Mỹ đang do dự trong việc gia tăng các lệnh trừng phạt năng lượng nhằm vào Nga trong khi Moscow đang chuyển hướng ngoại giao khí đốt sang khu vực châu Á.
Ngày 14/10, liên Bộ Tài chính, Thương mại và Ngoại giao của Mỹ đã ban hành một báo cáo chi tiết cho thấy các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu của nước này đã hạn chế khả năng tiến hành cuộc chiến của Nga ở Ukraine như thế nào.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang chuyển hướng xuất khẩu khí đốt sang châu Á.
Theo đó, mặc dù Washington thực hiện các biện pháp sâu rộng, nhưng Moscow được cho là đã sử dụng các phương thức thay thế để làm thất bại các sáng kiến chống Nga của phương Tây. Nga vẫn hưởng lợi từ giá năng lượng cao, kho dự trữ ngoại hối và đồng rúp ổn định.
Tuy nhiên, Mỹ ít đả động đến lĩnh vực năng lượng của Nga. Kể từ tháng 3, ngoài hạn chế nhập khẩu, Mỹ hành động không đáng kể để giải quyết khoản lợi nhuận Nga thu được từ năng lượng.
Vào tháng 5, truyền thông tiết lộ chính quyền Biden ấp ủ một kế hoạch nhằm làm tê liệt nguồn thu từ dầu mỏ của Nga. Tuy vậy, để tránh xung đột với các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, Washington đã hoãn lại.
Với việc hai cường quốc châu Á đang tận dụng lợi thế từ việc giảm giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, hành động áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung có thể gây bất ổn thị trường.
Ở diễn biến khác, Nga đã chuyển hướng thiết lập quan hệ đối tác hợp tác năng lượng với châu Á thông qua những kế hoạch “tạo ra công suất phát điện, xây dựng nhà máy điện hạt nhân và giới thiệu công nghệ kỹ thuật số” được Tổng thống Putin đề xuất tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-Trung Á ngày 14/10.
Theo đó, Nga ủng hộ và tài trợ xây dựng các đường ống dẫn khí đốt khắp châu Á theo các tuyến Đông-Tây, Bắc-Nam và châu Âu-Tây Trung Quốc. Tuyến cuối đáng chú ý hơn cả, do vài tháng qua, Trung Quốc đã bán LNG thặng dư mua từ Nga cho các nước châu Âu.
Đồng thời, Tổng thống Putin cũng đề xuất với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan để Istanbul trở thành trung tâm xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu. Ông chủ điện Kremlin cũng thảo luận về việc phát triển các nguồn dự trữ năng lượng ở biển Caspi.
OPEC+, trong đó Nga là thành viên, đã cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày vào đầu tháng 10. Moscow đồng thời thúc đẩy hợp tác năng lượng với Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Qatar để mở rộng ảnh hưởng của Nga với các quốc gia có thể cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Khủng hoảng năng lượng là vấn đề cấp thiết tại châu Âu ngay lúc này. Giá năng lượng liên tục lập đỉnh, chi phí sinh hoạt và vận hành doanh nghiệp tăng cao. Đời sống người dân và doanh nghiệp khó khăn có nguy cơ gây khủng hoảng xã hội sâu sắc. Dư luận, vì vậy, sẽ tác động ít nhiều đến quyết định của các nước phương Tây liệu có tiếp tục viện trợ cho Ukraine hay không.
Nguồn: vietnamnet