Để đảm bảo quyền lợi cho các đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, tỉnh Nghệ An đã chủ động bố trí, sắp xếp vị trí công tác trước khi đề án kết thúc. Đến nay, 23 đội viên đã được bố trí đảm nhiệm các vị trí công tác đúng với chuyên môn, 2 đội viên đang ở “chế độ chờ”.
Những người trẻ giúp đổi thay vùng khó
Năm 2012, thực hiện “Dự án thí điểm tuyển chọn 600 tri thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND các xã nghèo theo Nghị quyết 30a” (gọi tắt là Dự án 600 PCT xã), Nghệ An có 26 cử nhân được cử về đảm trách vị trí PCT các xã thuộc huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Trong đó có 24 người đảm nhận vị trí phụ trách lĩnh vực kinh tế, 2 người phụ trách lĩnh vực văn hóa – xã hội.
Ông Nguyễn Thăng Long – Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên, Sở Nội vụ Nghệ An cho biết: “Ngay từ ban đầu, việc tuyển chọn các ứng viên Dự án 600 PCT xã đã được các cơ quan, ban ngành Nghệ An rà soát rất kỹ, đảm bảo các tiêu chí quy định. Trong quá trình các đội viên về các đơn vị, cũng có lúc chưa thực sự nhận được sự hợp tác, phối hợp, tạo điều kiện của cán bộ tại chỗ.
Trong quá trình công tác, đội ngũ này đã ghi được dấu ấn đậm nét trong sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương. Họ là những người có kiến thức chuyên môn, có sức trẻ, có lòng nhiệt tình. Đặc biệt là có những người tự mình xây dựng các mô hình kinh tế “làm mẫu” cho bà con. Các đội viên đều đáp ứng được các yêu cầu mà dự án đề ra, góp phần thúc đẩy sự phát triển và làm thay đổi diện mạo các xã vùng khó khăn của Nghệ An. Nhiều đội viên được người dân tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND cấp huyện, có người là đại biểu HĐND tỉnh”.
Đến tháng 7/2017, Dự án 600 Phó chủ tịch xã kết thúc. Thời điểm đó, số phận của nhiều đội viên vẫn còn hết sức mơ hồ bởi sau khi kết thúc dự án, họ không biết mình sẽ đi đâu về đâu. Những tâm tư này đã được các đội viên kiến nghị tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện dự án 600 PCT xã các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ, tổ chức hồi tháng 7/2017 tại Nghệ An.
Tại hội nghị này, đại diện Bộ Nội vụ khẳng định việc sắp xếp vị trí công tác cho các đội viên đã được tính toán khi khảo sát thực hiện dự án. Tuy nhiên, cụ thể sắp xếp, bố trí như thế nào thì các đội viên dự án chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ đơn vị chức năng.
Không thể ngồi nhìn 25 Phó Chủ tịch xã “mất việc”
Mặc dù đã có hứa hẹn của lãnh đạo Bộ Nội vụ nhưng nhiều đội viên dự án này tại Nghệ An vẫn hết sức hoang mang về tương lai của mình, nhất là khi dự án chính thức kết thúc. Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các đội viên này, đặc biệt là ổn định tư tưởng cho họ, tỉnh Nghệ An đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ, Trung ương Đoàn giải quyết. Tuy nhiên, số phận của đội ngũ này vẫn tiếp tục bị treo cùng những lời hứa hẹn.
Trên thực tế, trong quá trình triển khai Dự án 600 PCT xã, tỉnh Nghệ An đã “lường trước” những khó khăn khi dự án kết thúc. Bởi vậy, việc bố trí công tác cho đội ngũ này đã được tính toán, bàn bạc để chủ động sắp xếp. 25/26 đội viên (1 đội viên tử vong vì TNGT) đã được chính quyền địa phương quy hoạch chức danh lãnh đạo cấp phó phòng, ban chuyên môn cấp huyện nhưng cái khó lại không có chỉ tiêu biên chế tại các đơn vị này.
Năm 2016, thực hiện Luật Chính quyền địa phương, 16 đội viên dự án ở các xã loại 1 (xã có 2 PCT) đã được bầu làm PCT UBND xã chính thức, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Trong đó huyện Tương Dương có 12 người, Kỳ Sơn và Quế Phong mỗi huyện có 2 người.
Tháng 7/2017, dự án chính thức kết thúc, nguồn kinh phí để chi trả lương cho 9 đội viên còn lại bị cắt. Đồng nghĩa với việc họ chính thức thất nghiệp. Tỉnh Nghệ An tiếp tục có công văn đề xuất hướng giải quyết lên Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan, trong đó, đề xuất tăng chỉ tiêu biên chế để bố trí sắp xếp công việc cho đội ngũ này. Tuy nhiên sau đó, tỉnh Nghệ An phải tự mình “giải cứu” 9 đội viên còn lại.
Đến thời điểm hiện tại, có 4 đội viên được huyện Kỳ Sơn và 3 đội viên được huyện Quế Phong bố trí công tác, tất nhiên không phải là các chức danh lãnh đạo phòng ban cấp huyện như đã quy hoạch.
Đội viên Phạm Văn Hòa (được phân công làm PCT xã Bảo Thắng, Kỳ Sơn) được quy hoạch làm Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Sơn. Khi dự án kết thúc thì quy hoạch này vẫn đang ở dạng “treo”. Mới đây, Hòa nhận được quyết định tuyển dụng làm chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Kỳ Sơn.
“Dù công việc mới không giống như quy hoạch trước đây nhưng dù sao em cũng đã được bố trí công tác ổn định. Công việc này đúng với chuyên môn em đã được đào tạo”, Phạm Văn Hòa chia sẻ.
Trong khi các đội viên khác đã được bố trí các vị trí như PCT UBND xã, Phó Bí thư Đảng ủy xã, công chức cấp xã thì Lô Mạnh Quân (được phân công PCT xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn theo dự án) và Nguyễn Văn Thành (PCT xã Hữu Lập, Kỳ Sơn) vẫn đang chờ bố trí công tác mới.
“Dự án kết thúc thì bọn em nghỉ, đồng nghĩa là không có lương, không có thu nhập. Em ở nhà phụ gia đình kinh doanh. Tuy nghỉ theo dự án nhưng em vẫn là đại biểu HĐND xã nên có cuộc họp hành nào thì tham gia, nắm bắt, ghi nhận kiến nghị của cử tri. Gần 1 năm trôi qua rồi, các đội viên khác đã ổn định công tác mới thì em vẫn chưa biết mình đi đâu về đâu. Lãnh đạo các cấp thì cứ động viên yên tâm nhưng sốt ruột và cũng khá lo lắng cho tương lai của mình”, Lô Mạnh Quân chia sẻ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thăng Long, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên, Sở Nội vụ Nghệ An cho hay: Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn thì hiện tại đội viên Lô Mạnh Quân đã được Thường vụ Huyện ủy phê duyệt chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã Tây Sơn, còn Nguyễn Văn Thành được phê duyệt chức danh PCT UBND xã Mường Ải. Hiện tại người đảm nhiệm vị trí này ở 2 địa phương chuẩn bị nghỉ hưu theo chế độ (cuối tháng 6/2018). Sau khi họ nghỉ hưu, tháng 7 tới, 2 đội viên này sẽ đảm trách 2 vị trí nói trên sau khi được HĐND xã thông qua.
Theo Dân Trí