Có nhiều người ra sức giảm cân thì ngược lại, cũng có nhiều người ái ngại về vóc dáng liêu xiêu của mình. Sự gầy gò không chỉ về mặc cảm quan nhìn thiếu sinh khí, uể oải mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.

Ngày càng gầy guộc xanh xao, nên kiểm tra công thức máu - Ảnh 1.

Tháng 8-2017, tờ Daily Mail đưa tin về cô gái 20 tuổi Korey Baruta (người Úc) mắc chứng ám ảnh cân nặng và ra sức giảm cân để trở thành một vũ công, người mẫu. Kết quả là Korey bị rối loạn ăn uống, giảm từ 70kg xuống còn 35kg 

Nhịn vì sợ thừa, để rồi bị thiếu

Theo BS CKI Đào Thị Yến Thủy – chuyên khoa dinh dưỡng Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc, để xác định xem một người có bị thiếu cân, suy dinh dưỡng hay không sẽ căn cứ trên chỉ số khối cơ thể BMI (body massage index), áp dụng cho người trên 18 tuổi (cả nam và nữ).

BMI = cân nặng (kg)/bình phương chiều cao (m)

Chỉ số BMI nằm trong khoảng 18,5 – 23 là mức bình thường. Nếu thấp hơn 18,5 tức là bạn bị gầy, thiếu cân hoặc suy dinh dưỡng.

Chị Duy Xuân (24 tuổi, Q.Tân Phú, TP.HCM) thường xuyên lo sợ bị mập, lo đến nỗi ám ảnh. Mỗi lần ai khen “dạo này trông có da có thịt, đẹp hơn” là chị lại nhịn ăn cho gầy rộc người đi. Lúc nào chị cũng duy trì cân nặng của mình ở mức 40kg, trong khi chị cao 1,60m (BMI = 12,5).

Chị Xuân là giáo viên tiếng Anh, phải đi dạy liên tục cả ban ngày và buổi tối. Việc chị nhịn ăn do ám ảnh cân nặng khiến người thân vô cùng lo lắng. Gia đình đã phải ra nội quy bất kỳ ai trong nhà đều không được nhắc tới từ “mập” hay từ nào có ý nghĩa liên quan và khuyến khích chị ăn nhiều hơn.

Trong khi đó, ngược lại, nhiều người ra sức tăng cân để cải thiện vóc dáng, tăng sự tự tin, không bị chọc là “bộ xương di động”, “cây tre miễu”, qua cầu gió bay…

Chị Ngọc Thủy (29 tuổi) nhiều năm liền ra sức ăn để tăng cân nhưng vẫn thất bại, chị kiên trì tập gym thêm cùng với ăn uống khoa học, nghỉ ngơi hợp lý và chăm sóc sức khỏe tinh thần tốt hơn, vượt qua áp lực “phải được” của mình nên cân nặng đã được cải thiện đáng kể. Từ 44kg với chiều cao 1,6m5, nay chị mới “leo” lên được 48kg.

Các bác sĩ khuyên khi bị gầy, bạn nên làm thêm xét nghiệm công thức máu để giúp hỗ trợ việc chẩn đoán tình trạng máu và cần bổ sung dưỡng chất để có thân hình khỏe mạnh, cân đối hơn.

Điển hình, một người nữ có tầm vóc trung bình, lao động nhẹ thì nhu cầu năng lượng một ngày khoảng 1.400 – 1.600 kcal và nam nằm ở khoảng 1.800 – 2.000 kcal.

Có nhiều đối tượng, cũng như nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến gầy, suy dinh dưỡng do kém hấp thu, rối loạn ăn uống, ăn nhiều nhưng thiếu cân bằng nhóm chất… Và người bệnh thật sự quan tâm khi họ “bị đánh gục” bởi năng lượng dự trữ không có, sức đề kháng yếu.

Cần điều trị tâm lý

Theo bác sĩ Yến Thủy, người bị ám ảnh cân nặng gây ra những hành động có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cần lưu ý được điều trị về mặt tâm lý, tìm hiểu nguồn cơn của nỗi ám ảnh giúp có liệu trình phù hợp.

Tránh tình trạng ám ảnh quá độ, sử dụng thuốc giảm béo, nhịn ăn quá nhiều sẽ dẫn đến giảm sức đề kháng, loét dạ dày, giảm tiết men tiêu hóa, gây ra biếng ăn và ăn không tiêu, nôn ói kéo dài gây suy dinh dưỡng, kiệt quệ và tử vong nếu không điều trị.

Làm sao để tăng cân an toàn

Trái ngược với nhiều người phải kiêng khem đủ thứ, giảm lượng ăn và số lần ăn, tập tành rất nhiều để mong giảm cân nặng thì người gầy ngược lại.

Theo bác sĩ Yến Thủy, người gầy nên ăn nhiều bữa, ăn nhiều món trong một bữa, ăn vặt sau khi ăn bữa cơm chính, tăng cường ăn đồ béo, ngọt. Nên uống nhiều sữa trong ngày và ăn thêm bữa khuya.

Ngày càng gầy guộc xanh xao, nên kiểm tra công thức máu - Ảnh 3.

Sau lần nhập viện cấp cứu do việc giảm cân đến mức báo động, cô Korey Baruta được điều trị. Tình trạng được cải thiện và cô muốn gửi đến các bạn trẻ bài học kinh nghiệm từ cô

Tẩy giun định kỳ mỗi sáu tháng cũng là cách kiểm soát việc tăng cân khoa học.

Hoạt động thể lực kèm theo dinh dưỡng hỗ trợ.

Bên cạnh đó, người gầy cũng nên kiểm tra sức khỏe và điều trị các bệnh lý nếu có.

Việc cố ăn nhiều hơn để mong tăng cân mà không kèm thêm phương pháp hỗ trợ là một sai lầm mà các chuyên gia thường thấy ở bệnh nhân của mình, càng ngày càng tạo nên tâm lý dồn ép càng khiến việc tăng cân trở nên khó hơn.

Tập thể dục nhẹ nhàng cùng với việc ăn uống điều độ, đúng giờ sẽ giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt hơn việc ra sức ăn cho nhiều, nặng bụng mà không vận động.

Và để duy trì được lâu dài, người gầy ngoài việc kiên trì, tuân thủ thực đơn cân bằng dưỡng chất thì cũng lưu ý đến sở thích, có thể linh hoạt thay đổi các nhóm thực phẩm có cùng nhóm chất, ví dụ có thể thay thịt bằng cá hoặc đậu bổ sung chất đạm chẳng hạn.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : giảm cânsức khỏesuy dinh dưỡngtâm lý

Các tin liên quan đến bài viết