Trong dịch COVID-19, nhiều người ở Thái Lan đã đổi nghề, làm tự do, bị sa thải trong khi lao động nước ngoài phải về nước và không thể quay lại. Tỉ lệ thất nghiệp tại nước này đang ở mức cao nhất trong 10 năm qua.
Ngày 17-1, báo Bangkok Post dẫn số liệu từ Liên hiệp Công thương Thái Lan (EconThai) cho thấy tỉ lệ thất nghiệp tại Thái Lan tăng nhanh sau 2 năm lên mức 4,58%, tương đương 1,77 triệu người. Đây là mức cao nhất trong một thập kỷ qua.
“Thái Lan có tỉ lệ thất nghiệp cao và đang tăng, điều đó thể hiện nền kinh tế chưa hồi phục và có thể gặp thêm rắc rối vì biến thể Omicron”, ông Tanit Sorat – phó chủ tịch EconThai – thông tin.
Bức tranh lao động ở Thái Lan có sự thay đổi lớn trong dịch COVID-19. Những người thất nghiệp đang chuyển sang làm việc tự do hoặc tự kinh doanh.
“Trong khi tình hình du lịch vẫn bấp bênh, 50% những người đã bị sa thải hoặc phải nghỉ việc trong thời kỳ đại dịch đã quyết định không quay trở lại”, bà Marisa Sukosol Nunbhakdi, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Lan, đưa dẫn chứng.
Trong khi đó, những lao động nhập cư về nước trong đợt dịch từ năm ngoái đến nay vẫn chưa trở lại do các biện pháp hạn chế đi lại giữa các nước.
Đến nay, nhiều công ty, đặc biệt trong các lĩnh vực như du lịch, chế biến thực phẩm, ngư nghiệp, không thể tìm đủ người lao động.
Việc Thái Lan chuẩn bị bước vào đợt dịch thứ 5 do biến thể Omicron càng khiến thị trường lao động thêm nhiều lo ngại trong những tháng tới, theo báo Bangkok Post.
Về lâu dài, trong 2 thập kỷ tới, tình trạng già hóa dân số cũng khiến Thái Lan mất đi hàng triệu lao động.
Theo Hội đồng Kinh tế xã hội quốc gia Thái Lan, số dân trong độ tuổi lao động ở nước này dự kiến giảm từ 43,2 triệu vào năm 2020 xuống còn 36 triệu vào năm 2040. Tỉ lệ sinh ở Thái Lan cũng tuột xuống mức kỷ lục trong năm 2021 và sẽ tiếp tục đà giảm trong năm nay.
Sau dịch, việc đảm bảo có đủ nhân lực lao động sẽ là yếu tố then chốt đối với nền kinh tế Thái Lan. “Một số quốc gia có thể tái áp đặt các biện pháp hạn chế và việc phục hồi kinh tế của Thái Lan có thể bị chậm lại”, ông Supant Mongkolsuthree, lãnh đạo Liên đoàn Các ngành công nghiệp Thái Lan, nói thêm.
Ông Tanit đề xuất Chính phủ Thái Lan lập các trung tâm lao động nhập cư ở khu vực biên giới để giúp những người từng làm việc ở Thái Lan muốn quay trở lại.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng kêu gọi chính phủ củng cố các chương trình đào tạo cho người thất nghiệp và có các biện pháp dài hạn để đảm bảo nguồn lao động trong tương lai.
Nguồn: tuoitre.vn