Chồng mất sớm, cuộc sống khó khăn nên bà Lê Thị Hạnh ở ấp Xa Lách, xã Tân Quan (Hớn Quản) phải một mình bươn chải, làm thuê để nuôi 2 con. Người dân ấp Xa Lách luôn dành cho bà Hạnh tình cảm tốt đẹp bởi “nghèo tiền bạc chứ không nghèo tình nghĩa”. Không chỉ tích cực tham gia hoạt động xã hội để giúp đỡ người khó khăn, bà Hạnh còn là điển hình hiến máu tình nguyện và là người phụ nữ duy nhất của huyện Hớn Quản được UBND tỉnh tặng bằng khen trong lễ hội xuân hồng năm 2017.
NGƯỜI MẸ TẢO TẦN, THÁO VÁT
Nhớ lại những ngày tháng vất vả đã qua, bà Hạnh kể: “Năm 1992, sau khi chồng mất, tôi cùng 2 con thơ dại bắt đầu lại cuộc sống mới với bao khó khăn. Tình yêu các con đã giúp tôi làm việc không mệt mỏi để nuôi con trưởng thành”. Bà Hạnh vừa là cha vừa là mẹ của các con. Hằng ngày bà phụ hồ, làm thuê và chăn nuôi thêm gà, heo… để cải thiện kinh tế. Nhờ có sức khỏe, sống tiết kiệm, các con ngoan ngoãn, bà Hạnh tích cóp dần mua được đất, xây nhà để gia đình có nơi ở ổn định, con cái yên tâm học hành.
Dù các con đã trưởng thành nhưng bà Lê Thị Hạnh vẫn yêu lao động, tích cực tham gia hoạt động xã hội để cuộc sống thêm vui và ý nghĩa
Bao khó khăn, vất vả dần đi qua, cây bắt đầu đơm bông cho trái ngọt khi 2 con của bà Hạnh lần lượt học lên cao và có nghề nghiệp. Con gái học trung cấp dược hiện đã có gia đình, công việc ổn định. Con trai út tốt nghiệp cao đẳng cơ khí và có việc làm tại TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù cuộc sống đã khá hơn rất nhiều so với trước nhưng với bản tính cần cù, yêu lao động bà Hạnh vẫn chăn nuôi gà, vịt, heo… Bà còn tích cực tham gia hoạt động xã hội với vai trò y tế thôn bản, tổ trưởng tổ vay vốn tại khu dân cư và nhiệt tình hỗ trợ Ban điều hành ấp mỗi khi có việc cần.
CỐNG HIẾN CHO ĐỜI
Có khả năng tuyên truyền, vận động, lại tích cực tham gia hoạt động phong trào nên bà Hạnh được bà con yêu mến bầu làm Chi hội trưởng chữ thập đỏ ấp Xa Lách. Năm 2006, do kinh tế người dân còn khó khăn nên các phong trào chữ thập đỏ rất ít người tham gia. Bà Hạnh chia sẻ: Lúc đầu đi vận động bà con hiến máu nhân đạo, do chưa hiểu rõ nên có người nói “Máu có dư đâu mà cho?”. Hơn nữa bà con chủ yếu làm nông nghiệp, thức khuya dậy sớm nên ngại hiến máu, sợ ảnh hưởng sức khỏe không đảm bảo ngày công lao động. Vì vậy, có thời điểm cả ấp chỉ có mình tôi đi hiến máu.
Xung phong tham gia hiến máu có năm đến 3 lần mà sức khỏe vẫn đảm bảo, việc làm có ý nghĩa nên bà Hạnh là tấm gương điển hình trong phong trào hiến máu nhân đạo tại địa bàn. Không chỉ vậy, từ năm 2011-2016, với vai trò là Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tân Quan, bà Hạnh đã phối hợp tham mưu chính quyền xây dựng và thực hiện hiệu quả các phong trào “Hũ gạo tình thương”, “Sổ tiết kiệm”; “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Nhờ vận động được nhiều người tham gia nên đến nay xã Tân Quan vẫn duy trì 15 hũ gạo tình thương (25kg); 7 sổ tiết kiệm (1 triệu đồng/sổ); 2 địa chỉ nhân đạo (trị giá 100-150 ngàn đồng/tháng) để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, không may trong cuộc sống. Riêng phong trào hiến máu nhân đạo ở xã Tân Quan phát triển rất mạnh, luôn dẫn đầu các đơn vị trong huyện và năm nào cũng được UBND tỉnh tặng bằng khen. Bà Nguyễn Thị Nhàn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tân Quan cho biết: Đến nay, bà Hạnh đã 26 lần hiến máu tình nguyện. Tuy không còn tham gia công tác hội nhưng bà Hạnh vẫn tiếp tục hiến máu nhân đạo, tích cực vận động nhân dân ủng hộ phong trào. Điển hình ở ấp Xa Lách, bà Hạnh đã vận động ông Nguyễn Đăng Trường tham gia hiến máu 16 lần, bà Lê Thị Lan 15 lần, ngoài ra còn vận động cả gia đình các ông Nguyễn Văn Hoa, Cao Văn Quân tham gia. Từ những tấm gương này, phong trào hiến máu nhân đạo ở ấp nói riêng và xã Tân Quan nói chung đã lan rộng, phát triển có chiều sâu theo hướng người người hiến máu, nhà nhà hiến máu và dòng họ hiến máu.
Tâm nguyện của bà Hạnh là “khi nào còn được nhân dân tín nhiệm thì vẫn phục vụ bà con, khi nào bệnh viện không nhận máu nữa thì mới thôi hiến máu”. Mong muốn “cống hiến cho đời những gì mình có” của bà Hạnh sẽ là động lực giúp xã hội ngày càng có thêm những bông hoa nhân ái làm đẹp cho đời.
Nguồn BPO