Nghệ sĩ gặp scandal như “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng sự bùng nổ của văn hóa xóa sổ khiến nhiều trường hợp nghệ sĩ rơi vào cảnh “im lặng cũng dở, nói không xong”.

Vụ việc gần nhất, tài khoản Facebook cá nhân Đức Hải đăng dòng trạng thái cùng nhiều bình luận chua ngoa, nhạy cảm nhắm vào một cá nhân đang thu hút sự quan tâm của khán giả.

Khi phóng viên liên hệ, NSƯT này phân trần rằng mình bị hacker chiếm quyền kiểm soát tài khoản chứ anh không đăng những nội dung đó. Dĩ nhiên nếu không có xác nhận từ cơ quan chức năng hoặc Đức Hải không tự chứng minh, họa có Trời mới biết sự thật.

Giả sử trường hợp Đức Hải không hề bị hacker xâm nhập tài khoản, việc nghệ sĩ đổ lỗi khi gặp scandal cũng không hiếm gặp.

Nghệ sĩ gặp scandal: Im lặng cũng dở, nói không xong?
NSƯT Đức Hải khẳng định bị hacker xâm nhập tài khoản, khán giả không tin.

Xin lỗi và im lặng

Nghệ sĩ gặp scandal như “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng cách họ đối diện scandal lại nói lên rất nhiều điều. Thông thường, họ sẽ chọn 1 trong 3 hướng xử lý: xin lỗi, đổ lỗi hoặc im lặng.

Trong đó, hướng phổ biến nhất là lên tiếng phản hồi thông tin hoặc xin lỗi. Nghệ sĩ có thể trực tiếp phản hồi thông tin hoặc thông qua người đại diện, công ty quản lý. Việc phản hồi thông tin có thể qua tổ chức họp báo, thông cáo báo chí, mạng xã hội,…

Chẳng hạn khi các trang, nhóm Facebook vừa rộ nghi vấn liên quan việc chuyển tiền quyên góp cho Thủy Tiên ra miền Trung cứu trợ thiên tai, Trấn Thành lập tức đăng đàn giải thích kèm sao kê chứng minh đã chuyển tiền cho đoàn từ thiện của mẹ Hồ Ngọc Hà đi cứu trợ thay vì Thủy Tiên. Anh cũng gửi lời xin lỗi khán giả và Thủy Tiên. Với trang Fanpage đắt giá nhất nhì showbiz gần 19 triệu người theo dõi, Trấn Thành tận dụng lợi thế truyền thông để dập tắt nghi vấn chưa kịp lan rộng, bám rễ.

Hướng xử lý khủng hoảng truyền thông phổ biến không kém là đổ lỗi. Chẳng hạn nghệ sĩ hát nhép do ban tổ chức yêu cầu, nghệ sĩ bán hàng “dỏm” do nhãn hàng không cung cấp đủ thông tin, nghệ sĩ mặc hàng nhái do stylist,… Gần đây, diễn viên Nam Thư đăng đàn xin lỗi việc quảng cáo tiền ảo và cho biết vị quản lý phụ trách mọi thứ từ nhận lời mời hợp tác đến đăng bài viết quảng cáo trên Fanpage.

Nghệ sĩ gặp scandal: Im lặng cũng dở, nói không xong?
Nam Thư xin lỗi vì quảng cáo tiền ảo.

Tương tự trường hợp NSƯT Đức Hải là vụ chị N – vợ một NSƯT có tiếng ở Hà Nội tố bị chồng đánh. Phần livestream khóc lóc quay cận vết thương của chị N sau khi khuấy đảo mạng xã hội bỗng “không cánh mà bay”, còn chính chủ giải thích rằng tài khoản của mình “hôm qua bị hack, hôm nay bị giả mạo” khiến khán giả không biết nên tin vào đâu. Điểm chung là vì không ai chứng minh được sự thật chuyện hacker xâm nhập nên vụ việc cứ thế “chìm xuồng”.

Trái ngược với động thái lên tiếng, một số nghệ sĩ chọn cách im lặng trước scandal. Như lời bài hát “cứ im lặng sẽ qua”, nhiều trường hợp nghệ sĩ giữ thái độ im lặng để vụ việc trôi qua. Sau đó, họ sẽ khỏa lấp thông tin cũ bằng hoạt động từ thiện, ra mắt sản phẩm mới,… Họ có thể phản hồi về scandal cũ sau đó nhiều năm hoặc không bao giờ. Sơn Tùng M-TP được biết đến như một nghệ sĩ hầu như im lặng trước scandal. Sau đó, anh hoạt động âm nhạc năng nổ khiến khán giả không còn nhớ gì đến vụ việc đã qua.

Xin lỗi hay im lặng?

Có nhiều hơn một hướng xử lý khủng hoảng truyền thông. Không phải cách nào cũng có thể áp dụng mọi trường hợp và không phải mọi lý thuyết xử lý khủng hoảng truyền thông đều “chuẩn chỉnh” trong thực tế. Không nghệ sĩ nào đối diện scandal giống nghệ sĩ nào, một số trường hợp trở thành bài học minh thị nhưng một số khác lại trở thành “vết xe đổ” cho người đi sau.

Mặt khác, sự bùng nổ của văn hóa xóa sổ khiến những bài học xử lý khủng hoảng truyền thông cho nghệ sĩ cũng trở nên bấp bênh. Họ rơi vào cảnh “im lặng cũng dở, nói không xong”.

Trong một số vụ việc, nghệ sĩ phản hồi thông tin scandal nhanh, rõ ràng vẫn không nhận được hồi đáp tốt. Chẳng như các vụ việc có liên quan đến producer K-ICM. Lý do thái độ của khán giả không bớt gay gắt vì họ quá nặng ác cảm và định kiến với nghệ sĩ này khiến anh nói gì cũng như “nước đổ lá môn”.

Hiệu quả của hướng xử lý này đến đâu tùy vào nội dung, tốc độ và thái độ của bài phản hồi. Nếu những yếu tố này không đảm bảo, nội dung phản hồi thông tin của nghệ sĩ có thể gây tác dụng ngược.

Nghệ sĩ gặp scandal: Im lặng cũng dở, nói không xong?
K-ICM điển hình cho trường hợp “Ghét nhau thì quả bồ hòn cũng méo”.

Trường hợp Nam Thư quảng cáo tiền ảo và đổ lỗi cho quản lý là chưa đủ thuyết phục. Chia sẻ của cô cho thấy sự ngây ngô đến kỳ lạ khi diễn viên hoàn toàn không biết quản lý của mình làm gì. Nhiều nghệ sĩ thường đổ lỗi bằng cách chỉ ra một phần hoặc toàn bộ lỗi do đối tác hoặc người có liên quan. Nhưng ngay cả khi đó là sự thật, nghệ sĩ vẫn không thể vô can vì họ có trách nhiệm liên đới tới vụ việc.

Trong đó, thái độ im lặng của nghệ sĩ trước scandal thường gây tranh cãi nhất. Dân gian có câu Im lặng là vàng, gần đây doanh nhân Nguyễn Phương Hằng gây “sốt” mạng xã hội với câu Im lặng là vàng nhưng lên tiếng mới là kim cương. Câu nói của vị nữ CEO phần nào có lý khi nhiều trường hợp nghệ sĩ giữ thái độ im lặng đã gây tác dụng ngược.

Nghệ sĩ gặp scandal: Im lặng cũng dở, nói không xong?
Khán giả bày tỏ sự thất vọng đối với NSND Hồng Vân.

Từ những vụ việc như NSND Hồng Vân quảng cáo sai sự thật, tin đồn chửi khán giả; đến vụ NSƯT Hoài Linh cầm 14 tỷ đồng tiền quyên góp từ thiện 6 tháng không giải ngân… vì giữ im lặng quá lâu mà đến khi phát ngôn, họ không thể nhận sự đồng cảm từ khán giả nữa. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng nếu họ lên tiếng nhanh chóng và tỏ rõ thái độ ngay từ đầu, chắc chắn khán giả không gay gắt như vậy.

Vậy mấu chốt của những trường hợp nêu trên là gì? Tại sao nghệ sĩ im lặng bị chỉ trích là vô trách nhiệm nhưng lên tiếng vẫn bị cho là ngụy biện? Nghệ sĩ nên làm gì trước búa rìu dư luận trong thời đại truyền thông xã hội lên ngôi? Nếu bạn có ý kiến, hãy gửi cho chúng tôi vào địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn có thể không trùng với quan điểm của VietNamNet.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Đức HảiHoài LinhHồng Vânshowbiz Viêt

Các tin liên quan đến bài viết