Theo tin từ UBND tỉnh, Nghệ An có 1 người chết, 1 người bị thương và ước tính thiệt hại khoảng 518 tỷ đồng do bão số 10.
Theo báo cáo nhanh của UBND của các địa phương, đơn vị, tổng hợp thiệt hại ban đầu đến 16 giờ ngày 15/9/2017 của 12/21 đơn vị (TX Cửa Lò, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, TP Vinh, TX Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Yên Thành, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Nam Đàn, Tương Dương), như sau:
Về người, đã có 1 người chết là bà Đào Thị Thức, 83 tuổi, Phương Nghi Hải, Thị xã Cửa Lò; chết ngày 15/9/2017 do gió bão làm rơi tấm proximang vào người, đã được người nhà đưa vào bệnh viện nhưng do bị thương nặng, tuổi cao, sức khỏe yếu nên đã tử vong.
Có một người bi thương nặng là ông Ngụy Đình Ân, 60 tuổi, xóm Hùng Cường 1, xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ do chặt tỉa cành cây bị ngã, gãy cổ, ngày 14/9/2017.
Tổng số 725 nhà ở, quán, ki ốt bị tốc mái, trong đó nhiều nhất là Thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc.
Có 65 hộ dân xóm Hòa Lam, xã Hưng Hòa,TP Vinh, bị ngập sâu 1-3m, hiện nay nước đã rút hết, các hộ dân đã về nhà.
Về sản xuất Nông nghiệp: Lúa Mùa bị ngậpp, đổ, gãy 380 ha (Đô Lương, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai); Ngô và rau màu các loại bị ngập, đổ gãy: 2.348ha (Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Tương Dương); Nuôi trồng thủy sản: Bị ngập 271,5 ha (huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, TX Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Tương Dương).
Mặc dù sức tàn phá không như cơn bão số 2 vừa qua, nhưng bão số 10 cũng đã làm đổ, gãy 524 cây chủ yếu ở TX Cửa Lò, TP Vinh.
Có 4 điểm trường ở Quỳnh Lưu, Thị xã Cửa Lò bị tốc mái, 200m tường rào bị đổ.
Một trong những thiệt hại nặng nề của Nghệ An là các công trình thủy lợi, trong đó sạt lở 10 mái đập, 1.675m đê biển (huyện Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai), 750 m đê sông Mai Giang, thị xã Hoàng Mai; sạt lở 900 m bờ sông (sông Rộ, huyện Thanh Chương: 500m; sông Lam, đoạn xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương: 400m).
Ngoài ra, bão số 10 làm hư hỏng, sạt lở 7,5km đường giao thông nông thôn, trôi 11 cống nhỏ…
Ước thiệt hại ban đầu về kinh tế sau bão số 10 tại Nghệ An là khoảng 518 tỷ đồng.
UBND tỉnh cũng đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm đó là tiếp tục kiểm tra tình hình thiệt hại, thăm hỏi các gia đình có người bị chết, bị thương, giúp đỡ nhân dân tu sửa nhà cửa, ổn định đời sống vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất. Nắm chắc tình hình sự cố hư hỏng các công trình đê điều, hồ đập, điện, thông tin liên lạc để sớm khắc phục.
Các lực lượng vũ trang sẵn sàng lực lượng phương tiện để ứng cứu; hỗ trợ địa phương cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu. Vận hành các công trình tiêu úng, trục tiêu, kênh tiêu, phối hợp chặt chẽ với các công ty Thủy lợi để vận hành tiêu úng kịp thời cho khu vực đô thị cũng như khu vực dân cư và sản xuất nông nghiệp. Và nhất là tiếp tục đề phòng và triển khai các biện pháp đối phó với hoàn lưu bão mưa lớn do hoàn lưu bão. Tăng cường công tác tuyên truyền, công tác trực ban PCTT, cảnh giác với bão lũ./.