Đến thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn (Bù Đăng) hỏi về bà An Đê thì mọi người trong thôn ai cũng biết. Hơn 10 năm qua, bà đã góp phần rất lớn giúp nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Mơnông nơi đây được lưu giữ và ngày càng phát triển.

>>Nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng ở Bình Phước: Cần những đề án bảo tồn

Toàn thôn Sơn Hòa hiện có 250 hộ, với 1.276 người, trong đó 93% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mơnông, S’tiêng. Vì vậy, bản sắc riêng của đồng bào bản địa nơi đây rất đậm nét. Đi quanh thôn vào những buổi chiều, mọi người dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các cô ngồi dệt thổ cẩm, những ngày cuối tuần còn có trẻ nhỏ được truyền dạy nghề. Và người góp công vào việc gìn giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống đó phải kể tới nghệ nhân An Đê.

Năm 2006, để bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống, Câu lạc bộ dệt thổ cẩm thôn Sơn Hòa được thành lập gồm 35 thành viên. Với uy tín và tài năng được công nhận tại địa phương, nghệ nhân An Đê được giao làm Chủ nhiệm câu lạc bộ. Niềm đam mê và năng khiếu đã giúp bà An Đê có những đường kim, mũi chỉ tinh tế để tạo ra sản phẩm thổ cẩm đẹp, chất lượng. Bà đã trở thành “đầu tàu” của làng dệt thổ cẩm nơi đây và đem niềm đam mê, tình yêu văn hóa thổ cẩm truyền thống của dân tộc truyền lại cho thế hệ trẻ. Sản phẩm của câu lạc bộ khá phong phú, như: Túi xách, khăn, váy, áo… với màu sắc, hoa văn sặc sỡ, mang nét đặc trưng của người Mơnông trên đất Bình Phước.

Nghệ nhân An Đê (phải) luôn tuyên truyền cho các thế hệ trẻ trong thôn phải biết giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa dân tộc mình

Nghệ nhân An Đê chia sẻ: Tôi đam mê vẻ đẹp thổ cẩm từ nhỏ nên bây giờ cần phải gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc mình. Nếu không tiếp tục truyền dạy cho thế hệ trẻ thì sau này dệt thổ cẩm sẽ không còn nữa. Rất may tại thôn chúng tôi, từ khi câu lạc bộ thổ cẩm thành lập đến nay đã có rất nhiều chị em, các cháu tham gia tìm hiểu học tập và dệt ra nhiều sản phẩm đẹp.

Nói về nghệ nhân An Đê, thế hệ trẻ không những tại thôn Sơn Hòa mà các khu vực lân cận rất yêu mến và xem bà là tấm gương để noi theo. Em Thị Na (20 tuổi) cho biết: Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của dân tộc nên em rất thích. Từ khi được các bà, các mẹ, nhất là bà An Đê chỉ dạy tận tình từ đường chỉ đến hoa văn, em càng đam mê hơn và bước đầu có những sản phẩm dệt đơn giản như khăn, ví. Bà An Đê luôn mang lại niềm vui cho mọi người trong câu lạc bộ. Những buổi tập trung của câu lạc bộ đầy ắp tiếng cười, người biết nhiệt tình chỉ người chưa biết.

Còn bà Thị Phơm (63 tuổi) thành viên nhiều năm của Câu lạc bộ dệt thổ cẩm thôn Sơn Hòa chia sẻ: Chị An Đê rất tâm huyết với dệt thổ cẩm của dân tộc. Chị luôn là “đầu tàu” kết nối mọi người giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của đồng bào Mơnông. Thế hệ trẻ bây giờ không còn thích thổ cẩm nữa, nhưng với lòng nhiệt huyết, chị An Đê kiên trì truyền đạt cho nhiều chị em, các cháu. Bà con ở đây rất tự hào vì có chị An Đê, người luôn giữ gìn bản sắc, nét đẹp của dân tộc mình.

Trưởng thôn Sơn Hòa Điểu Thanh cho biết: Sơn Hòa nhiều năm qua luôn đi đầu trong mọi phong trào và chấp hành tốt pháp luật Nhà nước. Trong đó, đã thành lập câu lạc bộ dệt thổ cẩm để cùng nhau sinh hoạt nâng lên một tầm mới. Việc học hỏi, truyền dạy để nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc không bị mai một đang được các nghệ nhân như bà An Đê thực hiện rất tốt trong thời gian qua.

Theo các thành viên câu lạc bộ dệt, hiện nay họ không còn trồng bông để lấy sợi, tìm lá, vỏ cây rừng nhuộm màu cho sợi mà phải mua len, chỉ công nghiệp để thay thế. Còn nghệ nhân An Đê chia sẻ: Hiện sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ đơn đặt hàng nhỏ lẻ của người dân địa phương nên người dệt chưa thể sống được với nghề. Thời gian dệt thổ cẩm chỉ trong ngày nghỉ, lúc rảnh rỗi hoặc những người già không thể làm việc nặng trong gia đình thì thường xuyên dệt tại nhà. Chúng tôi rất muốn sản phẩm thổ cẩm có đầu ra để bà con vừa có nguồn thu vừa giữ gìn bản sắc dân tộc.

Nguồn  Báo Bình Phước

Từ khóa : MơnôngNghệ nhân An ĐêS’tiêng

Các tin liên quan đến bài viết