Đối với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, mối nguy chiến tranh hạt nhân không nghiêm trọng bằng tác động của biến đổi khí hậu.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken
Xuất hiện trên chương trình 60 Minutes của Đài Nine Network (Úc) ngày 30-7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được hỏi giữa chiến tranh hạt nhân và biến đổi khí hậu, đâu là mối nguy lớn hơn với nhân loại.
“Tôi nghĩ chúng ta không thể xếp theo hệ thống cấp bậc – Đài Sputnik dẫn lời ông Blinken – Dù còn các xung đột tiềm ẩn, nhưng chắc chắn rằng biến đổi khí hậu là thách thức hiện hữu đối với tất cả chúng ta”.
“Vì vậy, đối với chúng tôi, đây là thách thức của thời đại này”, ông Blinken tiếp tục, đồng thời nói thêm rằng điều này “không có nghĩa là trong thời gian chờ đợi không có những thách thức nghiêm trọng đối với trật tự quốc tế như hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine”.
Tháng 7 này là tháng nóng nhất trong lịch sử. Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi “tăng tốc hành động” để giảm lượng khí thải carbon, bao gồm ngừng sử dụng than trên toàn cầu vào năm 2040.
Đầu mùa hè này, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ, ông John Kerry đã đề nghị đại tu hệ thống nông nghiệp của thế giới để giảm lượng khí thải từ canh tác, nhằm ngăn chặn Trái đất nóng lên.
Tuy nhiên, tại Ukraine, chính quyền của Tổng thống Joe Biden tiếp tục chính sách hỗ trợ không giới hạn cho quân đội Ukraine. Mỹ và các đồng minh NATO đã trang bị cho Ukraine tên lửa tầm xa và hiện đang thảo luận về việc cung cấp máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất cho Kiev, trong bối cảnh Matxcơva liên tục cảnh báo rằng những vũ khí như vậy làm tăng đáng kể khả năng xảy ra cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây.
Ngoài ra, ngày 13-3, Chính phủ Mỹ đã phê duyệt một dự án khoan dầu lớn và gây tranh cãi ở bang Alaska.
Cụ thể, Bộ Nội vụ Mỹ đã cho phép triển khai hoạt động khoan dầu tại 3 địa điểm ở Tây Bắc Alaska, trong khuôn khổ dự án Willow do Tập đoàn năng lượng ConocoPhillips thực hiện.
ConocoPhillips cho biết tổng sản lượng dầu dự kiến đạt khoảng 600 triệu thùng trong suốt vòng đời của dự án, với sản lượng theo ngày đạt mức cao nhất là 180.000 thùng.
Điều đáng nói là dự án này có thể thải ra gần 280 triệu tấn khí nhà kính vào bầu khí quyển. Con số này tương đương bổ sung thêm 2 nhà máy nhiệt điện than mới mỗi năm ở Mỹ.
Hơn nữa, nhiệt độ tại Alaska đang tăng nhanh hơn các khu vực khác trên Trái đất. Các nhóm môi trường đã cảnh báo dự án khai thác dầu trên có nguy cơ khiến tình hình trầm trọng hơn.
Nguồn: tuoitre.vn