tỉ mỉ), sơ nét (sơ qua vài nét), cô súc (cô đọng và súc tích), lãnh đội (lãnh đạo đội), thanh thải (thanh lý, thải loại)…
Thiếu đói = no?
Rút gọn từ là xu hướng tự nhiên, không thể cưỡng lại được. T
uy nhiên, từ rút gọn cần dễ hiểu, tránh trường hợp thái quá, tùy tiện như những câu chuyện hài hước về rút gọn từ, kiểu như trung cấp, cao đẳng, đại học, bồi dưỡng, bổ túc rút gọn thành “trung cao đại bồi bổ”; ngoan ngoãn và cố gắng rút gọn thành “ngoan cố”; đào tạo, bồi dưỡng thành “đào bồi”… và trong quá trình vận dụng rút gọn từ, nếu quá lạm dụng, tùy hứng sẽ gây ra phản cảm, hiệu ứng ngược.
Có nhà ngôn ngữ học từng tỏ ý không đồng tình với việc dùng từ “thiếu đói” (thiếu ăn và đói ăn) trong phát ngôn “Không được để bà con sau bão lũ thiếu đói” vì cho rằng: theo trật tự kết hợp trong tiếng Việt thì nghĩa của từ “thiếu đói” là ít đói, là không đói lắm, tức là no!
Cũng cần lưu ý thêm trường hợp những từ Hán Việt vốn có sẵn, mang nghĩa cổ khác biệt, ít dùng, nay được dùng nhiều dễ gây lầm tưởng chúng là những từ rút gọn mới (vì cấu trúc của nó tương đối giống từ rút gọn, nhưng dùng với nghĩa mới) như: tuyên giáo vốn có nghĩa là “truyền đạo” [Nguyễn Văn Khôn (1960), Hán Việt từ điển, Nhà sách Khai Trí] nay được dùng với nghĩa là tuyên truyền, giáo dục; tương tự một số từ khác như quan ngại: “ngăn cản, trở ngại” → quan tâm, lo ngại; trân quý: “quý báu” → trân trọng, quý mến; thục luyện: “thành thuộc và lão luyện” → luyện tập cho thành thục; vi diệu: “mầu nhiệm, huyền diệu” → tinh vi, kỳ diệu; vấn nạn: “hỏi vặn” → vấn đề tệ nạn (?)…
Rút gọn từ không phải là hiện tượng mới mẻ trong tiếng Việt, nhưng trước thực tế xuất hiện nhiều kiểu rút gọn “lạ lẫm” hiện nay, có lẽ mọi người cũng nên quan tâm cân nhắc khi sử dụng nhằm đưa xu hướng trên vào “quỹ đạo”, có quy củ và giữ được sự trong sáng của tiếng Việt.
Nhiều trường hợp từ rút gọn đã dần được xã hội chấp nhận và sử dụng rộng rãi, phổ biến trong nhiều phong cách ngôn ngữ như: khoa giáo (khoa học, giáo dục), điều nghiên (điều tra, nghiên cứu), kích cầu (kích thích nhu cầu tiêu dùng), tham vấn (tham gia, tư vấn), khiếu kiện (khiếu nại, kiện tụng), bàn thảo (bàn bạc, thảo luận), thiếu nhi (thiếu niên, nhi đồng), công nông binh (công nhân, nông dân, binh lính), nhắc nhớ (nhắc lại cho nhớ)…
Nguồn: tuoitre.vn