Phát hiện của các nhà khoa học Nhật Bản xác nhận cảnh báo trước đó của CDC Mỹ và nhiều nơi khác rằng chủng Delta không những dễ lây mà còn có độc lực cao hơn các chủng virus khác.
Theo Đài NHK, nhóm nghiên cứu của giáo sư Sato Kei, từ Viện Khoa học y khoa Đại học Tokyo, vừa công bố báo cáo mới liên quan đến virus SARS-CoV-2 biến thể Delta.
Theo đó, nhóm ông Sato đã tạo ra virus mang đột biến P681R đặc trưng của Delta trong phòng thí nghiệm. Họ nhận thấy hợp bào (syncytia) tạo ra bởi các tế bào nhiễm virus có kích thước to gấp 2,7 lần so với (nếu) nhiễm các biến thể khác.
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng hợp bào hình thành do virus càng to thì càng dễ gây bệnh. Trong phòng thí nghiệm, chuột nhiễm virus mang đột biến P681R gầy đi đáng kể – mất thêm 4,7% đến 6,9% cân nặng so với nhiễm biến thể khác.
Trước đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ đánh giá Delta có mức độ lây tương đương với virus gây bệnh thủy đậu – một trong những virus có mức độ truyền nhiễm cao nhất, đồng thời lây nhanh hơn virus cúm mùa, virus cúm Tây Ban Nha (gây đại dịch năm 1918) và virus đậu mùa.
Ngoài khả năng lây lan gia tăng, độc lực của Delta “có vẻ như mạnh hơn chủng gốc”.
Ngoài phát hiện trên, nhóm khoa học Nhật Bản còn công bố biến thể Lambda – ghi nhận lần đầu ở Peru và đang lây lan mạnh ở Mỹ Latin – lây nhiễm mạnh hơn và kháng vắc xin hơn so với chủng gốc phát hiện ở Vũ Hán.
Cụ thể, họ nhận thấy ba đột biến trên protein gai của Lambda – gồm RSYLTPGD246-253N, 260 L452Q và F490S – giúp nó lẩn tránh kháng thể do vắc xin tạo ra; đột biến T76I và L452Q thì tăng khả năng lây nhiễm.
Trong báo cáo đăng trên trang bioRxiv, các nhà nghiên cứu cảnh báo việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gắn mác “biến thể gây chú ý” đối với Lambda thay vì “biến thể đáng quan ngại” có thể khiến người ta không nhận ra mối nguy hiểm của nó.
Mặc dù chưa thể so sánh giữa Delta và Lambda, giáo sư Sato Kei nhận định “Lambda có thể là mối đe dọa tiềm tàng với nhân loại”.
Nguồn: tuoitre.vn