Rất ít các công trình nghiên cứu thuộc ngành Y Dược ở Việt Nam được đăng bài trên các tạp chí quốc tế uy tín như The Lancet, New England Journal of Medicine… Bàn về lý do, đang có nhiều quan điểm trái chiều.

Lãnh đạo một trường ĐH đào tạo Y lớn ở khu vực phía Nam cho rằng các công bố trong ngành Y của Việt Nam khó được đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín là do nghiên cứu không đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các công trình được đầu tư kinh phí khá hạn hẹp, nên nghiên cứu không đến đầu đến cuối. Mặt khác các nhà nghiên cứu vấp phải hạn chế là khả năng ngoại ngữ, do vậy không thể chuyển tải cũng như phát huy được thế mạnh “câu chữ” khi trình bày nghiên cứu.

Ngoài ra còn một vấn đề là hiện rất nhiều bác sĩ, nhà nghiên cứu ngành Y trong nước không còn tha thiết với đăng báo quốc tế, bởi vì để được đăng báo rất mất công và có thể nói là “chảy mồ hôi”.

Trong khi đó có những tờ tạp chí lại thu phí nên họ ngại, vì vậy chỉ những nhà nghiên cứu cần bài thì họ mới chú tâm nghiên cứu. Còn trong các trường đào tạo bác sĩ hệ thực hành, sau đó họ lại chủ yếu làm việc trong các bệnh viện nên không còn mặn mà để nghiên cứu khoa học.

Nhìn nhận về vấn đề này, GS Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney (Úc), cho rằng ông không nghĩ là công bố quốc tế trong ngành Y khó, bởi ngành nào cũng có đặc thù và khó, chứ chẳng riêng gì ngành Y. Tuy nhiên với ngành Y vấn đề khó khăn là không có đề tài tốt và không có câu hỏi mà những người chuyên ngành quan tâm.

Ngành Y hiếm công bố quốc tế uy tín: 'Lệch pha' giữa Việt Nam và thế giới
Vì sao ngành Y Việt Nam hiếm có công bố trên tạp chí quốc tế nổi tiếng?

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, có rất nhiều nghiên cứu từ Việt Nam nhưng người trong ngành không quan tâm, ngược lại có những vấn đề chuyên ngành đang theo đuổi thì Việt Nam không thể làm được. Tức ở đây có một sự “lệch pha” giữa Việt Nam và quốc tế rất lớn.

“Vài nhóm nghiên cứu ở TP.HCM có những bài trên The Lancet, New England Journal of Medicine vì họ làm nghiên cứu tiên phong.  Nhóm nghiên cứu của tôi ở Việt Nam vẫn công bố trên những tập san có uy tín cao. Do đó nói nghiên cứu Y khoa ở Việt Nam khó công bố là không thuyết phục. Muốn có công bố trên các tập san hàng đầu thì nghiên cúu phải có chất lượng cao tức là câu hỏi nghiên cứu tốt, thiết kế đúng phương pháp, phân tích đúng, viết lách hay…” GS Tuấn nói.

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, cần thẳng thắn nói rằng nhà khoa học ở Việt Nam hiện mới chỉ ở bước hội nhập nên có nhiều vấn đề, chẳng hạn như: nghiên cứu chất lượng thấp, thiếu kinh nghiệm trong khoa học, kém tiếng Anh và đặc biệt là tâm lý nóng vội.

Lỗi hệ thống 

Tại TP.HCM, bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Trung tâm nghiên cứu Hope, Bệnh viện Mỹ Đức cùng với vợ là bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng khoa Y- Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã có nhiều công bố khoa học trên các tạp chí y khoa nổi tiếng thế giới. Nhóm của bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Vương Thị Ngọc Lan và đồng nghiệp đã có các nghiên cứu công bố trên tạp chí The Lancet, New England Journal of Medicine (NEJM) và mỗi năm nhóm nghiên cứu này có hơn 10 công bố khoa học trên các tập san chuyên ngành uy tín khác.

Chia sẻ về điều này, bác sĩ Hồ Mạnh Tường cho rằng nhu cầu công bố quốc tế của các ngành, đặc biệt là ngành Y rất lớn. Nhóm của ông có nhiều lợi thế vì hợp tác với các bệnh viện, có nhiều dữ liệu và đã đầu tư tổ chức được một nhóm nghiên cứu làm việc theo hệ thống, để phục vụ hoạt động nghiên cứu. Nhờ vậy có nhiều đối tác trong và ngoài nước phối hợp, từ đó có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị. Để làm được như vậy, nhóm nghiên cứu đã tìm tòi cách thức tổ chức làm nghiên cứu ở các nước, tập làm dần từng bước và được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đồng nghiệp trên thế giới. Ban đầu cũng gặp rất khó khăn và mất nhiều thời gian, nhưng sau đó, hệ thống hoàn thiện dần dần.

Theo bác sĩ Tường, cách dạy học, thực hành y khoa của Việt Nam giúp chúng ta rất giỏi về tay nghề, cứu sống được bệnh nhân, nhưng chưa hình thành được hệ thống hỗ trợ việc thực hiện các nghiên cứu y khoa có giá trị. Chúng ta chưa thực hành và đúc kết kinh nghiệm theo quan điểm y học thực chứng như thế giới, thực hành thường theo kinh nghiệm và không thu nhận dữ liệu một cách hệ thống, khoa học. Điều này khác với các nước phát triển.

Trong khi đó, muốn công bố khoa học trên các tập san quốc tế uy tín, chúng ta phải có một hệ thống thực hành lâm sàng và quản lý theo chuẩn quốc tế. Do đó mặc dù chúng ta có nhiều kinh nghiệm lâm sàng y khoa có giá trị, nhưng rất khó để tổng hợp, phân tích, trình bày một cách hệ thống, để được các tập san uy tín chấp nhận.

“Nói nôm na, công bố quốc tế trong ngành Y giống như mình xuất khẩu kiến thức, kinh nghiệm, dữ liệu của mình ra thế giới, nhưng “quy trình sản xuất” của mình không chuẩn, không theo hệ thống như thế giới, nên không xuất khẩu được. Các trường đại học và bệnh viện lớn phải làm lại điều này, nhưng rất khó và mất nhiều thời gian, vì đòi hỏi phải thay đổi cách làm việc của cả một hệ thống”- bác sĩ Tường nói.

Theo bác sĩ Tường, vấn đề thứ hai, nhiều người nói đến là phương pháp nghiên cứu. Nhiều người cho rằng Việt Nam chưa có nhiều công bố khoa học vì thiếu kiến thức về phương pháp nghiên cứu. Nhưng thực tế nhiều nghiên cứu sinh đi học ở nước ngoài, đã được dạy về phương pháp nghiên cứu và đã có công bố quốc tế nhiều, nhưng khi về Việt Nam thì “nằm im”, không tiếp tục được. Thật ra, ở Việt Nam cũng có rất nhiều khoá học có chất lượng về các phương pháp nghiên cứu khoa học. Như vậy, vấn đề không nằm ở kỹ thuật, phương pháp, mà là hệ thống hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học.

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường nhìn nhận, nếu câu chuyện nằm ở kỹ thuật hay ngoại ngữ thì có thể đi học và rèn luyện từ từ. Nhưng nếu lỗi hệ thống tổ chức hoạt động nghiên cứu thì rất khó, phải mất nhiều thời gian và công sức để có thể thay đổi. Bằng chứng là những năm qua, ở Việt Nam có nhiều lớp dạy về phương pháp nghiên cứu và cách viết bài báo bằng tiếng Anh, nhưng số lượng người làm nghiên cứu khoa học và có công bố quốc tế có giá trị vẫn chưa tăng nhiều. Do vậy, cần phải thay đổi cách nhìn nhận và cách làm.

“Theo tôi, trong ngành Y cần bắt đầu bằng cách học và làm theo y học thực chứng, tiếp cận và cập nhật thông tin y học chính thống của thế giới thường xuyên. Đồng thời bổ sung từng bước các kiến thức về phương pháp nghiên cứu khoa học và ngoại ngữ. Trên nền tảng đó, bắt đầu xây dựng các nhóm nghiên cứu tiên phong và nhân rộng các mô hình thành công”- bác sĩ Tường đề xuất.

Nguồn: vietnamnnet

Từ khóa : nghiên cứu khoa họcy học

Các tin liên quan đến bài viết