Nghị định số 191/2013/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 27-11-2013 và có hiệu lực từ ngày 10-1-2014. Tại Điều 4 của nghị định này có viện dẫn quy định tại Khoản 2, Điều 26, trong Luật Công đoàn, để yêu cầu doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế không phân biệt là đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở vẫn phải nộp kinh phí công đoàn.
Cụ thể, Điều 4 của Nghị định số 191/2013/NĐ-CP có nội dung như sau: Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, bao gồm: Cơ quan nhà nước (kể cả UBND xã, phường, thị trấn), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã. Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam. Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Như vậy, viện dẫn này cho thấy không ổn về căn cứ pháp lý. Vì trong Luật Công đoàn, mà cụ thể là Điều 26 quy định về tài chính công đoàn có ghi: Tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau đây: Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, DN đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động (NLĐ); Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ; Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Như vậy, trong nội dung của Khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn không hề quy định là buộc các nơi chưa thành lập công đoàn phải nộp công đoàn phí. Ngoài ra, tại Điều 6 của Luật Công đoàn quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn cũng đã ghi rõ: Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Với quy định cụ thể này cho thấy “công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện”, do đó vẫn có thể hiểu rằng tại các doanh nghiệp, người lao động tự nguyện không thành lập công đoàn là chuyện bình thường. Và một khi họ đã không thành lập công đoàn thì làm sao bắt họ nộp kinh phí công đoàn cho được?
Và theo quy định tại Điều 4 của Nghị định số 191/2013/NĐ-CP, tổ chức hợp tác xã là nơi mọi xã viên có sự bình đẳng với nhau chứ không phải quan hệ chủ thợ hay người lao động với người sừ dụng lao động, nên hoạt động công đoàn ở đây liệu có cần thiết và có phù hợp? Thế nhưng hợp tác xã, đơn vị vũ trang nhân dân đều là đối tượng phải nộp công đoàn phí bất kể có hay không có tổ chức công đoàn như yêu cầu của Nghị định 191/2013/NĐ-CP là thiếu tính thuyết phục. Ví dụ, một doanh nghiệp hay một hợp tác xã siêu nhỏ chỉ có 5 đến 7 công nhân, xã viên nhưng nếu không thành lập công đoàn cơ sở thì người chủ hay hợp tác xã vẫn phải trích 2% quỹ lương để đóng phí công đoàn thì quả là thuyết phục. Vì quỹ lương ở đây là quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động. Hay một DN có vốn đầu tư nước ngoài trong năm đầu tiên hoạt động chưa có tổ chức công đoàn cơ sở nhưng nhà đầu tư vẫn phải trích 2% quỹ lương để nộp công đoàn phí. Và quy định này quả là khó cho nhà đầu tư trong tình hình kinh tế thế giới chậm hội phục.
Một bất cập nữa là ở nội dung Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP. Đó là việc khi trong doanh nghiệp, hợp tác xã chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì số tiền bắt buộc phải nộp sẽ được chi dùng như thế nào, khi mà người lao động ở đây buộc phải đóng khoản phí này, nhưng họ lại không hề được thu hưởng gì từ khoản chi phí đó? Đồng thời, nếu các đối tượng phải nộp kinh phí công đoàn bao gồm cơ quan, đơn vị, tổ chức, hợp tác xã và doanh nghiệp thì rõ ràng ngân sách nhà nước đã cấp trùng hai lần cho công đoàn: Một lần là kinh phí do Chính phủ cấp theo Luật Ngân sách Nhà nước; một lần người sử dụng lao động nộp 2% quỹ lương.
Từ những phân tích trên, rất mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp khắc phục những bất cập này, đồng thời tham mưu cho Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tế của đất nước, tạo thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh.
N.V